Phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản

Những năm gần đây, các hợp tác xã nông nghiệp (HTX) trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn đã thể hiện vai trò tích cực trong việc liên kết giữa các hộ dân, tổ chức, doanh nghiệp để hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa có chất lượng và kết nối bao tiêu sản phẩm.

Phát huy vai trò của hợp tác xã trong liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản ảnh 1
Nhờ có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ nên sản phẩm bún khô của HTX Hồng Luân (Chợ Đồn) ngày càng mở rộng thị trường tiêu thụ.

Hiện toàn tỉnh Bắc Kạn có 263 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, với khoảng hơn 2.000 thành viên. Tổ chức lại hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012, nhiều HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã tích cực, chủ động, linh hoạt trong sản xuất, kinh doanh, góp phần thúc đẩy kinh tế khu vực nông thôn phát triển. Quy mô, chất lượng sản phẩm của các HTX được nâng lên, từng bước sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với khai thác các sản phẩm thế mạnh, chủ lực của địa phương như: Bí xanh thơm, miến dong, cây ăn quả, các sản phẩm chế biến từ thịt lợn... Đến nay toàn tỉnh có 155 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP, trong đó có 01 sản phẩm đạt OCOP 5 sao cấp quốc gia, 11 sản phẩm đạt 4 sao và 143 sản phẩm đạt OCOP 3 sao.

Những năm gần đây, các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã chủ động, tích cực trong việc liên kết với các hộ dân để hình hành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, đảm bảo nguồn nguyên liệu đầu vào đạt chất lượng phục vụ cho hoạt động sản xuất. Đồng thời nhiều HTX đã tạo lập được mối quan hệ hợp tác với các tổ chức, doanh nghiệp trong liên kết bao tiêu sản phẩm.

HTX Nhung Lũy là một trong những HTX điển hình trên địa bàn huyện Ba Bể thực hiện có hiệu quả việc mở rộng liên kết sản xuất, kinh doanh, tăng thu nhập cho thành viên và các hộ dân liên kết. Khai thác các sản phẩm đặc trưng, thế mạnh của địa phương, HTX đã sản xuất, chế biến những sản phẩm đặc sản truyền thống như: Lạp sườn, thịt lợn treo gác bếp, bí thơm Ba Bể, gạo nếp, mướp đắng rừng, mác mật khô... đảm bảo chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm.

Để đảm bảo nguồn nguyên liệu phục vụ cho hoạt động sản xuất, HTX đã thành lập các tổ thành viên liên kết cung cấp nguồn nguyên liệu với gần 100 hộ (chủ yếu liên kết trồng bí xanh, gạo nếp và chăn nuôi lợn). Trong đó nhiều hộ nghèo được tạo việc làm, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và tăng thu nhập. Bên cạnh đó, HTX tích cực tìm kiếm thị trường tiêu thụ cho các sản phẩm, khai thác kênh bán online trên webside, trang facebook cá nhân, sàn thương mại điện tử nhằm tiếp cận với nhiều khách hàng tiềm năng. Hiện nay, HTX đã ký hợp đồng đưa sản phẩm vào bán tại một số hệ thống siêu thị lớn trong nước như: BigC, Vincom, BRG, Siêu thị Trường Giang, các cửa hàng OCOP, chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch... Được biết, năm 2021 HTX đã liên kết bao tiêu được 1.500 tấn bí xanh thơm; năm 2022 dự kiến tiêu thụ khoảng 2.500 tấn bí xanh, đến thời điểm này đã tiêu thụ được gần 500 tấn bí cho các hộ dân.

Chị Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HTX Nhung Lũy cho biết: Để tạo thị trường tiêu thụ ổn định, bên cạnh việc kết nối với nhiều khách hàng tiềm năng, HTX còn đặc biệt chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo an toàn với người tiêu dùng, giữ uy tín trong sản xuất, kinh doanh. Mới đây, tại Tuần lễ xúc tiến tiêu thụ bí xanh thơm Ba Bể, HTX đã có cơ hội gặp gỡ, trao đổi với nhiều khách hàng để tiếp tục tìm kiếm thị trường, mở rộng đầu ra cho sản phẩm nông sản.

Còn tại HTX Hồng Luân, xã Tân Lập (Chợ Đồn) hiện đang tập trung sản xuất các sản phẩm đặc trưng thế mạnh của địa phương như chè, măng khô, bánh khảo, bún khô. Để có nguồn nguyên liệu đáp ứng cho sản xuất, HTX đã liên kết với 70 hộ dân trên địa bàn để trồng lúa Bao thai, 40 hộ dân trồng chè, 50 hộ dân cung cấp nguồn măng tươi và 10 hộ dân thu mua thóc nếp thơm. Liên kết không những giúp HTX chủ động được nguyên liệu cho sản xuất, mà còn giúp tăng thu nhập cho các hộ dân. Bên cạnh phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, HTX còn chủ động tìm kiếm thị trường. Hiện HTX đã tham gia tích cực vào các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thông qua các chương trình do tỉnh tổ chức, đồng thời đã liên kết được với 03 cửa hàng thực phẩm khô trên địa bàn Thành phố Hà Nội để đưa sản phẩm của HTX vào bán. Được biết, năm 2021 HTX đã cung cấp ra thị trường 38 tấn bún khô, trong đó thu mua của các hộ dân liên kết và ngoài liên kết được 58 tấn thóc để sản xuất...

Để mở rộng thị trường tiêu thụ ổn định và bền vững, thời gian tới các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh mong muốn có thêm các chương trình hỗ trợ để gia tăng quy mô, nâng cao năng lực hoạt động và chuẩn hóa quy trình sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm./.

Hà Thanh

Xem thêm