Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân: Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững

Sáng 29/5, tại tỉnh Sơn La, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân năm 2022. Hội nghị được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến với điểm cầu 62 tỉnh, thành trên cả nước.

Đồng chí Hoàng Duy Chinh- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn tham dự trực tiếp tại Hội nghị. Tham dự trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn có các đồng chí: Phương Thị Thanh- Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng trên 30 cán bộ, hội viên, nông dân tiêu biểu, đại diện một số hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh.

Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân: Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững ảnh 1
Đại biểu dự Hội nghị tại điểm cầu tỉnh Bắc Kạn.

Với chủ đề “Tiếp sức, hỗ trợ nông dân, phục hồi phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”, đây là lần thứ tư Trung ương Hội Nông dân tổ chức Hội nghị Thủ tướng Chính phủ đối thoại với nông dân. Hội nghị lần này diễn ra trong bối cảnh nền nông nghiệp nước ta đang trong giai đoạn phục hồi sau 2 năm chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, năm thứ 2 thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng với mục tiêu “Xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh” và là hội nghị đối thoại với nông dân đầu tiên trong nhiệm kỳ Chính phủ mới. Hội nghị đối thoại lần này không chỉ có cán bộ, hội viên, nông dân mà còn có sự tham gia của các HTX nông nghiệp, các doanh nghiệp hoạt động liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, các chuyên gia, nhà khoa học tâm huyết, gắn bó với nông dân, nông nghiệp, nông thôn.

Khoảng 1.600 câu hỏi đã được gửi đến người đứng đầu Chính phủ, trong đó có 14 nông dân, cán bộ Hội Nông dân, đại diện HTX, chuyên gia nông nghiệp, nhà khoa học, doanh nghiệp tiêu biểu trực tiếp đặt câu hỏi và đối thoại với Thủ tướng. Các câu hỏi, kiến nghị, đề xuất tập trung vào các nhóm nội dung như: Nông dân mong muốn Thủ tướng Chính phủ có các giải pháp chỉ đạo nhằm bình ổn giá cả vật tư nông nghiệp, giúp nông dân yên tâm sản xuất, khôi phục sản xuất nông nghiệp sau đại dịch Covid-19. Về vấn đề đất đai và cơ chế để nông dân, HTX được giao đất lâu dài, ổn định sản xuất. Tình trạng sốt đất, trong đó có sốt đất nông nghiệp ở các địa phương khiến không ít nông dân bán vườn, bán tư liệu sản xuất. Việc thúc đẩy chuỗi liên kết giữa nhà nông - doanh nghiệp, đặc biệt là phát huy vai trò của HTX nông nghiệp, hỗ trợ chế biến nông sản, xuất khẩu nông sản. Việc tiếp cận nguồn vốn còn nhiều khó khăn, vấn đề tín dụng đen trong nông nghiệp vẫn còn nổi cộm. Tình trạng ô nhiễm môi trường ở nông thôn ngày càng nhức nhối, mong muốn Thủ tướng có giải pháp chỉ đạo để đảm bảo môi trường nông thôn được xanh, sạch. Nhóm câu hỏi về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, xây dựng hình ảnh người nông dân văn minh, thúc đẩy du lịch nông thôn, đảm bảo giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Vấn đề di cư lao động từ nông thôn lên thành phố làm công nhân và giải pháp để ly nông nhưng không ly hương. Tình trạng biến đổi khí hậu ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là ở Đồng bằng sông Cửu Long. Nâng cấp và xây mới cơ sở hạ tầng vùng Tây Bắc. Phát triển và giữ rừng. Công tác khoa học công nghệ với nghiên cứu giống. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Phát biểu kết luận tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, các ý kiến, kiến nghị thẳng thắn, chân thành của các đại biểu và ghi nhận những đóng góp, nỗ lực của nông dân, các cá nhân, đơn vị liên quan trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với nền kinh tế đất nước.

Thủ tướng đề nghị trong thời gian tới, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, địa phương cần quán triệt nghiêm túc và triển khai hiệu quả các nghị quyết của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn sau khi ban hành. Lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của người nông dân. Nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân. Phát triển nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, bền vững theo hướng sinh thái, phát triển hệ sinh thái nông nghiệp, xây dựng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp. Đẩy mạnh tham gia đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển đổi số, tăng cường ứng dụng thương mại điện tử. Nâng cao năng lực dự báo, cung cấp thông tin thị trường. Xây dựng nông thôn mới theo hướng hiện đại gắn với đô thị hóa, phát triển công nghiệp, dịch vụ, có giải pháp giảm tỷ lệ nghèo ở nông thôn. Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, cải cách hành chính trong nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Cải thiện môi trường đầu tư của các doanh nghiệp vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Nâng cao hiệu quả quản lý tài nguyên môi trường, phòng chống thiên tai, chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh. Tăng cường vai trò của các hội, đoàn thể hỗ trợ bà con nông dân sản xuất nông nghiệp theo chiều sâu… Thông qua Hội nghị này, Thủ tướng đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh với nông dân vào quý IV hằng năm./.

Phương Thùy

Xem thêm