Khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm gỗ ở TP. Bắc Kạn

Sản xuất đơn lẻ, không có liên kết, cùng với ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến các cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản trên địa bàn thành phố Bắc Kạn gặp khó khăn về đầu ra.

Ván bóc tồn đọng do khó khăn về đầu ra ở cơ sở chế biến lâm sản Đức Anh (tổ 14, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn).

Ván bóc tồn đọng do khó khăn về đầu ra ở cơ sở chế biến lâm sản Đức Anh (tổ 14, phường Phùng Chí Kiên, TP. Bắc Kạn).

Đã nhiều năm mở xưởng chế biến lâm sản, trong đó chủ yếu tập trung vào làm ván bóc xuất khẩu sang Trung Quốc, chưa khi nào anh Vũ Văn Hòa ở tổ 2, phường Xuất Hóa chứng kiến thị trường ván bóc ảm đạm như hai năm nay.

Anh Hòa cho biết: "Trước đây, bình quân mỗi tháng xưởng sản xuất từ 80-100m3 ván, sản phẩm làm ra đến đâu tiêu thụ hết đến đấy, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương. Từ năm 2021 xưởng sản xuất cầm chừng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, Trung Quốc thay đổi một số quy định về xuất - nhập khẩu nên một số cửa khẩu khó hoặc không thông quan được. Điều này khiến toàn bộ ván bóc của gia đình tôi không xuất bán được. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, xưởng phải tạm dừng hoạt động, hệ thống máy móc hơn 500 triệu đồng nằm im lìm, toàn bộ nhân công nghỉ việc, tôi phải đi làm ăn xa để trang trải các khoản chi phí".

Theo anh Hòa, cái khó ở đây là tất cả mọi chi phí đều tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng, giá xăng dầu cũng tăng nhanh từ đầu năm đến nay, trong khi giá sản phẩm giảm vì bị ép giá hoặc không tiêu thụ được. 

Trên địa bàn thành phố Bắc Kạn hiện có 52 cơ sở sản xuất, chế biến lâm sản, phần lớn các cơ sở này sơ chế gỗ như: Ván bóc, dăm gỗ, làm đũa, mộc... Qua rà soát, hiện có đến 50% số cơ sở đang tạm dừng hoạt động. Phần lớn trong số đó là cơ sở sản xuất ván bóc quy mô nhỏ lẻ, hoạt động theo thời vụ, thị trường tiêu thụ bấp bênh, chủ yếu phụ thuộc vào việc xuất khẩu sang Trung Quốc. Khi Trung Quốc siết chặt các biện pháp quản lý hàng xuất - nhập thì việc lưu thông hàng hóa gặp khó khăn. Bên cạnh đó, hiện nay giá các mặt hàng lâm sản giảm so với mọi năm, giá nguyên liệu đầu vào cao nên các cơ sở phải dừng sản xuất để hạn chế thua lỗ. Một số xưởng hoạt động cầm chừng để sản xuất các mặt hàng ván ép, gỗ thanh cung cấp cho thị trường nội địa.

Ông Đàm Việt Dũng- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm thành phố Bắc Kạn cho biết: “Trước thực trạng khó khăn về đầu ra của các cơ sở chế biến ván bóc, Hạt Kiểm lâm đã tuyên truyền, vận động các chủ xưởng cung cấp sản phẩm cho các doanh nghiệp tại Khu công nghiệp Thanh Bình (Chợ Mới) theo tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, nhưng vì bị ép giá hoặc không thu được “tiền tươi” nên các cơ sở không mấy mặn mà. Hiện sản phẩm sản xuất dư thừa được các cơ sở chế biến lưu kho bảo quản. Không tiêu thụ được sản phẩm nên không đủ chi phí chi trả nhân công, nhiều cơ sở phải tạm dừng hoạt động”.

Với hơn 4.500ha rừng trồng (chiếm 50% diện tích đất lâm nghiệp) và mỗi năm phấn đấu trồng mới gần 200ha rừng, thành phố Bắc Kạn có nhiều điều kiện để phát triển ngành chế biến lâm sản. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp đầu tư máy móc, dây chuyền hiện đại để sản xuất đồ gỗ tương đối ít. Các cơ sở phát triển theo hướng tự phát, “mạnh ai nấy làm”, thiếu liên kết trong sản xuất và tiêu thụ khiến hoạt động không ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng địa phương.

Để phát triển sản xuất theo hướng bền vững và ổn định đầu ra cho các sản phẩm gỗ, các cơ sở chế biến lâm sản cần liên kết, ký hợp đồng với các công ty, doanh nghiệp có sức sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng sản xuất tự phát, lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Thành phố Bắc Kạn cần có chính sách thu hút các doanh nghiệp có đủ khả năng về vốn, công nghệ đầu tư sản xuất, chế biến các sản phẩm từ gỗ đạt chất lượng, hướng tới xuất khẩu sản phẩm sang thị trường châu Âu hoặc chế biến sâu các sản phẩm từ gỗ mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần ổn định sản xuất, tạo việc làm cho người dân./.

Đồng Lai

Xem thêm