Duy trì, phát triển giống cây đào toáng ở Chợ Đồn

Theo người dân địa phương, cây đào toáng có nguồn gốc ở Trung Quốc, trồng trên đồng đất Bản Lồm, xã Nam Cường (Chợ Đồn) hàng trăm năm nay. Đây là giống đào từng rất được ưa thích bởi quả ngon, giòn, ngọt, song qua nhiều năm cây dần bị mai một, già cỗi, nguy cơ thoái hóa, mất nguồn gen.

Cán bộ kỹ thuật thăm nắm diện tích trồng mới tại thôn Bản Lồm, xã Nam Cường
Cán bộ kỹ thuật thăm nắm diện tích trồng mới theo đề án tại thôn Bản Lồm, xã Nam Cường.

Cây đào toáng ở các xã Nam Cường, Tân Lập được trồng xen kẽ trên các nương đồi của người Dao. Giống đào trước đây cho quả to, khi chín có vị ngọt, giòn, thịt dày, ít sâu bệnh. Cây đào toáng nếu được chăm sóc, thâm canh đúng kỹ thuật sẽ cho năng suất lên đến 80 tạ/ha, giá bình quân 25.000 đồng/kg, đem lại trên 200 triệu đồng/ha, giá trị kinh tế cao hơn so với một số loại cây ăn quả khác.

Đặc điểm của giống đào toáng ở vùng này là có hoa muộn, vào khoảng tháng 3, tháng 4, hoa có cánh to, màu hồng đẹp. Tuy nhiên, người dân không quan tâm chăm sóc, bảo vệ nên cây kém phát triển, năng suất quả thấp, thậm chí một số cây lâu năm còn bị người dân đào gốc đem bán.

Trước tình hình đó, năm 2020 Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Đồn phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tiến hành triển khai Đề tài nghiên cứu và phát triển cây đào toáng tại xã Nam Cường. Đề tài triển khai trong vòng 5 năm (2020-2024) nhằm góp phần cải tạo đào bản địa, nâng cao thu nhập cho người dân. Mục tiêu trong cả giai đoạn là cải tạo 40 cây đào toáng hiện có cho quả đồng đều, năng suất tăng 5-10%; bình tuyển 5-10 cây đầu dòng để lấy cành ghép nhân giống; xây dựng mô hình trồng mới 3ha. Các hộ tham gia được hỗ trợ hoàn toàn giống, vật tư, hướng dẫn khoa học kỹ thuật.

Cây đầu dòng được công nhận để phục vụ việc ghép giống
Cây đầu dòng được công nhận để phục vụ việc nhân giống.

Sau hơn 2 năm triển khai với sự hướng dẫn của các cán bộ kỹ thuật, sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương, đến nay mô hình đã trồng mới được 3ha tại thôn Bản Lồm, xã Nam Cường; tuyển chọn, công nhận được 6 cây đầu dòng để nhân giống; tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho các hộ tham gia. Bà Hoàng Thị Thùy- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Đồn cho biết: “Giống cây đào toáng diện tích còn rất ít, thời điểm chúng tôi khảo sát chỉ còn khoảng 100 cây. Lý do diện tích thưa dần vì tác động của thời tiết nóng ấm dần lên khiến cho giống đào kém năng suất, người dân bỏ bẵng việc chăm sóc khiến cây ngày càng bị thoái hóa, khó đậu quả, một số hộ còn chặt bỏ để mang đi bán đào cảnh. Nhờ triển khai Đề án thí điểm phát triển cây đào toáng mà diện tích đào bản địa có cơ hội khôi phục. Qua thực hiện đã có 40 cây của 18 hộ dân được cải tạo, thí điểm trồng mới 3ha, diện tích đang phát triển tốt, đường kính cây đạt 3-4cm, bộ tán gọn, dự kiến đến năm 2024 sẽ cho quả. Hiện đơn vị tiếp tục thăm nắm, hướng dẫn các biện pháp chăm sóc, cải tạo để từng bước nâng cao chất lượng cây trồng".

Cây đào toáng cho quả rộ vào tháng 7 dương lịch. Vụ đào năm nay có một số cây cải tạo đã cho thu hoạch, tuy chất lượng quả chưa cao, số quả trên cây còn thấp, tỷ lệ sâu bệnh hại vẫn còn phổ biến nhưng đó cũng là tín hiệu tích cực. Ngoài diện tích đào trồng theo đề án, hiện nay tại xã Tân Lập cũng có một số hộ đang tập trung phát triển giống đào này. Đơn cử như hộ anh Triệu Hữu Quan ở thôn Nà Lịn. Năm 2012, anh tự chiết và trồng 30 gốc đào toáng, sau 4 năm cây bói quả. Tuy nhiên vì nhiều lý do, anh không chú trọng chăm sóc nên cây không cho thu hoạch, nhiều sâu bệnh hại. 2 năm gần đây, anh đã dành thời gian chăm sóc, cắt tỉa cành, phun thuốc phòng trừ sâu bệnh. Nhờ đầu tư chăm sóc, vụ đào năm 2022 gia đình anh thu hoạch được 4-5 tạ quả, với giá bán bình quân 40.000 đồng/kg thu về gần 20 triệu đồng. Anh Quan cho biết: "Cây đào toáng ưa lạnh, phát triển tốt nếu chăm sóc đúng cách, song nhược điểm là dễ bị sâu bệnh hại tấn công, nhất là khi đang đậu quả. Thời gian tới, tôi dự kiến sẽ áp dụng triệt để các biện pháp kỹ thuật như dùng chùm lưới chống côn trùng, quét vôi gốc, tỉa cành để cây phát triển tốt, năng suất cao".

Các xã phía Bắc huyện Chợ Đồn đều có khí hậu mát mẻ, thổ nhưỡng phù hợp với cây đào. Với ưu thế đó, cùng sự vào cuộc của các ngành chức năng, tin rằng trong thời gian tới, cây đào toáng sẽ trở thành sản phẩm thế mạnh của vùng, góp phần gia tăng thu nhập cho người dân./.

Thu Trang

Xem thêm