Tài chính - Ngân hàng:

Chuyển biến trong hoạt động huy động vốn của các ngân hàng

Tình hình kinh tế - xã hội vẫn còn nhiều khó khăn do tác động tiêu cực của dịch bệnh, nhưng đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Vì thế, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, các tổ chức tín dụng đã và đang tiếp tục áp dụng linh hoạt các hình thức huy động vốn; đảm bảo cung ứng vốn để phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Người dân gửi tiền vào Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn.
Người dân gửi tiền vào Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Bắc Kạn.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn ước thực hiện đến ngày 31/5 là 11.250 tỷ đồng, tăng 6,9% so với 31/12/2021, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Trong đó, tiền gửi ước đạt 11.246 tỷ đồng, chiếm 99,9% trong tổng huy động vốn, tăng 6,9% so với cuối năm 2021, tăng 17,7% so với cùng kỳ; phát hành giấy tờ có giá ước đạt 4 tỷ đồng, chiếm 0,1% trong tổng huy động vốn, bằng cuối năm 2021, tăng 33,3% so với tháng trước, giảm 60% so với cùng kỳ.

Trong tổng huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn, huy động vốn của tổ chức kinh tế ước đạt 2.446 tỷ đồng, chiếm 21,7% trong tổng huy động vốn, tăng 0,9% so với cuối năm 2021, tăng 0,9% so với tháng trước, tăng 58% so với cùng kỳ; huy động vốn của dân cư ước đạt 8.804 tỷ đồng, chiếm 78,3%, tăng 8,7% so với cuối năm 2021, tăng 1,1% so với tháng trước, tăng 9,9% so với cùng kỳ.

Về thị phần huy động vốn, các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước là 8.280 tỷ đồng, chiếm 73,6% trong tổng huy động vốn; Chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần là 2.690 tỷ đồng, chiếm 23,9% trong tổng huy động vốn; Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Bắc Kạn là 280 tỷ đồng, chiếm 2,5% trong tổng huy động vốn. Theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, huy động vốn tăng so với thời điểm 31/12/2021 do các ngân hàng trên địa bàn tích cực huy động nguồn tiền nhàn rỗi của người dân và tiền gửi thanh toán của tổ chức kinh tế.

Ông Đỗ Đăng Hùng- Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn cho biết: Để huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong Nhân dân, Agribank Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá nội dung, tiện ích các sản phẩm huy động tiền gửi; giao chỉ tiêu huy động vốn cho các đơn vị cấp huyện. Vận động khách hàng mở tài khoản thanh toán, sử dụng các sản phẩm dịch vụ của ngân hàng; nâng cao chất lượng các dịch vụ thanh toán, thực hiện tốt văn hóa doanh nghiệp trong giao dịch với khách hàng, tạo niềm tin gắn bó, đồng hành lâu dài. Việc huy động vốn tại địa phương cũng được thực hiện bằng nhiều hình thức, như: Đưa ra các mức lãi suất hấp dẫn, điều chỉnh lãi suất linh hoạt theo đúng quy định, giới thiệu sản phẩm dịch vụ tiền gửi với nhiều tiện ích cho khách hàng...

Về công tác huy động vốn, Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn Hà Sỹ Côn cho biết: Nhu cầu vay vốn của hộ nghèo và các đối tượng chính sách là rất lớn, vì vậy, việc đẩy mạnh huy động vốn qua các tổ chức, cá nhân là rất quan trọng. Bên cạnh việc huy động tiền gửi qua tổ tiết kiệm và vay vốn thì hoạt động tuyên truyền, huy động vốn qua tổ chức và cá nhân cũng rất được chú trọng. Theo đó, ngay từ đầu năm, đơn vị đã xây dựng kế hoạch, phối hợp tuyên truyền về ý nghĩa gửi tiền tiết kiệm qua NHCSXH; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc bám sát nhiệm vụ được giao, tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân gửi tiền tiết kiệm.

Cũng theo Giám đốc NHCSXH Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, tại các điểm giao dịch xã, đơn vị đều thực hiện niêm yết công khai thông tin về các kỳ hạn, lãi suất huy động tiết kiệm của từng kỳ hạn. Tại các phiên giao dịch, cán bộ ngân hàng không chỉ thực hiện nhiệm vụ giải ngân, thu nợ gốc và thu lãi định kỳ mà còn tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn người dân gửi tiền tiết kiệm… Vì thế, tính đến hết tháng 5/2022, Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn huy động được 280 tỷ đồng, tăng 9,8% so với cuối năm 2021, tăng 2,2% so với tháng trước, tăng 20% so với cùng kỳ.

Đánh giá chung cho thấy, hoạt động huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh đều có nhiều chuyển biến tích cực. Nguồn vốn huy động được hòa vào nguồn vốn chung, giúp các ngân hàng chủ động về nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng. Trong thời gian tới, thực hiện chỉ đạo của cấp trên, cùng với công tác huy động vốn, hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh tích cực triển khai cho vay các chương trình tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn kịp thời cho đầu tư sản xuất, kinh doanh, hạn chế tiếp cận "tín dụng đen", góp phần phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của tỉnh./.

H.V

Xem thêm