Chú trọng chăm sóc cây trồng vụ xuân

Vụ xuân năm 2022, dưới sự chỉ đạo của ngành Nông nghiệp, công tác gieo trồng của tỉnh Bắc Kạn đạt kết quả đáng ghi nhận. Các loại cây trồng chính cơ bản được canh tác đúng khung thời vụ, diện tích đạt cao so với kế hoạch.

Cụ thể, diện tích cây lúa đạt 8.597ha, đạt 100,6% kế hoạch; cây ngô 8.393ha, đạt 99% kế hoạch; cây dong riềng 445ha, đạt 82% kế hoạch; cây bí xanh 213/190ha… Thời điểm này, người dân các địa phương đang chủ động phòng, chống dịch hại, chăm sóc cây trồng.

Theo báo cáo của Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng, bọ rầy gây hại nhẹ cây lúa, rải rác tại các huyện, thành phố với mật độ phổ biến 50-80 con/m2, cao 200-260 con/m2, cá biệt tại huyện Na Rì 800 con/m2; bệnh đạo ôn trên cây lúa gây hại nhẹ, rải rác tại các huyện, thành phố, tổng diện tích nhiễm 3,4ha. Bà con nông dân đã phun trừ toàn bộ diện tích nhiễm. Ngoài ra, các loài sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân… cũng đang gây hại nhẹ.

Người dân xã Cao Kỳ (Chợ Mới) chăm sóc lúa xuân.
Người dân xã Cao Kỳ (Chợ Mới) chăm sóc lúa xuân.

Đối với cây ngô, hiện sâu keo mùa thu, sâu đục thân, bệnh đốm lá đang gây hại nhẹ, rải rác tại các huyện, thành phố, cục bộ tại huyện Chợ Mới cá biệt 3 con/m2. Cây thuốc lá bắt đầu vào vụ thu hoạch, bị bệnh cháy lá, bệnh đốm lá, đốm mắt cua, đốm vòng... gây hại nhẹ, rải rác tại các huyện Ngân Sơn, Bạch Thông.

Ngoài ra, bệnh thán thư gây hại trên cây hồng không hạt tại các xã Quảng Bạch, Đồng Lạc (Chợ Đồn), Quảng Khê, Đồng Phúc, Thượng Giáo (Ba Bể), Đôn Phong (Bạch Thông) với tổng diện tích nhiễm 3,5ha. Châu chấu tre lưng vàng bắt đầu nở tại thôn Slam Coóc, xã Thượng Quan (Ngân Sơn) với mật độ thấp và gây hại rải rác trên những diện tích cỏ mềm.

Trước tình hình đó, ngành chức năng tỉnh khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp canh tác và phòng trừ sâu bệnh hại để chăm sóc cây vụ xuân. Cụ thể như, hướng dẫn bà con nông dân thực hiện các biện pháp canh tác như bón thúc lần 2 (bón đón đòng), giữ mực nước trong ruộng từ 2-3cm đến khi lúa chín đỏ đuôi. Đối với lúa thuần bón 6 - 8kg phân đạm urê + 10 - 11kg kali (tính trên diện tích 1.000m2); đối với lúa lai, bón 7 - 9kg phân đạm urê + 12 - 13kg kali. Đồng thời, thực hiện biện pháp phòng trừ như theo dõi sát diễn biến của thời tiết, đặc biệt tại những vùng có nguy cơ cao (diện tích cấy giống nhiễm, diện tích trồng trong khe, diện tích thường xuyên bị nhiễm bệnh trong những vụ trước, năm trước)... Khi lúa bị bệnh đạo ôn gây hại, cần phun trừ sớm bằng một trong các loại thuốc như: Filia, 525SE, Trizole 400SC, Fuji-one  40EC... Nếu bệnh phát triển mạnh thì có thể phun lại sau 5 -7 ngày.

Thường xuyên kiểm tra đồng ruộng, khi thấy mật độ rầy khoảng 20 con/khóm hoặc 3 con/dảnh trở lên tiến hành phun trừ bằng một trong các loại thuốc như: Sachray 200WP, Patox 95SP, gà nòi 95SP, Oshin 20WP, nấm xanh Metharium… Giữ nước trong ruộng từ 3-5cm khi phun trừ.

Chăm sóc cây dong riềng ở xã Côn Minh (Na Rì).
Chăm sóc cây dong riềng ở xã Côn Minh (Na Rì).

Chủ động chăm sóc cây ngô giai đoạn 7 - 9 lá, bón phân thúc lần 2, kết hợp làm cỏ, vun gốc cao. Cụ thể, bón 16 - 20kg đạm ure và 6 - 10 kg kali clorua/1.000m2. Tăng cường phòng trừ sâu keo mùa thu, sâu gai, sâu đục thân... sử dụng một trong các loại thuốc như: Lufen extra 100EC, Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Karuba WP, Bitadin WP... để phun trừ, phun theo hàng, ướt đều cả hai mặt lá và nách lá. Đối với những diện tích ngô có biểu hiện thân, lá chuyển màu tím, huyết dụ. Hướng dẫn người dân tiếp tục chăm sóc, bón bổ sung các loại phân qua lá, phân bón rễ có chứa lân và các nguyên tố trung, vi lượng.

Người dân cần thực hiện các biện pháp chăm sóc và phòng, trừ sâu bệnh hại trên cây ăn quả và cây lâm nghiệp như: Bệnh thán thư trên cây hồi; bệnh vòi voi trên cây quế; châu chấu tre lưng vàng hại ngô, lúa. Thường xuyên vệ sinh vườn cây, cắt bỏ cành khô, cành tăm, cành đã nhiễm sâu bệnh, tiêu hủy những cành, lá bị bệnh để tránh lây lan ra diện rộng và tạo sự thông thoáng cho cây, kết hợp bón phân cân đối giúp cây phát triển khỏe mạnh, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh. Các xã nên tổ chức thành các tổ, đội dịch vụ phun tập trung, dùng bình phun chạy bằng ắc quy hoặc máy động cơ phun bao vây xung quanh ổ dịch, phun cuốn chiếu từng khu vực để tiêu diệt, tránh phát tán gây hại trên diện rộng.

Ông Nguyễn Thanh Bình- Phó Chi cục Trưởng, Chi cục Trồng trọt, Bảo vệ thực vật và Quản lý chất lượng cho biết: Để bảo đảm chăm sóc tốt lúa xuân, cán bộ Chi cục đã tăng cường xuống cơ sở hướng dẫn nông dân chăm sóc lúa, bón phân, tỉa dặm, sục bùn; phổ biến phương pháp nhận biết, phát hiện, kỹ thuật phòng trừ dịch hại trên cây trồng. Đối với diện tích lúa gieo cấy trước hoặc xung quanh tiết lập xuân cần giữ nước nông mặt ruộng, tạo điều kiện tối đa cho lúa đẻ nhánh. Khuyến cáo người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến sâu bệnh, nhất là bệnh đạo ôn để phòng trừ kịp thời.

Với sự chủ động của ngành chức năng và bà con nông dân, cây trồng vụ xuân tại các địa phương đang phát triển tốt, hứa hẹn đạt kết quả cao, góp phần vào việc thực hiện thắng lợi kế hoạch sản xuất nông nghiệp năm 2022./.

Phan Quý

Xem thêm