Pác Nặm: Chuyển đổi diện tích canh tác, nâng cao giá trị sản xuất

Năm 2022, huyện Pác Nặm tập trung chuyển đổi những diện tích canh tác lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế thông qua thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định 35/2015-CP và áp dụng các mô hình trên diện tích đất ruộng, soi bãi.

Nhằm thực hiện đạt chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã đề ra, huyện Pác Nặm đã triển khai chính sách hỗ trợ theo Nghị định 35/2015-CP, ngày 13/4/2015 của Chính phủ. Trong đó tập trung chuyển đổi diện tích lúa, ngô và lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng giá trị kinh tế trên một đơn vị diện tích canh tác. Thông qua việc sử dụng phân hữu cơ vi sinh có thành phần là các vi sinh vật có hoạt tính cao, các nguyên tố vi lượng thiên nhiên góp phần cải tạo đất làm cho đất tơi xốp, tăng độ phì nhiêu. Vụ xuân này, huyện đã đẩy mạnh tuyên truyền người dân sử dụng các loại giống mới, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất, hỗ trợ liên kết tiêu thụ sản phẩm...

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện kiểm tra mô hình trồng cây ngô sinh khối tại thôn Bản Cảm xã Cổ Linh
Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện kiểm tra mô hình trồng cây ngô sinh khối tại thôn Bản Cảm, xã Cổ Linh.

Đối với diện tích canh tác lúa, ngô, huyện thực hiện cải tạo nâng cao chất lượng đất chuyên trồng lúa nước, sử dụng giống lúa Việt Lai 20 với diện tích 20ha tại các xã Cao Tân và Cổ Linh. Trong đó hỗ trợ 100% phân bón hữu cơ vô sinh, phân lân, phân kali và thuốc bảo vệ thực vật, hỗ trợ tập huấn hướng dẫn kỹ thuật cho các hộ. Cùng với đó, vụ xuân năm 2022, huyện tập trung áp dụng bộ giống mới, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trong sản xuất và hỗ trợ liên kết bao tiêu sản phẩm đối với 15ha thực hiện tại các xã Bằng Thành, Bộc Bố sử dụng giống lúa Việt Lai 20. Để triển khai hiệu quả, huyện đã xây dựng kế hoạch hỗ trợ theo Nghị định 35/NĐ-CP đối với vụ xuân và vụ mùa năm 2022 với tổng kinh phí thực hiện trên 2 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, huyện Pác Nặm tập trung chuyển đổi diện tích đất canh tác lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao như cây hằng năm, cây lâu năm và kết hợp trồng lúa với nuôi thủy sản. Theo đó, huyện đã thực hiện chuyển đổi 50ha gồm: 10ha gừng tại các xã Xuân La, Nhạn Môn, Giáo Hiệu, Bộc Bố; 15ha ngô sinh khối tại 10/10 xã; 15ha rau tại các xã Bộc Bố, Cao Tân, Nghiên Loan, Công Bằng, Nhạn Môn; 5ha lạc tại các xã Bộc Bố, Nhạn Môn; 5ha cỏ voi tại các xã Nghiên Loan, Bộc Bố, Giáo Hiệu. Đồng thời duy trì diện tích đã chuyển đổi từ năm 2018 đến năm 2021 tại 10/10 xã với tổng diện tích 114ha.

Việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị định 35/NĐ-CP được UBND huyện giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp phối hợp với Phòng NN&PTNT và các xã tổ chức thực hiện như khảo sát, lựa chọn địa điểm thực hiện và lập danh sách các hộ đăng ký tham gia. Các cơ quan chuyên môn của huyện chuẩn bị các điều kiện, chỉ đạo công tác sản xuất.

Ông Sằm Văn  Hoạt- Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp Pác Nặm cho biết: Hiện nay huyện tiếp tục thực hiện hỗ trợ theo Nghị định 35/NĐ-CP, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư sản xuất trên một đơn vị diện tích canh tác, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, tăng thu nhập cho người dân. Bên cạnh đó, thông qua các mô hình, người dân được tiếp cận với khoa học kỹ thuật hiện đại, ý thức cộng đồng của nông dân được nâng cao. Những mô hình sản xuất hiệu quả sẽ được nhân rộng ở các địa phương./.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm