Nông nghiệp, nông thôn Bạch Thông trong dòng chảy chuyển đổi số

Sử dụng mã vạch, mã QR code, đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử hay bán hàng qua mạng xã hội, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành tại các nông hộ, hợp tác xã đã cho thấy chuyển đổi số đang từng bước xuất hiện trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn ở Bạch Thông. Để xu thế này phát triển mạnh hơn, cần thêm những chính sách hỗ trợ của cấp, ngành chức năng của huyện.

Năm 2021, sản phẩm chè bản Dao, xã Đôn Phong đạt chứng nhận OCOP 3 sao cấp huyện. Nắm bắt thời cơ này, Tổ hợp tác chè bản Dao, xã Đôn Phong đã mạnh dạn đầu tư bao bì, đăng ký mã vạch, làm video giới thiệu sản phẩm.

Các sản phẩm OCOP của huyện Bạch Thông từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ nhờ chuyển đổi số.
Các sản phẩm OCOP của huyện Bạch Thông từng bước mở rộng thị trường tiêu thụ nhờ chuyển đổi số.

Chị Bàn Thị Thắm- Trưởng nhóm chè bản Dao cho biết: Muốn mở rộng thị trường bên cạnh yếu tố chất lượng sản phẩm thì việc xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm rất quan trọng. Nhờ sự hỗ trợ của huyện và Sở Khoa học và Công nghệ, chúng tôi từng bước tiếp cận và nắm bắt được kiến thức, kỹ năng về thương mại điện tử, chuyển đổi số trong nông nghiệp. Chúng tôi cũng sẽ đưa các sản phẩm của mình lên các trang mạng xã hội để tiếp thị, chào bán. Với việc được chứng nhận là sản phẩm OCOP, có bao bì, nhãn mác, các sản phẩm chè của Tổ hợp tác bản Dao được bán với giá cao hơn khoảng 30 - 40%. Chúng tôi hy vọng sẽ tạo ra cú hích thay đổi tư duy, nhận thức, trình độ quản lý, kinh doanh của phụ nữ người Dao ở Đôn Phong.

6 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh, 11 mặt hàng được chào bán trên những sàn thương mại điện tử hàng đầu như: Postmart, Tiki, Shopee, Laza, Voso; 70% doanh thu từ bán hàng trực tuyến, các sản phẩm đều được dán nhãn QR Code... Những con số này cho thấy mức độ tham gia sâu rộng vào thương mại điện tử và chuyển đổi số của HTX Thiên An, xã Vi Hương.

"Hơn 2 năm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, chúng tôi đã biến "nguy" thành "cơ" để phát triển mạnh mẽ hơn nhờ chuyển đổi số. Giao thương không bị đứt gãy, thị trường được mở rộng nhờ HTX đã chủ động ứng dụng công nghệ thông tin, tận dụng tốt thương mại điện tử trên các trang mạng xã hội và hệ thống bán hàng trực tuyến chuyên nghiệp. Chất lượng sản phẩm được bảo đảm, khách hàng biết rõ nguồn gốc xuất xứ, quy trình sản xuất và các thông số kỹ thuật khác là yếu tố để sản phẩm của HTX vươn xa tới tận các tỉnh miền Nam. Trong xu thế chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, nếu mình đứng ngoài "dòng chảy" sẽ không thể thành công", chị Lý Thị Quyên- Giám đốc HTX Thiên An chia sẻ.

Là vùng trồng cây ăn quả trọng điểm của tỉnh, 2 năm qua, một số nông sản của Quang Thuận đã có mặt tại những siêu thị lớn, những trang thương mại điện tử uy tín trong nước nhờ sự kết nối, hỗ trợ của cấp, ngành chức năng. Vụ quýt năm 2021, với sự hướng dẫn của nhân viên Viettel Post và sàn Voso, anh Nông Văn Hùy (xã Quang Thuận) đã tham gia buổi livestream bán hàng. Chưa đầy 30 phút, buổi livestream trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội đã mang lại những kết quả bất ngờ với hàng chục đơn hàng được khách hàng đặt mua.

Anh Nông Văn Hùy cho biết: "Lần đầu bán hàng trực tuyến có đôi chút bỡ ngỡ, lúng túng nhưng cũng nhiều thú vị. Buổi livestream giúp tôi tự tin hơn, có thêm những bạn hàng mới và gợi mở ra những phương cách giới thiệu, bán nông sản phi truyền thống nhưng lại tương đối hiệu quả".

Với khoảng 1.700ha cây cam, quýt cùng nhiều nông sản có giá trị khác, 23 sản phẩm đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh là những lợi thế trong phát triển nông nghiệp hàng hóa của Bạch Thông. Để những nông sản này vươn xa hơn thì chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn sẽ là phương cách nhanh và hiệu quả. Nắm bắt được vấn đề này, huyện Bạch Thông đã có những hướng dẫn, chỉ đạo cho các đơn vị, địa phương đẩy mạnh chuyển đổi số trong các lĩnh vực, trong đó có nông nghiệp, nông thôn. Đáng chú ý là đầu năm 2022, UBND huyện đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị, phòng, ban, địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hỗ trợ các hộ sản xuất nông nghiệp mở các gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử, đồng thời khuyến khích trao đổi, mua bán trực tuyến.

HTX Thiên An ứng dụng công nghệ thông tin trong bán hàng trực tuyến.
HTX Thiên An ứng dụng công nghệ thông tin trong bán hàng trực tuyến.

Ông Lý Anh Thân- Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng huyện Bạch Thông chia sẻ: Thực hiện chỉ đạo của huyện, Phòng Kinh tế hạ tầng phối hợp với các phòng, ban chuyên môn và các địa phương tuyên truyền, hỗ trợ người dân, HTX đưa các sản phẩm lên sàn thương mại điện tử. Đến nay, toàn huyện có 04 HTX với 18 sản phẩm đã có mặt trên các kênh bán hàng trực tuyến. Tuy nhiên, số lượng trên còn khá khiêm tốn so với tiềm năng và mong muốn của huyện. Vì thế, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu và đề xuất các giải pháp giúp đẩy mạnh thương mại điển tử, chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.

Ông Đinh Quang Hưng- Chủ tịch UBND huyện Bạch Thông cho biết: Dù đã có những tín hiệu tích cực nhưng chuyển đổi số trong nông nghiệp, nông thôn ở Bạch Thông còn rất mới mẻ, khiêm tốn, tự phát, hơn nữa mới chỉ thực hiện chủ yếu ở khâu bán hàng. Số lượng nông hộ, HTX hay doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp có ý thức hoặc đang thực hiện chuyển đổi số rất ít. Chuyển đổi số là quá trình mới mẻ và cũng đầy khó khăn, thách thức, nhưng “không đi không thể đến đích”. Vì thế, huyện xác định cần chủ động thực hiện chuyển đổi số sớm để nắm bắt thời cơ, lợi thế, tạo xung lực mới cho nông nghiệp, nông thôn của Bạch Thông đi lên./.

X.N

Xem thêm