Ngành Công thương góp phần thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế

Nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn và đạt được kết quả khả quan trong 6 tháng đầu năm của toàn ngành, đã góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi sản xuất, kinh doanh và đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 4,52%.

Hoạt động sản xuất tại Khu Công nghiệp Thanh Bình- Chợ Mới.
Hoạt động sản xuất tại Khu Công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới).

Từ đầu năm 2022, tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, thương mại, dịch vụ của tỉnh. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh hoạt động cầm chừng. Đặc biệt là thời điểm đầu năm, các cơ sở công nghiệp trên địa bàn thiếu nguyên liệu cho sản xuất, giá cả than cốc và than điện cực tăng cao; thiếu chuyên gia nước ngoài tại các nhà máy, xí nghiệp công nghiệp; thị trường tiêu thụ sản phẩm hàng hóa trong nước và xuất khẩu vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Trong khi đó, giấy phép khai thác khoáng sản mỏ chì kẽm Chợ Điền của Công ty Cổ phần Kim loại màu Thái Nguyên –Vimico (do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp ngày 17/01/2022) cho phép doanh nghiệp khai thác khoáng sản với công suất 100.000 tấn quặng nguyên khai/năm (giảm 70.000 tấn quặng nguyên khai thác thực tế năm 2021). Doanh nghiệp này phải điều chỉnh kế hoạch khai thác để phù hợp với giấy phép khai thác, dẫn đến sản lượng khai thác của mỏ chì kẽm Chợ Điền trong 6 tháng đầu năm 2022 chỉ đạt 64.362 tấn quặng nguyên khai (tương đương 910 tấn tinh quặng chì; 9.697 tấn tinh quặng kẽm).

Nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Khoáng sản Bắc Kạn (huyện Chợ Đồn) đã tạm dừng hoạt động sản xuất từ đầu năm 2022 do tác động của dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến hoạt động nhập khẩu nguyên liệu tinh quặng chì và giá vật liệu than cốc, than điện cực tăng cao (tăng 88-110% so với năm 2021). Nhà máy luyện chì công suất 5.000 tấn/năm của Công ty Cổ phần Khoáng sản Na Rì Hamico (tại huyện Ngân Sơn) tạm dừng hoạt động từ đầu năm 2022 để sửa chữa, cải tạo dây chuyền sản xuất.

Bên cạnh đó, trên thị trường, do Trung Quốc áp dụng chiến lược không Covid-19 (Zero Covid) rất chặt chẽ nên các mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, đặc biệt là nông sản thường xuyên bị tồn đọng tại các cửa khẩu Việt - Trung, dẫn đến hàng hóa bị hư hỏng và rớt giá, kéo theo giá cả và thị trường tiêu thụ, lưu thông hàng hóa trong tỉnh mất tính ổn định. Ngoài ra, tác động và ảnh hưởng an ninh chính trị giữa Nga và Ukraine, giá cả một số mặt hàng thiết yếu (xăng, dầu, phân bón) tăng đã ảnh hưởng nhiều đến tình hình sản xuất, kinh doanh của các cơ sở trên địa bàn.

Trước thực trạng đó, cùng với sự chỉ đạo và điều hành quyết liệt của các cấp lãnh đạo và các địa phương, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, nền kinh tế của tỉnh nói chung và của ngành Công thương nói riêng đã có sự tăng trưởng so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, trong đó có sản xuất công nghiệp đã từng bước ổn định và phát triển mạnh đặc biệt phát triển mạnh trong quý II/2022, so cùng kỳ năm trước ngành công nghiệp vẫn đạt tốc độ tăng khá, các nhóm ngành vẫn duy trì và đi vào hoạt động tương đối ổn định. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất của tỉnh đã đẩy nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, bắt đầu phục hồi và đạt kết quả khá. Nhờ đó, giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh đạt hơn 714 tỷ đồng, tăng 10,3% so với cùng kỳ năm 2021. Tiến độ triển khai các dự án đầu tư hạ tầng các cụm công nghiệp cơ bản đảm bảo theo kế hoạch.

Trưng bày, giới thiệu các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP... tại Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dung - Chợ đêm Chợ Đồn.
Trưng bày, giới thiệu, quảng bá các mặt hàng nông sản, sản phẩm OCOP... tại Ngày hội hàng hóa vì người tiêu dùng - chợ đêm huyện Chợ Đồn.

Với quan điểm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, các hoạt động thương mại, dịch vụ cơ bản đã phục hồi và phát triển trở lại. Thị trường hàng hóa trong 6 tháng đầu năm tương đối ổn định, đa dạng về chủng loại, mẫu mã, hàng hóa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân. Mặc dù giá xăng dầu có sự điều chỉnh tăng liên tiếp và đạt ngưỡng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, tuy nhiên tình hình giá cả thị trường không có nhiều biến động (trừ những mặt hàng bị tác động trực tiếp bởi giá xăng dầu tăng cao). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt gần 2.845 tỷ đồng và tăng nhẹ so với cùng kỳ năm 2021. Công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu và gian lận thương mại được quản lý chặt chẽ... Hoạt động xúc tiến thương mại tiếp tục được đẩy mạnh. Xuất nhập khẩu tiếp tục đạt kết quả khả quan. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 20 triệu USD (xuất khẩu đạt 13,9 triệu USD, nhập khẩu đạt 6,6 triệu USD), tăng 62,8 % so với cùng kỳ năm 2021. Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là: Đũa gỗ, gỗ dán ép, măng muối, chì chưa gia công; mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là: Vener nguyên liệu, máy móc thiết bị, tinh quặng chì, hợp kim chì atimon... 

Kết quả đạt được trong 6 tháng đầu năm của toàn ngành đã góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi phát triển kinh tế và đưa tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt 4,52% so với cùng kỳ năm 2021; trong đó khu vực công nghiệp, xây dựng tăng 5,15% và đóng góp 0,7%; khu vực dịch vụ tăng 4,65%, đóng góp 2,51%. Xét cơ cấu kinh tế của tỉnh, khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất là 56,12%; khu vực công nghiệp - xây dựng chiếm 14,95% (công nghiệp chiếm 8,08%)... Đây tiếp tục là tiền đề để Sở Công thương thực hiện đồng bộ các giải pháp thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu đề ra, góp phần quan trọng thúc đẩy phục hồi, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong thời gian tới./.

Anh Thúy

Xem thêm