Xây dựng lực lượng Kiểm lâm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới

Cách đây 49 năm (ngày 21/5/1973), Hội đồng Chính phủ (nay là Chính phủ) đã ban hành Nghị định số 101/NĐ-CP về quy định hệ thống tổ chức, nhiệm vụ và quyền hạn của lực lượng Kiểm lâm, đánh dấu sự ra đời của lực lượng Kiểm lâm Việt Nam.

Trải qua 49 năm trưởng thành và phát triển gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước, lực lượng Kiểm lâm luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách, từng bước đi lên ngày càng khẳng định vai trò, vị thế là lực lượng chuyên trách trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng đất nước.

Đối với tỉnh Bắc Kạn, năm 1997 cùng với việc tái lập tỉnh, Chi cục Kiểm lâm Bắc Kạn cũng được thành lập. Trong những năm qua, lực lượng Kiểm lâm Bắc Kạn đã triển khai đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quản lý, bảo vệ rừng và phát triển; luôn khẳng định, thể hiện vai trò nòng cốt trong công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp, thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh; tích cực, chủ động trong công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng.

Lực lượng Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng.
Lực lượng Kiểm lâm tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng.

Thực hiện chủ trương quản lý tài nguyên rừng tận gốc, Chi cục Kiểm lâm tỉnh phân công kiểm lâm về cơ sở phụ trách địa bàn với phương châm “3 bám và 3 cùng” (bám rừng, bám đất và bám dân; cùng ăn, cùng ở, cùng dân bảo vệ rừng). Đến nay, toàn tỉnh có hơn 100 công chức, viên chức kiểm lâm địa bàn được phân công chuyên trách ở 108 xã, phường, thị trấn. Cùng với đó, Chi cục chủ động tham mưu cho UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và PTNT ban hành nhiều chính sách quan trọng về quản lý, bảo vệ và phát triển rừng như: Quy hoạch 3 loại rừng; kế hoạch phòng cháy, chữa cháy rừng; kế hoạch quản lý các khu bảo tồn; kế hoạch bảo tồn đa dạng sinh học; kế hoạch kiểm tra, truy quét, giải tỏa và chốt chặn tình trạng khai thác khoáng sản, lâm sản trái phép; kế hoạch bảo vệ phát triển rừng qua các giai đoạn; kế hoạch trồng rừng gỗ lớn gắn với chứng chỉ rừng bền vững… Nhờ thế, việc tổ chức thực hiện các hoạt động trong lĩnh vực lâm nghiệp đã đi vào chiều sâu và có chất lượng.

Trong công tác phát triển rừng, thông qua các chương trình, dự án như 147, nay là Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững, diện tích rừng trồng tăng đều qua các năm. Đặc biệt qua các chương trình này đã thúc đẩy phát triển lâm nghiệp của địa phương. Từ đó nghề rừng đã trở thành một nghề mới, đã tạo ra nhiều việc làm, người dân có thu nhập ổn định, góp phần đáng kể làm thay đổi bộ mặt nông thôn miền núi, giảm đáng kể sức ép vào khai thác rừng tự nhiên.

Đến thời điểm hiện nay, toàn tỉnh có hơn 100.000ha rừng trồng, mỗi năm diện tích khai thác lên tới hơn 2.000ha, mang lại nguồn thu lớn cho người trồng rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 74,3%, cao nhất cả nước.

Nhằm xây dựng lực lượng Kiểm lâm trong sạch vững mạnh, công tác quy hoạch, bồi dưỡng, luân chuyển, đào tạo, đặc biệt là xây dựng các quy chế giám sát và đánh giá cán bộ, đảng viên hằng năm luôn được cấp ủy và lãnh đạo Chi cục chú trọng; thực hiện tốt Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh” trong toàn lực lượng Kiểm lâm; thực hiện thường xuyên các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm quy chế công vụ, vi phạm đạo đức nghề nghiệp làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của lực lượng Kiểm lâm…

Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.
Đẩy mạnh phát triển kinh tế rừng.

Để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, lực lượng Kiểm lâm Bắc Kạn đã và đang ra sức phấn đấu thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp sau:

Tăng cường thực thi các văn bản pháp luật về lâm nghiệp thông qua việc thực hiện tốt các chỉ thị, kế hoạch, chương trình hành động của Tỉnh ủy, UBND tỉnh; tăng cường trách nhiệm, sức chiến đấu của toàn hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư, chính quyền các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể và lực lượng Kiểm lâm, Công an, Quân đội để quản lý chặt chẽ rừng và đất rừng, bảo vệ hiệu quả diện tích rừng, kịp thời xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm về pháp luật về lâm nghiệp. Quản lý tốt diện tích vùng giáp ranh giữa các chủ rừng, chính quyền địa phương các cấp. Tăng cường năng lực chuyên môn nghiệp vụ, đầu tư trang thiết bị cho lực lượng Kiểm lâm; nâng cao năng lực thực thi pháp luật, quản trị và thương mại rừng cho các chủ rừng và cộng đồng trên địa bàn tỉnh.

Rà soát hoạt động sản xuất của các đơn vị lâm nghiệp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đảm bảo tính ổn định cơ cấu tỷ lệ các loại rừng theo Quy hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh giai đoạn 2021-2025. Điều chỉnh và thu hồi đất lâm nghiệp của các tổ chức, cá nhân đã được giao nhưng sử dụng không hiệu quả, không đúng mục đích, đồng thời quản lý diện tích nương rẫy, bảo đảm duy trì diện tích canh tác ổn định cho người dân sống gần rừng.

Nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng thông qua nâng cao năng lực quản lý và kỹ thuật cho các chủ rừng; tăng cường trách nhiệm quản lý của chủ rừng và hướng tới việc chi trả, theo sự tăng trưởng của rừng và tích luỹ các-bon.

Thúc đẩy phát triển lâm nghiệp theo hướng cải thiện sinh kế cho người dân sống gần rừng, xây dựng và phát triển mô hình sản xuất lâm nghiệp, nhân rộng các mô hình sản xuất lâm - nông kết hợp có hiệu quả, phù hợp với môi trường sinh thái. Triển khai hiệu quả Chiến lược phát triển lâm nghiệp Việt Nam giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025 cũng như các chương trình, đề án quan trọng về lâm nghiệp.

Quy hoạch vùng khai thác nguyên liệu đảm bảo độ che phủ, nâng cao năng suất và giá trị gỗ rừng trồng thông qua giảm tỷ trọng xuất khẩu gỗ dăm, tăng tỷ trọng gỗ chế biến gia dụng. Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi sản phẩm từ khâu trồng rừng, thu mua nguyên liệu, đến khâu chế biến và tiêu thụ sản phẩm.../.

Phan Quý

Xem thêm