Cần tăng cường bảo vệ môi trường đồng ruộng

Năm 2016, căn cứ Thông tư số 05/2016/TTLT-BNN&PTNT-BTNMT, ngày 16/5/2016, quy định hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc BVTV sau sử dụng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành “Hướng dẫn sử dụng, thu gom và vận chuyển bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng”. Tuy nhiên, đến nay tình trạng chưa tuân thủ các quy định về quản lý chất thải nguy hại vẫn còn diễn ra.

Các loại thuốc BVTV như thuốc trừ sâu, trừ bệnh hại, diệt cỏ dại, trừ chuột, trừ nhện hại ...  có thể gây nhiễm độc da tay do tiếp xúc trực tiếp khi pha chế, khi phun; có thể dây dính lên người khi không mang phương tiện bảo vệ hợp lý; có thể gây nhiễm độc qua đường hô hấp do hít phải những hạt thuốc BVTV trong không khí (do các loại khẩu trang thông thường làm bằng vải không thể ngăn cản được các hạt thuốc BVTV này).

Bao bì, chai lọ thuốc BVTV là loại chất thải nguy hại. Mỗi bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng đều có một lượng hóa chất dính lại, khi bị thải bỏ lượng hóa chất này sẽ lan truyền ra môi trường và xâm nhập trở lại cơ thể sinh vật thông qua thức ăn. Do vậy đòi hỏi công tác thu gom và xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng phải đảm bảo theo đúng quy định.

Vẫn còn tình trạng không sử dụng găng tay, pha thuốc BVTV tại cánh đồng thôn Tổng Sâu, xã Cao Kỳ (Chợ Mới).
Vẫn còn tình trạng không sử dụng găng tay, pha thuốc BVTV tại cánh đồng thôn Tổng Sâu, xã Cao Kỳ (Chợ Mới).

Sau 6 năm (2016-2022) thực hiện quy định hướng dẫn thu gom, vận chuyển và xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng, các cấp, các ngành chức năng đã tổ chức hàng trăm lớp tập huấn hiểu biết chung về thuốc BVTV cho nông dân. Qua các lớp tập huấn đã nâng cao nhận thức người dân sử dụng thuốc BVTV trên cây trồng đảm bảo an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng”. Các địa phương đã xây dựng được 244 bể chứa vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng. Riêng năm 2021, số lượng vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng đã được thu gom là 3.533kg; số lượng đã tiêu hủy bằng hình thức đốt tại các lò đốt rác là 1.127kg , số lượng chưa tiêu hủy là 2.406kg.

Các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp sản xuất cây trồng nông, lâm nghiệp đã có trách nhiệm tổ chức thu gom bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng trong địa bàn quản lý của doanh nghiệp; người dân đã có ý thức bảo vệ môi trường và cam kết thực hiện sử dụng thuốc BVTV đúng cách, đồng thời thực hiện xử lý bao bì, chai lọ thuốc BVTV theo quy định.

Tuy nhiên, công tác thu gom và xử lý bao gói, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng còn gặp nhiều khó khăn do địa bàn rộng, sản xuất nông nghiệp của người dân nhỏ lẻ, không tập trung dẫn đến khó khăn trong việc quy hoạch và xây dựng bể chứa. Ý thức của một số người dân chưa cao, thói quen sau khi sử dụng thuốc BVTV xong thường bỏ lại vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV trên đồng ruộng vẫn còn khá phổ biến.

Không khó để tìm thấy vỏ bao bì thuốc BVTV trên các cánh đồng thuộc địa bàn tỉnh. Tại cánh đồng thôn Tổng Sâu, xã Cao Kỳ (Chợ Mới), chúng tôi bắt gặp 2 người phụ nữ đang pha thuốc để phun diệt sâu cuốn lá trên cây ngô. Điều đáng nói là cả 2 người đều không sử dụng đồ bảo hộ. Khi được hỏi, họ trả lời đã làm như vậy từ xưa rồi, việc đeo găng tay rất khó khi làm việc. Cách đó, không xa một điểm pha thuốc BVTV có cả thau, thùng đựng nước và vỏ bảo bì chưa được gom nhặt.

Một điểm pha thuốc BVTV, vỏ bao bì vứt vương vãi.
Một điểm pha thuốc BVTV, vỏ bao bì vứt vương vãi.

Hiện nay, mỗi năm người dân tỉnh Bắc Kạn sử dụng khoảng 12 tấn thuốc BVTV các loại để phòng, trừ sinh vật gây hại cây trồng và ước tính có khoảng 2 đến 3 tấn vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng được đốt hoặc thải ra môi trường. Từ thực tế cho thấy sau khi phun thuốc, vẫn còn tình trạng vứt bừa bãi vỏ bao bì ra ngoài đồng ruộng, mương nước. Việc làm này gây ô nhiễm nguồn nước, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của chính người sử dụng và cả cộng đồng; ảnh hưởng tới chất lượng sản phẩm nông nghiệp. Việc bố trí kinh phí xây dựng các bể chứa vỏ bao bì, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng còn hạn hẹp, khiến công tác thu gom và xử lý còn nhiều bất cập.

Ông Nông Đình Khuê, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng cho biết: Hiện người dân mỗi năm xử lý bằng cách đốt được một nửa số lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV, tuy nhiên việc xử lý bằng cách đốt cũng không đúng quy định vì như vậy sẽ ô nhiễm môi trường không khí. Để thực hiện theo đúng quy định thì phải thu gom vỏ bao, chai lọ thuốc BVTV cho vào bảo quản, sau đó thuê xe chuyên dụng chở đi thiêu hủy ở môi trường lò nhiệt độ cao, tuy nhiên vấn đề này hiện chưa có địa phương nào làm được.

Có thể thấy, việc mỗi năm toàn tỉnh chỉ đốt tiêu hủy được một nửa trọng lượng bao gói, chai lọ thuốc BVTV, một nửa còn lại phát tán vào môi trường là vấn đề cần giải quyết, nhất là trong giai đoạn tập trung tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, với mục tiêu sản xuất hàng hóa, hướng tới xuất khẩu. Trước mắt, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân việc sử dụng và thu gom, xử lý vỏ bao, chai lọ thuốc BVTV sau sử dụng cần được tăng cường có chiều sâu. Đồng thời, các cấp, các ngành chức năng chủ động bố trí kinh phí để xây bể chứa, lò đốt rác thải nguy hại, từng bước đưa công tác này vào nền nếp, góp phần bảo vệ môi trường và sức khỏe cộng đồng, bảo đảm sản xuất nông nghiệp an toàn phục vụ người tiêu dùng./.

Phan Quý

Xem thêm