Bằng Vân khuyến khích người dân liên kết chăn nuôi đại gia súc

Những năm gần đây, nhiều hộ dân xã Bằng Vân (Ngân Sơn) đầu tư phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hình thức bán chăn thả, vỗ béo. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thị trường tiêu thụ gặp khó khăn, để hỗ trợ người dân trong chăn nuôi và tìm đầu ra ổn định, địa phương đã định hướng người dân thành lập các tổ hợp tác.

Gia đình anh Nông Văn Tình luôn duy trì trong chuồng hơn chục con bò, nuôi theo hình thức bán chăn thả và vỗ béo.
Gia đình anh Nông Văn Tình luôn duy trì trong chuồng hơn chục con bò, nuôi theo hình thức bán chăn thả và vỗ béo.

Thôn Đông Chót có 34 hộ dân, là nơi có truyền thống nuôi trâu, bò vỗ béo của xã. Đầu năm 2022, từ sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP), xã Bằng Vân thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi trâu, bò vỗ béo Đông Chót với 13 thành viên; tổng đàn trâu, bò của thành viên THT có hơn 100 con.

Ông Đinh Ngọc Long- Tổ trưởng THT chăn nuôi trâu, bò vỗ béo Đông Chót cho biết: Việc liên kết sẽ giúp các hộ chăn nuôi hỗ trợ nhau trong việc chọn giống, trao đổi khoa học kỹ thuật, từng bước hình thành mô hình chăn nuôi theo hướng tập trung có áp dụng khoa học, kỹ thuật nhằm nâng cao chất lượng và tính cạnh tranh, giúp nhau tìm đầu ra ổn định. Dự án CSSP hỗ trợ THT 75 triệu đồng, mỗi thành viên đối ứng 2,5 triệu đồng để sử dụng làm quỹ; số vốn này sẽ được vay quay vòng khi thành viên có nhu cầu vay với mục đích hỗ trợ xây dựng chuồng trại, mua giống cỏ, thức ăn; lãi suất do THT tự thống nhất. So với chăn nuôi thả rông như trước đây, nuôi nhốt trâu lớn nhanh, béo tốt hơn, chủ động về thức ăn, được tiêm phòng bệnh định kỳ nên đàn gia súc luôn khỏe mạnh, tỷ lệ tăng đàn ổn định.

Là một trong những thành viên của THT đã có nhiều năm nuôi bò theo hình thức bán chăn thả và vỗ béo, gia đình anh Nông Văn Tình luôn duy trì trong chuồng hơn chục con bò lớn, nhỏ, trong đó có 6 con bò mẹ nuôi để sinh sản. Anh Tình cho biết: Do điều kiện gia đình không có nguồn vốn lớn nên việc vỗ béo thường thì tự cung tự cấp, bò mẹ sinh sản rồi vỗ béo con con hoặc thời điểm giá bò thấp sẽ mua con bò gầy về để nuôi vỗ béo. Thời gian vỗ béo mỗi con bò từ 3 - 4 tháng, thời điểm được giá, bình quân mỗi con lãi hơn 2 triệu đồng/tháng; một năm vỗ béo 02 đợt, mỗi đợt vỗ béo khoảng 4 - 5 con thì cũng có nguồn thu nhập để trang trải cuộc sống hằng ngày. Để chủ động nguồn thức ăn, gia đình trồng 1ha cỏ voi, trồng ngô, dự trữ phụ phẩm nông nghiệp sẵn có. Hiện việc tiêu thụ đang gặp khó khăn, gia đình chỉ duy trì vỗ béo khoảng 2 con/đợt, còn lại nuôi theo hình thức bán chăn thả, khi được giá lại tiếp tục vỗ béo. Trước nay nuôi chủ yếu theo kinh nghiệm, vì vậy, gia đình đăng ký tham gia là thành viên THT để được hỗ trợ về kỹ thuật, liên kết tìm đầu ra.

Xã Bằng Vân là địa phương có thế mạnh về phát triển chăn nuôi trâu, bò vỗ béo trong mấy năm nay của huyện Ngân Sơn. Để khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi, mang lại thu nhập, ổn định cuộc sống, địa phương đã phối hợp với ngành chuyên môn tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; vận động người dân không nuôi theo hình thức thả rông mà chuyển sang nuôi bán chăn thả, nuôi nhốt vỗ béo để tăng giá trị kinh tế… Đồng thời, hướng tới thúc đẩy phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa, mở ra hướng thoát nghèo cho người dân. Đến nay, trên địa bàn xã có 03 THT chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại các thôn Đông Chót, Pù Mò, Khu Chợ 2; bình quân mỗi THT có từ 10 – 14 thành viên là các hộ có kinh nghiệm chăn nuôi trâu, bò có điều kiện về tư liệu sản xuất, có khả năng áp dụng tốt khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.

Đồng thời, huyện Ngân Sơn xây dựng Đề án hỗ trợ thôn đặc biệt khó khăn Khuổi Ngọa giai đoạn 2021 - 2023, trong đó tập trung hỗ trợ người dân tại đây chăn nuôi trâu vỗ béo như tập huấn kỹ thuật chăn nuôi vỗ béo, trồng cỏ, chăm sóc, phòng bệnh… Tạo điều kiện giúp người dân thay đổi phương thức chăn nuôi để mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Mã Đức Minh- Chủ tịch UBND xã Bằng Vân cho biết: Hiện, tổng đàn trâu, bò toàn xã có hơn 1.000 con, trong đó có hơn 30 hộ nuôi theo hình thức nuôi nhốt, vỗ béo. Thời gian qua, xã tạo điều kiện cho các hộ có nhu cầu phát triển đàn tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi, khuyến khích các hộ chăn nuôi liên kết, phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc, phòng và chữa bệnh ở đàn gia súc. Tuy nhiên, cái khó địa phương đang gặp phải là việc tìm đầu ra ổn định và chưa định hướng được cho người dân chế biến sâu các sản phẩm từ trâu, bò. Nếu thực hiện được quy trình khép kín từ chăn nuôi đến sản xuất tạo ra sản phẩm thì đây sẽ là hướng phát triển kinh tế mang tính bền vững cho người dân./.

Hà Nhung

Xem thêm