Mỹ Phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng

Những năm gần đây xã Mỹ Phương (Ba Bể) từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng vụ, tạo ra sản phẩm hàng hóa có năng suất, chất lượng cao đáp ứng nhu cầu của thị trường, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân từ những lợi thế sẵn có.

Cây chè mỹ phương
 Nâng cao chất lượng và sản lượng cây chè.

Cây chủ lực trong phát triển kinh tế của xã Mỹ Phương là chè, bí xanh và rừng sản xuất. Những năm qua, xã Mỹ Phương được triển khai nhiều dự án hỗ trợ người dân trồng mới, thâm canh, cải tạo các vườn chè già cỗi, nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển cây chè theo hướng hàng hóa, đem lại giá trị kinh tế cao.

Toàn xã hiện có hơn 300ha chè đang cho thu hoạch. Từ các chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất, diện tích chè được mở rộng theo hướng tập trung. Bà Đồng Thị Tươi- Chủ tịch UBND xã Mỹ Phương cho biết: Từ năm 2019 đến nay, xã sử dụng hiệu quả nguồn vốn từ Chương trình 30a, hỗ trợ trực tiếp cho những hộ trồng chè mở rộng diện tích như trồng mới, trồng dặm, trồng nối tiếp những diện tích đã có, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, thuận lợi cho người dân trong chăm sóc, thu hoạch.

Hiện xã có 01 HTX chế biến chè quy mô nhỏ trong khi sản lượng chè tươi của địa phương khá lớn. Cây chè được chăm sóc theo đúng quy trình nên chỉ 30 ngày đã cho thu hoạch. Chất lượng tốt, búp đều, tỷ lệ chè búp đạt cao sau chế biến. Chè khô có giá từ 100.000 - 200.000 đồng/kg, đầu ra thuận lợi. Năng suất trung bình khoảng 30kg chè búp khô/1.000m2. Ở Mỹ Phương mưa khá đều, mùa khô độ ẩm vẫn khá cao, nên cây chè phát triển tốt, dễ chăm sóc xã phấn đấu đưa sản phẩm chè Mỹ Phương vươn xa đến các thị trường trên toàn quốc.

Những giống chè được bà con xã Mỹ Phương đưa vào trồng chủ yếu gồm: Chè LDP1, LDP2, Kim Tuyên, PH8… Đây là các giống phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở địa phương, cho năng suất, chất lượng cao hơn những giống khác. Thực hiện việc cơ giới hóa sản xuất, người nông dân đã đầu tư các loại máy móc cơ giới để vun xới, làm đất, vừa giúp giảm công sức lao động, vừa hạn chế sử dụng các loại thuốc trừ cỏ. Nhằm nâng cao chất lượng chè sau chế biến, bà con đầu tư một số loại máy sao, vò, sấy... giúp chè có mẫu mã đẹp, giữ được hương vị, độ thơm ngon đặc trưng.

Mỹ Phương tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng ảnh 2
Rừng trồng đã tạo được vùng nguyên liệu cho các cơ sở chế biến gỗ.

Cùng với đó, Mỹ Phương đang có hơn 3.300ha rừng sản xuất, hàng chục năm qua tỷ lệ che phủ rừng đạt cao, sản lượng gỗ rừng trồng đạt khá. Mở rộng diện tích rừng sản xuất, đến nay xã đã trở thành vùng nguyên liệu gỗ. Nhiều năm qua cây keo, mỡ đã trở thành hàng hóa. Hiện nay, trên địa bàn xã có 05 cơ sở chế biến lâm sản, nhờ vậy giá gỗ nguyên liệu được thu mua cao. Đồng thời, trung bình mỗi cơ sở tạo việc làm cho hàng chục lao động với thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng.

Hiện nay, xã tiếp tục tìm đầu ra ổn định cho cây bí xanh thơm, nhiều diện tích được chuyển đổi từ trồng lúa sang trồng bí xanh, vụ vừa qua toàn xã trồng được 9ha. Theo người dân cứ 1.000m2 trồng bí xanh thơm cho lợi nhuận gấp hai đến ba lần so với trồng lúa.

Xã Mỹ Phương phấn đấu, sản xuất tập trung, chuyên canh các loại cây trồng có giá trị kinh tế cao, như chè, bí xanh và rừng trồng, nâng cao chất lượng, mở rộng diện tích, nâng sản lượng đáp ứng nhu cầu chế biến của các nhà đầu tư, từng bước bứt phá làm giàu ngay chính trên quê hương./.

Trần Tuyến

Xem thêm