Kim Hỷ nỗ lực giảm nghèo

Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, những năm qua, cùng với sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự nỗ lực, chủ động của người dân, diện mạo xã Kim Hỷ dần khởi sắc, tỷ lệ hộ nghèo giảm, xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.

Người dân xã Kim Hỷ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch nông nghiệp
Người dân xã Kim Hỷ đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp.

Xã Kim Hỷ có 10 thôn với 411 hộ, 1.806 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Tày, Nùng, Dao. Là xã có điều kiện tự nhiên không thuận lợi, chủ yếu là núi đá, diện tích đất canh tác không nhiều, do vậy, việc phát triển kinh tế của người dân gặp nhiều khó khăn. Đến hết năm 2021, xã còn 239 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 58,2%; 52 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 12,7%. 

Thực hiện Quyết định số 24/2012/QĐ- TTg ngày 01/6/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư và phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011-2020, mỗi thôn được hỗ trợ 40 triệu đồng/năm và tiền nhận khoán bảo vệ rừng. Từ các khoản tiền hỗ trợ đó, phần lớn các thôn trong xã đồng thuận hiến đất, góp thêm tiền đổ bê tông đường giao thông nông thôn. Ngoài ra, một số thôn dùng để mua gà, lợn, ngô, thóc giống, phân bón, xây dựng, sửa chữa nhà họp thôn, bể chứa nước, cầu dân sinh... giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Xây dựng công trình cấp nước sạch tập trung tại các thôn khó khăn về nguồn nước, phát triển nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, xử lý tập trung chất thải rắn sinh hoạt, cải tạo và phục hồi cảnh quan nông thôn.

Bên cạnh đó, người dân cũng được hỗ trợ tiếp cận vay vốn từ các ngân hàng, tổ chức tín dụng để phát triển sản xuất. Tính đến nay, dư nợ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội đối với hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn xã là hơn 5 tỷ đồng. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, các hộ tập trung chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản; mở rộng sản xuất, kinh doanh... Qua đó, giúp nhiều hộ vươn lên phát triển kinh tế, sớm thoát nghèo.

Ông Hoàng Văn Khải- Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Tỷ lệ hộ nghèo trong 3 năm gần đây của xã giảm là nhờ địa phương đã biết tận dụng tốt nguồn lực đầu tư của cấp trên trong phát triển sản xuất nông - lâm nghiệp. Cùng với các chính sách hỗ trợ của Nhà nước và tinh thần chủ động vươn lên của người dân thì sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự năng động, trách nhiệm của cán bộ được giao phụ trách các thôn cũng giúp nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo”.

Trong công tác giảm nghèo, xã Kim Hỷ đặc biệt chú trọng tạo việc làm tại chỗ nhằm nâng cao thu nhập cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể triển khai nhiều hoạt động giúp đỡ hộ nghèo như: Tư vấn giới thiệu việc làm, hướng dẫn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi... Bà Ngân Thị Lý- Trưởng thôn Bản Vin chia sẻ: "Việc phát triển cây ăn quả đã và đang được người dân sản xuất đầu tư theo quy trình chăm sóc có khoa học, an toàn hữu cơ. Nếu như trước đây, bà con chủ yếu trồng lúa, ngô thì nay đã chuyển sang trồng cây ăn quả cho hiệu quả kinh tế cao như: Dưa hấu, dưa lê... Ngoài ra, địa phương còn tích cực phối hợp với ngành chuyên môn đưa các giống cây trồng có giá trị cao vào sản xuất như nấm hương, ngô sinh khối".

Chính quyền địa phương đã triển khai một số dự án phát triển kinh tế như chăn nuôi, vỗ béo trâu, bò, dê; trồng ngô ngọt, ngô thủy sinh, gừng, nghệ. Tuy nhiên, do trình độ canh tác của người dân còn hạn chế, quy mô nhỏ lẻ; điều kiện khí hậu khắc nghiệt nên mang lại hiệu quả chưa thực sự cao. Thu nhập bình quân đầu người của xã chỉ đạt 10 triệu đồng/người/năm. Xã vẫn còn thôn Khuổi Còi có tỷ lệ hộ nghèo 100%, thiếu đất canh tác, chưa có điện lưới quốc gia...

Ông Nguyễn Duy Huế- Chủ tịch UBND xã Kim Hỷ cho biết: Mặc dù thu nhập của người dân trên địa bàn chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, không có ngành nghề khác nên mức thu nhập bình quân thấp. Giao thông đi lại giữa các thôn không thuận tiện nên vật nuôi, cây trồng sản xuất ra gặp nhiều khó khăn trong khâu tiêu thụ. Với mục tiêu giảm nghèo mà địa phương đề ra là gần 5%, trong thời gian tới, xã sẽ tiếp tục huy động tối đa các nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững. Tập trung các giải pháp nhân rộng mô hình phát triển chăn nuôi, tăng diện tích trồng cây ăn quả phù hợp với thổ nhưỡng, chú trọng giới thiệu việc làm cho người lao động, tạo điều kiện để các hộ nghèo tiếp cận nguồn vốn chính sách, các dịch vụ thiết yếu về y tế, giáo dục, nhà ở và nước sinh hoạt.../.

 Dương Thị Hồng Anh (Khoa Báo chí, Đại học Khoa học - Đại học Thái Nguyên)

Xem thêm