Sản xuất nông sản an toàn là yêu cầu bắt buộc

Đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi của Nhân dân, đồng thời tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm nông, lâm, thủy sản là mục tiêu mà tỉnh Bắc Kạn thực hiện trong năm 2022.

Để thực hiện mục tiêu trên, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch 297/KH-UBND ngày 10/5/2022 về “Đảm bảo an toàn thực phẩm, nâng cao chất lượng nông, lâm, thủy sản trong lĩnh vực nông nghiệp năm 2022”. Theo đó, chỉ đạo các cấp, ngành chức năng phối hợp chặt chẽ để quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Cụ thể, tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và truyền thông, quy trình sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP. Trong năm 2022, 100% cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm sản thuộc đối tượng cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP được đánh giá, xếp loại A, B; 85% các cơ sở sản xuất phải ký cam kết sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; diện tích trồng trọt, diện tích nuôi trồng thủy sản, số cơ sở được chứng nhận VietGAP, hữu cơ... tăng hơn 5%/năm so với năm 2021; 100% các HTX, doanh nghiệp có sản phẩm tham gia OCOP được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với sản phẩm nông, lâm, thủy sản và được kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; 100% thông tin phản ánh về mất ATTP có địa chỉ trên địa bàn được kiểm tra đột xuất, xác minh, xử lý…

Triển khai thực hiện Kế hoạch, các cấp, ngành chức năng đã tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân nâng cao ý thức sản xuất nông sản đảm bảo ATTP. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động sản xuất, chế biến, kinh doanh hàng nông sản đảm thực hiện đúng quy định của Nhà nước. Thực tế cho thấy, với mục tiêu sản xuất nông sản hàng hóa, có nghĩa là sản phẩm làm ra chủ yếu là để bán ra thị trường phục vụ người tiêu dùng. Cùng với đó, nhu cầu của người tiêu dùng luôn đòi hỏi hàng thực phẩm phải an toàn. Do vậy, sản xuất nông sản ATTP là yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh trong giai đoạn hội nhập mạnh mẽ và sâu rộng như hiện nay.

Toàn tỉnh hiện có 155 sản phẩm OCOP, chủ yếu là hàng nông, lâm sản. Nhờ Chương trình OCOP mà mỗi loại cây trồng, vật nuôi quen thuộc, đơn giản được chế biến thành sản phẩm thực phẩm tiêu thụ tốt trên thị trường. Đã qua dần việc sản xuất “tự sản, tự tiêu”, người dân trong tỉnh đã và đang hướng tới một nền sản xuất hàng hóa lớn mạnh. Các sản phẩm nông sản của tỉnh tuy chưa có nhiều nhãn hàng sản xuất hữu cơ nhưng hầu hết được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, chứng nhận ATTP… Điều quan trọng nhất là ý thức của người dân đã được nâng cao trong sản xuất hàng nông sản. Họ đã hiểu sản phẩm làm ra phải an toàn; sản phẩm có thương hiệu thì việc bán hàng mới thuận lợi và ngược lại, làm ẩu, chất lượng kém sẽ bị tẩy chay.

