Ngân Sơn chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò nhốt

Kinh tế rừng ngày càng phát triển khiến diện tích chăn thả đại gia súc bị thu hẹp. Việc trồng cỏ, nuôi trâu, bò nhốt đang được nhiều hộ dân huyện Ngân Sơn lựa chọn để tăng thu nhập. Đây cũng là hướng đi phù hợp, được địa phương khuyến khích nhân rộng.

Chăn nuôi trâu, bò nhốt được nhiều hộ dân huyện Ngân Sơn duy trì và phát triển.
Chăn nuôi trâu, bò nhốt được nhiều hộ dân huyện Ngân Sơn duy trì và phát triển. 

Nhận thấy nuôi trâu, bò nhốt để vỗ béo tiết kiệm được thời gian và sức lao động, đồng thời tương trợ lẫn nhau nhằm tăng hiệu quả kinh tế, vươn lên thoát nghèo, đầu năm 2022 từ sự hỗ trợ của Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP), xã Bằng Vân thành lập Tổ hợp tác chăn nuôi trâu, bò vỗ béo Đông Chót. Tổ hợp tác (THT) có 13 thành viên, trong đó hơn 50% thành viên là hộ nghèo, cận nghèo.

Ông Đinh Ngọc Long- Tổ trưởng THT cho biết: "Quy mô trâu, bò của THT hiện có khoảng 50 con; thành viên THT đã chuyển hướng từ chăn thả tự nhiên sang trồng cỏ để nuôi vỗ béo kèm thức ăn ủ và tinh bột; diện tích trồng cỏ voi hiện có hơn 3ha. Thành viên THT được tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm chăn nuôi lâu năm. Việc thành lập THT giúp bà con gắn kết, chia sẻ rút ngắn thời gian vỗ béo còn khoảng 4 tháng/lứa. Hiện vẫn có thương lái đến tận nơi thu mua nên việc tiêu thụ chưa gặp nhiều khó khăn. Trong thời gian tới, khi xây dựng được mối liên kết giữa THT với các đơn vị bao tiêu sản phẩm, THT sẽ mở rộng quy mô nuôi, tăng diện tích trồng cỏ, qua đó giúp thành viên tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo và làm giàu".

Thấy chăn nuôi trâu, bò nhốt có hiệu quả kinh tế, anh Trần Quảng Việt, thôn Khu Chợ 2 thuê đất, mạnh dạn vay vốn đầu tư nuôi 08 con bò giống Sind, 3B. Thời gian nuôi vỗ béo khoảng hơn 5 tháng thì được xuất bán, trừ chi phí lãi mỗi con hơn 1 triệu đồng. Hiện anh Việt tiếp tục vỗ béo đàn bò 08 con, giá trị mỗi con khoảng 25 - 30 triệu đồng. Để đảm bảo nguồn thức ăn xanh và giàu dinh dưỡng cho đàn bò, anh Việt trồng 6.000m2 cỏ voi, chủ động đi thu cây ngô sinh khối về băm nhỏ, ủ để bổ sung dinh dưỡng, dự trữ thức ăn; cho bò ăn thêm thức ăn tinh từ cám ngô, bã bia, chuối… giúp bò tăng trưởng nhanh.

Xã Bằng Vân là địa phương có truyền thống chăn nuôi đại gia súc theo hình thức vỗ béo và có thu nhập khá ổn định. Nhằm hỗ trợ địa phương xây dựng nông thôn mới, huyện Ngân Sơn đã xây dựng Đề án “Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội thôn Khuổi Ngọa (thôn đặc biệt khó khăn), giai đoạn 2021-2023”, trong đó hỗ trợ người dân phát triển chăn nuôi trâu vỗ béo. Hiện đề án đã tập huấn kỹ thuật, cung ứng giống cỏ voi cho người dân. Thông qua thực hiện đề án sẽ góp phần giúp bà con đồng bào Dao Khuổi Ngọa sớm thoát nghèo, ổn định của cuộc sống, từng bước phát huy được thế mạnh để tạo ra các sản phẩm hàng hóa, nâng cao thu nhập.

Huyện Ngân Sơn có tổng đàn gia súc (trâu, bò, ngựa) 11.596 con, tập trung nhiều ở các xã Bằng Vân, Vân Tùng, Thượng Quan, Cốc Đán… Nhằm thực hiện Nghị quyết Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025, với mục tiêu “Duy trì và phát triển chăn nuôi đại gia súc theo hướng tăng trưởng bền vững, theo hướng sản xuất hàng hóa, đảm bảo chất lượng. Vận động nhân dân phát triển chăn nuôi trâu, bò, ngựa theo quy mô trang trại, gia trại, khuyến khích liên kết thành lập hợp tác xã để tập trung sản xuất hàng hóa gắn với tiêu thụ sản phẩm”, thời gian qua huyện Ngân Sơn chú trọng xây dựng các mô hình, hướng dẫn, khuyến khích người dân chuyển hình thức từ chăn thả tự nhiên sang bán chăn thả và nuôi nhốt; vận động bà con tận dụng đất để trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi; xây dựng, thực hiện đề án và hỗ trợ thành lập nhiều THT nuôi trâu, bò tại các thôn có thế mạnh về chăn nuôi, qua đó khuyến khích nhân rộng. Đồng thời để phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, mỗi năm các cơ quan chuyên môn triển khai 2 đợt tiêm phòng, bao gồm cả tiêm phòng định kỳ và tiêm phòng bổ sung. 

Ông Phạm Kim Hiểu- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn cho biết: Mô hình nuôi trâu, bò nhốt đang giúp nâng cao nhận thức cho bà con, giảm tình trạng chăn thả tự nhiên, hình thành thói quen chăn nuôi an toàn, hiệu quả. Xác định chăn nuôi gia súc tiếp tục là thế mạnh của địa phương, thời gian tới, huyện tích cực hỗ trợ về khoa học, kỹ thuật cho bà con, định hướng các loại gia súc phù hợp tiềm năng, lợi thế của từng khu vực để phát triển chăn nuôi bền vững, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Hiện nay, việc tiêu thụ đại gia súc đang gặp khó khăn, Phòng đã hướng dẫn, khuyến cáo người chăn nuôi thường xuyên cập nhật thông tin thị trường; thận trọng, tính toán kỹ khi tăng đàn, tái đàn sản xuất chăn nuôi; thực hiện các giải pháp giảm chi phí đầu vào như duy trì nuôi hoàn toàn bằng cỏ, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn.../.

Hà Nhung

Xem thêm