Chợ Mới tích cực chăm sóc cây trồng vụ xuân

Vụ xuân năm nay, huyện Chợ Mới gieo trồng được 1.032ha lúa, 1.113ha ngô và khoảng 521ha các loại cây như: Khoai lang, khoai môn, rau, lạc, mía, gừng, đậu đỗ các loại... Hiện bà con nông dân đang tích cực làm cỏ, chăm bón cho cây phát triển.

Nông dân xã Cao Kỳ tích cực chăm bón lúa xuân.
Nông dân xã Cao Kỳ tích cực chăm bón lúa xuân.

Theo Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chợ Mới, do tình hình thời tiết diễn biến phức tạp, trên một số cây trồng xuất hiện sâu bệnh hại, ngành chức năng khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng trừ hiệu quả. Cụ thể, trên cây lúa xuân, mật độ rầy nâu hại phổ biến 250 con/m2, cao 600 con/m2; sâu đục thân, tỷ lệ hại phổ biến 0,3%, cao 0,8%; sâu cuốn lá nhỏ, mật độ phổ biến 1 con/m2, cao 4 con/m2; đốm sọc vi khuẩn, tỷ lệ hại phổ biến 2%, cao 5%; bệnh đạo ôn lá, tỷ lệ hại phổ biến 0,5%, cao 1,5%. Biện pháp phòng trừ là kiểm tra ruộng thường xuyên khi thấy mật độ rầy khoảng 20 con/khóm hoặc 3 con/dảnh trở lên thì phun trừ rầy bằng một trong các loại thuốc đặc trị như: LK set-up 75WP, Bassa 50EC, XO. JAPANE 800 WP, Onecheck 700 WP, Oshin 20 WP... Thực hiện phun trừ khi sâu non mới nở bằng các loại thuốc như: Gà nòi 95 SP, Patox 95 SP, Ratoin 5WG... Thực hiện phun trừ sau khi bướm ra rộ từ 5 - 7 ngày bằng các loại thuốc Sherpatin 36EC, Trebon 10 EC, Ratoin 5WG, Quiluxly 72EC... Khi xuất hiện bệnh dừng bón đạm, các chất kích thích sinh trưởng. Tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc như: Revus Opti 440SC, Kasai16.2 SC, Bimmy 800.8WP, Bump 650WP... Những diện tích tỷ lệ hại cao cần phun kép 2 lần cách nhau 5-7 ngày...

Đối với cây ngô, đang trong giai đoạn 8 lá, phun râu, xuất hiện sâu đục thân, tỷ lệ hại phổ biến 3%, cao 5%; sâu keo mùa thu mật độ hại phổ biến 0,7 con/m2, cao 03 con/m2. Diện tích nhiễm nhẹ 2,5ha, tại các xã Thanh Thịnh, Quảng Chu, Hòa Mục. Để phòng trừ, đối với những diện tích mật độ hại thấp, người dân chủ động bắt sâu bằng các biện pháp thủ công. Tiến hành phun trừ khi sâu mới nở bằng các loại thuốc như: Lufen extra 100 EC, Enasin 32WP, Ratoin 5WG, Karuba WP, Bitadin WP... Cây thuốc lá đang trong giai đoạn phát triển thân lá - thu hoạch, xuất hiện rệp, tỷ lệ hại phổ biến 3%, cao 5%; bệnh đốm mắt cua, tỷ lệ phổ biến 3%, cao 7%; bệnh đen thân, tỷ lệ hại phổ biến 0,5%, cao 1%, người dân chủ động phun trừ bệnh đen thân khi tỷ lệ gây hại cao bằng các loại thuốc như: Ridomil Gold 68 WG, Cabrio Top 600WG, Daconil 75WP... Cây ớt đang giai đoạn thu hoạch, xuất hiện bệnh thán thư, tỷ lệ hại phổ biến 2% cây, cao 4% cây. Người dân cần chủ động phòng trừ trên những diện tích tỷ lệ hại cao bằng 1 số loại thuốc như: Ridomil MZ 72 WP, Daconil 75 WP, Ridomil Gold 68 WG, Hope 20 SL...

Bà con thôn Nà Cà 2, xã Cao Kỳ chăm sóc cây màu.
Bà con thôn Nà Cà 2, xã Cao Kỳ chăm sóc cây màu.