Trước đây, vẫn nghe than phiền về sản phẩm miến dong có sạn; quá trình chế biến không đảm bảo vệ sinh; sợi miến thường bở do bị pha trộn lẫn bột khác… thì nay, những hạn chế trên đã được khắc phục. Đối với các loại rượu nổi tiếng như rượu ngô men lá Ba Bể, rượu đóng chai Bó Nặm… một thời không có mà mua. Do quá đắt hàng trên thị trường nên nhà sản xuất chạy theo lợi nhuận, sản phẩm kém chất lượng và người tiêu dùng lập tức phát hiện tẩy chay… Đến nay những sản phẩm kém chất lượng trên chỉ còn trong tiềm thức. Cách làm chụp giật gây hậu quả nặng nề cho cơ sở sản xuất, tuy nhiên cũng góp phần cảnh tỉnh cho những người sản xuất hàng nông sản sau này.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng- Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng cho biết: Hằng năm, Chi cục xây dựng kế hoạch phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân tổ chức sản xuất, kinh doanh nông, lâm, thủy sản đảm bảo chất lượng, ATTP; xây dựng, kết nối chuỗi cung ứng thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn; khảo sát, lựa chọn để xác nhận chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cấp giấy xác nhận chuỗi an toàn thực phẩm cho các sản phẩm nông sản. Đồng thời, tổ chức tập huấn hướng dẫn các tổ chức, cá nhân quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất an toàn. Thường xuyên kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh giống, phân bón, sản xuất sản phẩm thực phẩm nông sản... Do vậy, hầu hết các sản phẩm nông sản đạt tiêu chuẩn OCOP đều đã được cấp giấy chứng nhận ATTP.

Người dân phường Huyền Tụng trồng dưa leo để bán cho đơn vị chế biến, xuất khẩu sang Nhật Bản.
Người dân phường Huyền Tụng trồng dưa leo để bán cho đơn vị chế biến, xuất khẩu sang Nhật Bản.

Để khuyến khích, tạo bứt phá trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Bắc Kạn đã chủ trương coi sản xuất nông nghiệp hàng hóa gắn với chế biến hàng thực phẩm nông sản là hướng đi chủ đạo. Tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ tái cơ cấu nông nghiệp, mở ra hướng đi mới trong công tác quy hoạch, phát triển sản xuất, góp phần tạo môi trường thuận lợi hơn cho sản xuất nông nghiệp trên địa bàn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất.

Các mô hình, dự án hợp tác liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ngày càng mở rộng về quy mô và diện tích. Các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp đã ý thức cao xây dựng mô hình sản xuất nông sản an toàn theo hướng tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ; đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới tiết kiệm, quy hoạch các vùng trồng trọt, chăn nuôi tập trung có quy mô lớn. Sự liên kết “4 nhà” trong sản xuất nông sản an toàn ngày càng chặt chẽ từ khâu sản xuất ban đầu đến chế biến, tiêu thụ gắn với yêu cầu thị trường. Nhiều sản phẩm có mức tiêu thụ rất lớn như: Miến dong Tài Hoan; Cucumin Trịnh Năng, Bắc Hà; bún khô Hồng Luân; rượu Bằng Phúc; rượu Nà Hai; cơm cháy Nông Hồng Quyên….

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc cụ thể hóa và tổ chức thực hiện các chính sách hỗ trợ sản xuất, liên kết với tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn ở nhiều địa phương còn chậm dẫn đến sản lượng, sức tiêu thụ còn hạn chế. Nguồn kinh phí để chi phí phân tích mẫu cao nên giá thành sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm cao, gây khó khăn cho việc tìm kiếm đầu ra sản phẩm. Nhận thức về tầm quan trọng của chất lượng, ATTP nông, lâm, thủy sản của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế; quy mô sản xuất, kinh doanh của các cơ sở còn nhỏ lẻ, chủ yếu là hộ gia đình. Việc ứng dụng tem điện tử thông minh gắn mã QR cho sản phẩm, hỗ trợ truy cập phần mềm trên thiết bị thông minh chưa phổ biến rộng rãi…

Dẫu còn hạn chế nhưng việc phát triển sản xuất nông sản an toàn đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo, đầu tư kinh phí thông qua nhiều chính sách. Cùng với đó, công tác tuyên truyền phổ biến kiến thức về sản xuất thực phẩm nông sản an toàn và việc kiểm tra, giám sát được các cấp, ngành chức năng quan tâm chú trọng. Đây là nền tảng thí điểm để nhân rộng đến người dân, tiến tới thay đổi thói quen sản xuất truyền thống chuyển sang phương thức sản xuất áp dụng công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo ATTP phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu./.

Phan Quý

Xem thêm