Đồng bào dân tộc Mông ở Pác Nặm thay đổi tư duy trồng rừng

Trước đây, đồng bào dân tộc Mông ở huyện Pác Nặm chủ yếu trồng ngô, sắn trên đất đồi rừng nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, đến nay bà con đã thay đổi tư duy, phương thức sản xuất, tập trung phát triển kinh tế rừng.

Vụ trồng rừng năm nay anh Dương Văn Sinh ở thôn Chẻ Pang, xã Cao Tân đã huy động anh em ở tận huyện Nguyên Bình (tỉnh Cao Bằng) sang giúp. Năm nay gia đình anh không trồng cây mỡ như các hộ khác mà anh chọn trồng quế và hồi. Hơn 2.000 cây quế được vận chuyển từ huyện Ba Bể lên để trồng, do chuẩn bị trước các khâu liên quan và thời tiết có mưa đã tạo thuận lợi để gia đình anh trồng xong hơn 1ha rừng.

Anh Sinh cho biết: Nhận thấy trồng rừng mang lại kinh tế ổn định, gia đình tôi cố dành dụm tiền và nhờ sự hỗ trợ của anh em để mua đất đồi trồng rừng. Tôi sẽ đầu tư trồng cây quế, hồi vì hiệu quả kinh tế cao, đồng thời trồng xen các loại cây như gừng, nghệ, đỗ tương, sắn…

Được biết, những năm trở lại đây, đồng bào dân tộc Mông ở Pác Nặm đã đầu tư vào trồng rừng và nhận giao khoán bảo vệ rừng. Theo người dân, trồng 1ha quế khoảng 4 đến 5 năm đã cho thu hoạch cành, lá; 10 năm cho thu hoạch vỏ và cây với giá trị kinh tế vượt trội so với một số loại cây trồng khác. Ngoài ra bà con có thể tận dụng trồng xen canh cây ngắn ngày dưới tán rừng.

Thực tế, nhiều  hộ dân ở huyện Pác Nặm đã có thu nhập cao từ trồng rừng và phát triển nghề rừng. Theo đó, phong trào trồng rừng ở các bản người Mông càng được đẩy mạnh. Nhiều hộ đã tích cực đăng ký trồng rừng từ Chương trình trồng rừng của huyện, đồng thời bỏ vốn đầu tư chuyển đổi diện tích đất đồi trồng ngô kém hiệu quả sang trồng rừng. Đến nay, bà con không chỉ trồng cây keo, bồ đề, mỡ mà dần chuyển hướng sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao hơn như bạch đàn, quế, hồi, xoan đào.

Anh Mông Văn Soạn, người dân thôn Trung Hòa, xã Công Bằng cho biết: Trước đây, diện tích đất của gia đình trồng các loại cây giá trị kinh tế thấp, chu kỳ kéo dài. Qua học hỏi và tham quan ở các địa phương khác, tôi đã đưa cây bạch đàn mô Trung Quốc vào trồng và nhận thấy cây phát triển khỏe, phù hợp với thổ nhưỡng và chất lượng gỗ tốt, giá trị kinh tế cao.

Tập huấn mô hình  trồng cây Gáo tại xã Bộc Bố
Tập huấn mô hình trồng cây gáo tại xã Bộc Bố.

Anh Vừ A Giàng- Bí thư Chi bộ thôn Cốc Nọt, xã Công Bằng cho biết: Bà con dân tộc Mông thôn Cốc Nọt trước đây còn rất nhiều khó khăn, đất đồi còn bỏ trống. Đến nay, nhờ thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế vươn lên làm giàu đã có nhiều hộ trong thôn kết hợp chăn nuôi trâu, bò và trồng rừng. Đời sống các hộ đã khá hơn, tỷ lệ hộ nghèo của thôn giảm qua từng năm và đạt chỉ tiêu của xã giao.

Pác Nặm vẫn còn là huyện thuộc diện huyện nghèo chung của cả nước, song đời sống kinh tế - xã hội ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã có sự đổi thay rõ rệt. Với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương với các chính sách dân tộc dành cho đồng bào cùng với việc thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, chất lượng cuộc sống của đồng bào dân tộc nói chung và người dân tộc Mông nói riêng đang dần đổi thay tích cực./.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm