Hỗ trợ chuẩn hóa vùng nguyên liệu, quy trình sản xuất cho các HTX nông nghiệp

Thời gian qua, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai chính sách hỗ trợ cho các HTX nông nghiệp trên địa bàn phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm chất lượng mang lợi thế, đặc trưng của từng vùng. Từ đó góp phần hình thành vùng nguyên liệu ổn định, chuẩn hóa, đảm bảo nguồn cung sản phẩm và mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Vùng nguyên liệu lúa nếp Tài của HTX Yến Dương được cấp chứng nhận hữu cơ PGS.
Vùng nguyên liệu lúa nếp Tài của HTX Yến Dương được cấp chứng nhận hữu cơ PGS.

Sau 3 năm triển khai Chương trình "Mỗi xã, phường một sản phẩm", bên cạnh hoạt động nâng cao năng lực, hỗ trợ phát triển sản phẩm, xúc tiến thương mại, củng cố phát triển các chủ thể... cơ quan chức năng của tỉnh còn triển khai hỗ trợ các HTX nông nghiệp phát triển vùng nguyên liệu gắn với sản phẩm mang đặc trưng, lợi thế của từng vùng miền và thực hiện quy trình sản xuất theo quy chuẩn nhằm đảm bảo nguồn cung sản phẩm và nâng cao năng suất, giá trị.

Đến nay, vùng nguyên liệu bí xanh thơm và gạo nếp Tài của Hợp tác xã Yến Dương được cấp giấy chứng nhận hữu cơ PGS. Các sản phẩm chè của HTX nông nghiệp Thanh niên Như Cố, HTX nông nghiệp Tát Vạ, xã Yên Hân (Chợ Mới); HTX chè Lê Hà... có vùng nguyên liệu đạt chứng nhận VietGAP; vùng chè Shan tuyết Khau Mu của Hợp tác xã Nông nghiệp Thái Lạo, xã Yên Cư (Chợ Mới) được cấp giấy chứng nhận hữu cơ; sản phẩm hạt dẻ của HTX Hợp Phát (Ngân Sơn) được cấp giấy chứng nhận hữu cơ; 17 sản phẩm được cấp giấy xác nhận chuỗi an toàn thực phẩm. Đến nay, 100% sản phẩm OCOP được công nhận có bao bì hoàn chỉnh, phù hợp, tiện dụng, đáp ứng các quy định của Nhà nước về nhãn hàng hóa đảm bảo lưu thông ngoài thị trường.

Hiện nay, HTX Yến Dương (Ba Bể) phát triển vùng nguyên liệu bí xanh thơm với tổng diện tích 50ha, vùng lúa nếp Tài với diện tích 25ha. Trong đó có 10ha bí xanh thơm và 10ha lúa nếp Tài được cấp giấy chứng nhận hữu cơ PGS. Để đạt tiêu chuẩn này, thời gian qua HTX đã thực hiện nghiêm quy trình canh tác như không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, chất kích thích sinh trưởng, không sử dụng phân bón hóa học trong quá trình chăm sóc. Thay vào đó, HTX đã được cơ quan chuyên môn hướng dẫn sử dụng phân bón hữu cơ, trồng xen canh cây dưa, nuôi cá chép dưới ruộng để tạo chu trình khép kín, cải tạo đất, cân bằng môi trường sinh thái, nâng cao năng suất của sản phẩm trên một diện tích canh tác, đảm bảo sản phẩm có chất lượng, an toàn với người tiêu dùng.

Chị Ma Thị Ninh- Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: Được sự hỗ trợ của các cơ quan chuyên môn của tỉnh, huyện, thời gian tới HTX sẽ chuyển đổi 40ha bí xanh và 15ha lúa nếp Tài còn lại đạt tiêu chuẩn hữu cơ PGS, phấn đấu chuẩn hóa vùng nguyên liệu, giúp HTX chủ động được kế hoạch sản xuất, ổn định vùng nguyên liệu và kiểm soát được số lượng và chất lượng của sản phẩm.

HTX Hợp Phát, xã Đức Vân (Ngân Sơn) phát triển vùng trồng cây hạt dẻ với tổng diện tích hơn 20ha, trong đó có 5,35ha được cấp chứng nhận hữu cơ PGS. Các thành viên của HTX được cơ quan chuyên môn của tỉnh tập huấn kỹ thuật ủ phân nước vi sinh, sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh gây hại, cây sinh trưởng và phát triển tốt. Thời gian tới HTX sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng cây hạt dẻ theo hướng hữu cơ, từng bước chuẩn hóa vùng nguyên liệu đảm bảo năng suất, chất lượng và an toàn với người tiêu dùng.

HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 01/2022/NQ-HĐND ngày 27/4/2022 quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, hỗ trợ nâng cao năng lực cho khu vực kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nghị quyết đã hỗ trợ sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm. Cụ thể là hỗ trợ 01 lần cho các tổ chức, cá nhân 80% kinh phí đánh giá và cấp giấy chứng nhận áp dụng quy trình sản xuất, sơ chế, chế biến theo tiêu chuẩn của Việt Nam hoặc quốc tế do một tổ chức chứng nhận sự phù hợp theo quy định. Mức hỗ trợ theo thực tế nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/sản phẩm đối với tiêu chuẩn trong nước, tối đa 300 triệu đồng/sản phẩm đối với tiêu chuẩn quốc tế. Đây là cơ hội để các HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh từng bước chuyển đổi, xây dựng vùng nguyên liệu theo hướng canh tác hữu cơ, mang đến sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Ông Quách Đăng Quý- Chi cục trưởng Chi cục PTNT tỉnh cho biết: Thời gian tới ngành nông nghiệp tiếp tục tập trung chỉ đạo quy hoạch vùng nguyên liệu cho các sản phẩm đặc trưng, lợi thế của từng vùng, đảm bảo chuẩn hóa ngay từ nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào, tạo ra vùng nguyên liệu đồng đều về chất lượng, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng. Đây là yếu tố quan trọng để các chủ thể phát triển thêm sản phẩm OCOP chất lượng, nâng cao thu nhập cho người dân./.

H.T

Xem thêm