Giáo Hiệu nỗ lực giảm nghèo

Xác định giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, xã Giáo Hiệu (Pác Nặm) đã ban hành nghị quyết, thành lập Ban Chỉ đạo và phân công thành viên theo dõi, đôn đốc việc triển khai chính sách giảm nghèo tại các thôn, bản.

-	Mô hình trồng cây gai xanh tại thôn Khâu Slôm, xã Giáo Hiệu theo Dự án CSSP đang sinh trưởng và phát triển tốt.
Mô hình trồng cây gai xanh tại thôn Khâu Slôm, xã Giáo Hiệu theo Dự án CSSP đang sinh trưởng và phát triển tốt.

Đến nay, thu nhập bình quân của xã đạt 31,87 triệu/người/năm; xã còn 145/431 hộ nghèo (theo chuẩn mới), chiếm tỷ lệ 33,6%. Để thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo, xã giao chỉ tiêu giảm nghèo đến từng thôn bản, chỉ tiêu phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hằng năm từ 1 - 1,5%. Tích cực phối hợp với các ngành, đơn vị chuyên môn tạo điều kiện thuận lợi cho Nhân dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Chương trình 135, 30a, Dự án CSSP, vốn tín dụng chính sách. Từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất như đường giao thông, thủy lợi, điện... tạo điều kiện cho người dân phát triển sản xuất, trao đổi hàng hóa và tiếp cận các dịch vụ xã hội. Hiện nay đường giao thông đi lại trên địa bàn xã cơ bản được bê tông hóa; đường trục thôn, liên thôn được cứng hóa 80,9%. Tổng số hộ được sử dụng điện an toàn đạt 95,5%...

Trong phát triển kinh tế, xã chỉ đạo Nhân dân phát triển những cây, con thế mạnh. Tổng diện tích đất nông nghiệp hiện có trên 200ha, xã tập trung trồng lúa, ngô và phát triển kinh tế một số cây trồng, vật nuôi có lợi thế theo hướng liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Đến nay, xã có 02 HTX và 08 tổ hợp tác với các mô hình: Trồng gừng, cây gai xanh, kiệu, bí xanh thơm; chăn nuôi lợn thịt, vỗ béo trâu, bò... Cuối năm 2021, HTX Giáo Hiệu có sản phẩm trà bí đao Giáo Hiệu - trà túi lọc đạt 3 sao OCOP và là HTX duy nhất của huyện được lựa chọn tham gia Chương trình "Kết nối giao thương giữ nhà cung cấp khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ với các doanh nghiệp xuất khẩu và tổ chức xúc tiến thương mại" năm 2022 tại Hà Nội.

Ngoài ra, xã còn đẩy mạnh công tác trồng rừng, chú trọng việc trồng rừng sau khai thác, tập trung trồng rừng gỗ lớn, có giá trị kinh tế cao, thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng. Phối hợp với cơ quan chuyên môn mở các lớp tập huấn kiến thức, chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho người dân. Chỉ đạo các tổ chức Hội, đoàn thể tích cực phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tín chấp vay vốn. Nhờ đó đã giúp nhiều lượt hộ nghèo có vốn phát triển sản xuất vươn lên thoát nghèo bền vững.

-	Anh Hoàng Văn Sáu ở thôn Nà Muồng, xã Giáo Hiệu làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi.
Anh Hoàng Văn Sáu ở thôn Nà Muồng, xã Giáo Hiệu làm giàu từ nguồn vốn vay ưu đãi.

Anh Hoàng Văn Sáu, người dân thôn Nà Muồng chia sẻ: "Năm 2019, gia đình tôi vay 50 triệu đồng từ NHCSXH huyện để đầu tư mở rộng xưởng sản xuất gạch không nung, trồng 10ha mỡ, xây dựng chuồng trại duy trì chăn nuôi lợn, nuôi cá, vỗ béo trâu, bò. Nhận thấy hiệu quả từ nguồn vốn vay ưu đãi, năm 2020, tôi tiếp tục vay vốn ưu đãi để mở rộng trang trại và nhà xưởng với quy mô lớn hơn. Từ các nguồn thu trong chăn nuôi, sản xuất, trừ đi chi phí mỗi năm gia đình tôi có thu nhập gần 300 triệu đồng/năm".

Xã Giáo Hiệu đã chú trọng đầu tư, hỗ trợ người nghèo về nhà ở. Trong 6 tháng đầu năm, với tổng kinh phí 1 tỷ đồng, xã thực hiện hỗ trợ, chỉnh trang, xây mới được 03 nhà ở cho người nghèo. Đến nay, xã không còn nhà tạm, nhà dột nát, 362/431 nhà đạt tiêu chuẩn theo quy định, đạt tỷ lệ 81%. Quan tâm, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giải quyết kịp thời chế độ trợ cấp người tàn tật, người già neo đơn, trẻ em mồ côi, chi trả trợ cấp các đối tượng bảo trợ xã hội đầy đủ. Các chính sách về giáo dục, y tế được triển khai đồng bộ...

Chủ tịch UBND xã Giáo Hiệu Dương Văn Bằng cho biết: Thời gian tới, nhằm thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, xã tiếp tục rà soát lại các hộ trong danh sách dự kiến thoát nghèo trong năm để xây dựng kế hoạch, chính sách hỗ trợ phù hợp; tuyên truyền, vận động người dân đi làm việc tại các doanh nghiệp trong nước và tham gia xuất khẩu lao động tại các thị trường nước ngoài; tiếp tục tận dụng các nguồn vốn đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, khắc phục khó khăn, giảm nghèo bền vững. Dự kiến trong 6 tháng cuối năm sẽ sử dụng các nguồn vốn được phân bổ để hỗ trợ vốn vay cho các hộ nghèo, cận nghèo, các hộ có nhu cầu phát triển chăn nuôi gia trại như: mô hình chăn nuôi dê ở thôn Nà Muồng, chăn nuôi lợn bản địa, vỗ béo trâu, bò... Phấn đấu trong năm 2022 giúp 17 hộ thoát nghèo; đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới 12%./.

Thanh Hảo

Xem thêm