Bạch Thông mở rộng diện tích và nâng cao giá trị cây chè

Huyện Bạch Thông hiện có khoảng gần 48ha chè, tập trung tại các xã: Quang Thuận, Đôn Phong, Quân Hà, Tân Tú… với một số thuận lợi, huyện đang mở rộng diện tích và nâng cao giá trị từ cây chè theo hướng bền vững.

Giá trị từ cây chè

Cây chè được trồng ở thôn Nà Pán, xã Đôn Phong (Bạch Thông) từ nhiều năm trước đây theo một dự án của Nhà nước. Toàn thôn có gần 20 hộ trồng chè với diện tích khoảng 6ha. Tuy nhiên, phần lớn những diện này chưa phát huy được hiệu quả do thiếu sự đầu tư về công chăm sóc và kỹ thuật sản xuất chè. Trước thực tế đó, từ năm 2019, các hội viên phụ nữ trong thôn có cùng sở thích trồng chè đã tập hợp, liên kết lại với nhau để thành lập Tổ hợp tác sản xuất chè thôn Nà Pán trên cơ sở Tổ đổi công được hình thành từ năm 2015. Tổ hợp tác có 12 hộ tham gia, mỗi hộ đóng góp 4 triệu đồng để xây 04 lò quay chè. Từ khi đi thành lập, Tổ hợp tác này hoạt động rất tích cực trong việc hỗ trợ, truyền thụ kinh nghiệm, trao đổi chia sẻ thông tin về phát triển sản xuất chè cho các hội viên nông dân trên địa bàn.

Chị Hoàng Thị Thu, thôn Nà Pán cho biết: Trồng chè mất nhiều công sức từ chăm sóc, thu hái, chế biến đến tiêu thụ nhưng giá trị kinh tế mang lại khá ổn định. Gia đình có 4.000m2, trung bình thu hoạch được 30kg chè khô/lần, một năm thu được 6 - 7 lần, giá bán khoảng 200.000 - 250.000 đồng/kg. Với việc đổi công và hỗ trợ nhau trong quá trình sản xuất hiệu quả trồng chè của gia đình tăng lên rõ rệt. Nhờ sản xuất an toàn, chất lượng bảo đảm nên chè Nà Pán luôn được giá và dễ tiêu thụ.

Người dân thôn Nà Pán, xã Đôn Phong thu hái chè.
Người dân thôn Nà Pán, xã Đôn Phong thu hái chè.

Toàn thôn Phiêng An có 23 hộ dân thì có đến hơn một nửa số hộ trồng chè với diện tích hơn 5ha. Với mong muốn nâng cao thu nhập, tăng tính cạnh tranh sản phẩm nông nghiệp của thôn, năm 2020, Tổ hợp tác Nông nghiệp sạch Phiêng An được thành lập với sản phẩm chủ lực là cây chè. Việc thành lập Tổ hợp tác là sự chuyển đổi dần trong tổ chức sản xuất, quản lý theo hướng hiện đại của người dân Phiêng An và nhận được sự quan tâm, khuyến khích của cấp ủy đảng, chính quyền địa phương.

Ngay sau khi thành lập, Tổ hợp tác Nông sản sạch Phiêng An đã được Nhà nước hỗ trợ một số máy móc, thiết bị như: Máy hút chân không, máy vò, tôn quay và được tập huấn kỹ thuật. Chất lượng, năng suất chè tăng lên, việc tiêu thụ cũng dễ dàng hơn, tình làng nghĩa xóm thêm gắn bó là những khởi sắc mà người dân Phiêng An nhận thấy sau khi tham gia Tổ hợp tác. Năm 2021, sản phẩm trà của Tổ hợp tác Nông sản sạch Phiêng An (xã Quang Thuận) được đánh giá 3 sao OCOP cấp huyện. Đây là điều kiện thuận lợi để hương chè Phiêng An đến với nhiều khách hàng hơn, qua đó giúp nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Bí thư Đảng ủy xã Quang Thuận Lương Ngọc Quyến đánh giá: Chè là cây trồng cho thu nhập khá và có nhiều tiềm năng phát triển tại địa phương, nhất là những thôn có địa hình cao. Vì vậy, xã đang vận động những hộ có điều kiện thuận lợi về đất đai, nhân lực để phát triển loại cây trồng này theo kế hoạch chung của huyện.

Mở rộng diện tích và nâng cao giá trị

Huyện Bạch Thông hiện có khoảng gần 48ha chè, tập trung tại các xã: Quang Thuận, Đôn Phong, Quân Hà, Tân Tú… trong đó có 30ha cho thu hoạch, năng suất đạt 47 tạ/ha. Theo kế hoạch, năm 2022 huyện thực hiện trồng mới 30ha chè, nâng tổng diện tích chè toàn huyện lên gần 80ha. Để hoàn thành mục tiêu này, huyện đã chỉ đạo ngành chuyên môn và các xã, thị trấn có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tận dụng diện tích đất trống hoặc chuyển đổi một phần diện tích trồng cây lâm nghiệp, đất ruộng một vụ sang trồng chè. Tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật, lựa chọn cải tạo, thay thế diện tích chè già cỗi, có chất lượng thấp bằng những giống chè có chất lượng cao. Huyện Bạch Thông cũng đặt ra mục tiêu có 30ha chè được chứng nhận bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, VietGAP, hữu cơ.

Đồng chí Trịnh Tiến Sơn- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông cho biết: Thực tế cho thấy, chè là cây có giá trị kinh tế và khá phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của một số địa phương trên địa bàn Bạch Thông. Vì vậy, huyện có chủ trương phát triển loại cây trồng này, tuy nhiên không thực hiện một cách ồ ạt mà theo kế hoạch, chỉ trồng ở những nơi có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thích hợp. Đồng thời, huyện cũng tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân nhằm nâng cao năng suất, chất lượng cây chè trên địa bàn. Các chính sách cũng khuyến khích người dân thành lập các tổ, nhóm, hợp tác xã trồng, chế biến và tiêu thụ sản phẩm từ cây chè một cách bền vững và hiệu quả./.

X.N

Xem thêm