Tài chính – Ngân hàng:

Các ngân hàng đẩy mạnh cho vay phục vụ phát triển kinh tế - xã hội

Từ đầu năm đến nay, hoạt động của hệ thống ngân hàng tiếp tục được điều hành theo hướng linh hoạt, tạo điều kiện tối đa cho các thành phần kinh tế tiếp cận nguồn vốn theo chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của tỉnh cũng như định hướng từ Chính phủ.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Bắc Kạn.
Khách hàng giao dịch tại Agribank Bắc Kạn.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn triển khai và chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện các cơ chế, chính sách theo chủ trương của Chính phủ, chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và của tỉnh, như: Quyết định số 05/2022/QĐ-TTg ngày 01/4/2022 của Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 157/2007/QĐ-TTg ngày 27/9/2007 về tín dụng đối với học sinh, sinh viên; Quyết định số 422/QĐ-NHNN ngày 18/3/2022 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ban hành Kế hoạch hành động của ngành ngân hàng triển khai Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ…

Các ngân hàng thương mại trên địa bàn áp dụng lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng đồng Việt Nam đối với các lĩnh vực ưu tiên là 4,5%/năm theo Quyết định số 1730/QĐ-NHNN ngày 30/9/2020 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hiện nay, lãi suất cho vay của các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước cao nhất là 11,5%/năm, thấp nhất là 4,5%/năm, phổ biến ở mức 7,5-9,5%/năm; lãi suất cho vay của chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần cao nhất là 17,3%/năm, thấp nhất là 6,8%/năm, phổ biến ở mức 12,45%/năm.

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, tính đến 30/4/2022, tổng dư nợ cấp tín dụng ước đạt 10.845 tỷ đồng, tăng 1,2% so với 31/12/2021, tăng 8,8% so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ ngắn hạn ước đạt 2.421 tỷ đồng, tăng 3,2% so với cuối năm 2021, tăng 22,6% so với cùng kỳ; dư nợ trung, dài hạn ước đạt 8.424 tỷ đồng, tăng 0,6% so với cuối năm 2021, tăng 5,4% so với cùng kỳ.

Thị phần dư nợ cấp tín dụng của các chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước là 7.620 tỷ đồng, chiếm 70,3% trong tổng dư nợ, giảm 0,2% so với cuối năm 2021, tăng 9% so với cùng kỳ; chi nhánh ngân hàng thương mại cổ phần là 840 tỷ đồng, chiếm 7,7% trong tổng dư nợ, tăng 7,7% so với cuối năm 2021, tăng 18% so với cùng kỳ; chi nhánh ngân hàng CSXH là 2.385 tỷ đồng, chiếm 22% trong tổng dư nợ, tăng 3,5% so với cuối năm 2021, tăng 5% so với cùng kỳ.

Thực tế cho thấy, dư nợ cấp tín dụng toàn địa bàn tăng 1,2% so với thời điểm 31/12/2021 do nhu cầu mở rộng vốn của doanh nghiệp, người dân để đầu tư vào hoạt động sản xuất, kinh doanh tăng.

Các chi nhánh tổ chức tín dụng trên địa bàn tích cực ưu tiên vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, doanh nghiệp nhỏ và vừa; các dự án cam kết đầu tư tại Hội nghị xúc tiến đầu tư của tỉnh, cho vay hỗ trợ lãi suất theo các nghị quyết của HĐND tỉnh; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho khách hàng, tạo điều kiện cho khách hàng trong tiếp cận nguồn tín dụng theo đúng quy định của pháp luật. Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh đẩy mạnh cho vay các đối tượng chính sách góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững và đảm bảo an sinh xã hội tại địa phương.

Cùng với hoạt động cho vay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn tiếp tục chỉ đạo các chi nhánh tổ chức tín dụng chủ động rà soát, kiểm tra, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn do dịch tả lợn châu Phi gây ra; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho khách hàng bị thiệt hại. Tính đến ngày 31/3/2022 các tổ chức tín dụng hỗ trợ cho 06 khách hàng bị thiệt hại với tổng dư nợ là 0,65 tỷ đồng.

Các ngân hàng tiếp tục chấp hành quy chế cho vay, kiểm tra trước, trong và sau khi cho vay, nâng cao chất lượng thẩm định; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động tín dụng; rà soát, đánh giá lại nợ xấu, đánh giá tình hình hoạt động, khả năng trả nợ của khách hàng; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, quá hạn, nợ xấu, nợ đã xử lý rủi ro. Vì thế, nợ xấu tín đến 30/4/2022 ở mức 99 tỷ đồng, chiếm 0,9% trong tổng dư nợ.

Đáng chú ý, dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn của các chi nhánh ngân hàng thương mại đến 30/4/2022 ước đạt 3.150 tỷ đồng, chiếm 37,2% trong tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn, tăng 2,5% so với cùng kỳ. Dư nợ cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa đến 30/4/2022 ước đạt 1.205 tỷ đồng, chiếm 14,2% trong tổng dư nợ của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn, tăng 21,2% so với cùng kỳ…

Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, trong thời gian tới, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai tích cực và hiệu quả hệ thống chính sách và giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi thiên tai, dịch bệnh; tích cực tham gia và triển khai có hiệu quả, thiết thực Chương trình kết nối Ngân hàng - Doanh nghiệp bằng các hình thức phù hợp; cấp tín dụng hướng vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp tiếp cận vốn, góp phần hạn chế “tín dụng đen”.

Đối với các tổ chức tín dụng, Chi nhánh Ngân hàng CSXH tỉnh triển khai các chương trình chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; quản lý và sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách địa phương giao quản lý. Phối hợp chặt chẽ với các tổ chức hội trong hoạt động ủy thác, tích cực huy động từ tổ tiết kiệm và vay vốn, tiết kiệm từ dân cư, kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo phát huy hiệu quả từ nguồn vốn tín dụng chính sách, tạo điều kiện cho người dân tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính thức.

Các chi nhánh ngân hàng thương mại, xây dựng và thực hiện kế hoạch kinh doanh bám sát các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, hoạt động ngân hàng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm đối với doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ; tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp hỗ trợ người dân và doanh nghiệp. Ưu tiên hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp thuộc các ngành, lĩnh vực chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19…/.

H.V

Xem thêm