Cây chè đang trong giai đoạn ra búp - thu hoạch, xuất hiện rầy xanh, tỷ lệ hại phổ biến 2%, cao 4% búp. Đối với diện tích có tỷ lệ hại thấp, bà con cần chủ động thu hái để hạn chế sâu bệnh hại. Tỷ lệ rầy cao tiến hành phun trừ bằng các loại thuốc Binova 45 WP, Shepatin 90 EC, Trebon 10 EC… Đối với bọ xít muỗi hại búp, cần phun phòng trừ bằng thuốc Cold mec tin 70 WSG, Sherpatin 36EC, Trebon 10 EC… Cây cam quýt đang giai đoạn phát triển quả, xuất hiện sâu vẽ bùa với tỷ lệ hại phổ biến 2%, cao 6%. Tiến hành phun trừ khi tỷ lệ hại cao bằng các loại thuốc Gà nòi 95 SP, Patox 95 SP, Ratoin 5WG... Bệnh phấn trắng, tỷ lệ hại phổ biến 2%, cao 4%, sử dụng một trong các loại thuốc sau khi tỷ lệ hại cao: Revus Opti 440SC, Cabrio Top 600WG, Daconil 75WP, Ridomil Gold 68WG, Score 250EC... Cây hồi đang giai đoạn phát triển quả - thu hoạch, xuất hiện bệnh thán thư, tỷ lệ hại phổ biến 5%, cao 15%, cá biệt 25%. Diện tích nhiễm nhẹ 2,5ha tại các xã Bình Văn, Yên Hân, Yên Cư. Biện pháp phòng trừ, là vệ sinh rừng hồi đang bị bệnh gây hại, tiêu hủy những cành lá bị bệnh rụng xuống để tránh bệnh lây lan ra diện rộng. Đồng thời sử dụng một trong các loại thuốc như: Revus Opti 440SC, Cabrio Top 600WG, Daconil 75WP, Ridomil Gold 68WG, Score 250EC..., bệnh hại nặng phải phun lặp lại từ 2-3 lần, mỗi lần cách nhau 7-10 ngày. Cây quế giai đoạn 2-5 tuổi xuất hiện bệnh đốm lá, tỷ lệ hại phổ biến 4%, cao 7%.  Biện pháp phòng trừ là sử dụng một trong các loại thuốc như: Revus Opti 440SC, Cabrio Top 600WG, Daconil 75WP, Ridomil Gold 68WG, Score 250EC...

Cây mỡ giai đoạn 2 - 10 tuổi xuất hiện sâu ong, mật độ phổ biến 3 con/m2, cao 10 con/m2, tại các thôn Nà Tôm, Bản Vọt, Bản Đồn xã Hoà Mục. Biện pháp phòng trừ là phát quang dưới tán rừng, tỉa cành, tạo đường băng để thuận tiện cho việc phòng trừ sâu ong. Kiểm tra rừng thường xuyên để phát hiện sớm lứa sâu tiếp theo. Cây mơ, giai đoạn thu hoạch xuất hiện bệnh chảy gôm (nứt thân chảy nhựa), gây hại rải rác. Biện pháp phòng trừ là tỉa cành, tạo tán cho vườn cây thông thoáng, tiến hành quét vôi vào gốc cây, chiều cao của vết quét ít nhất 50cm kể từ gốc cây để phòng bệnh. Khi cây bị bệnh, dùng dao cạo sạch phần vỏ quanh vết bệnh (cạo đến phần gỗ) sau đó dùng thuốc Aliette, Ridomyl Gold… pha đậm đặc quét lên vết bệnh. Rệp xuất hiện với tỷ lệ hại phổ biến 1%, cao 5%. Tiến hành phun trừ rệp khi tỷ lệ gây hại cao bằng các loại thuốc như LK Set-up 70 WP, Quiluxny 72 EC, Onechek 700 WP...

Ngoài các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, ngành chức năng khuyến cáo người dân thường xuyên thăm nắm đồng ruộng, khi lúa trong giai đoạn đứng cái - làm đòng cần giữ mực nước 2-3cm trong ruộng. Với diện tích lúa giai đoạn đứng cái, tiến hành bón thúc lần 2 (bón đón đòng) khi lúa có khối sơ khởi (10% lá có thắt eo), giữ nước từ 3 - 4cm. Lượng phân tính cho 1.000m2 như sau: Đối với lúa thuần, bón 6 - 7kg phân đạm urê + 10 - 11kg Kali clorua; đối với lúa lai, bón 8 - 10kg phân đạm urê + 12 - 13kg Kali clorua. Cây ngô xuân, làm sạch cỏ, giữ ẩm cho cây. Những diện tích từ 7-9 lá, tiến hành bón thúc lần 2 kết hợp làm cỏ, vun gốc cao tăng khả năng chống đổ; lượng phân bón tính cho 1.000m2 như sau: 16 - 20kg đạm + 6-10kg kaly. Đối với những cây trồng như: Cam quýt, mơ, quế, hồi, mỡ, cần tiến hành kiểm tra thường xuyên, phát quang rừng; cắt tỉa cành tăm, cành sâu bệnh trên cây mơ, cam quýt để tạo điều kiện thuận lợi cho công tác phòng trừ dịch hại.../.

L.D

Xem thêm