Biến đồi hoang thành vườn cây ăn quả

Với mong muốn làm giàu từ nông nghiệp, ông Nguyễn Văn Bắc quê ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã lên mảnh đất xã Đổng Xá (Na Rì) xây dựng thành công trang trại trồng cây ăn quả quy mô rộng hàng chục héc-ta.

Đến thăm trang trại trồng cây ăn quả của ông Nguyễn Văn Bắc, chúng tôi thật sự ngỡ ngàng, bởi tận sâu trong những cánh rừng lại có vườn cây ăn quả rộng lớn với hàng nghìn cây cam, cây bưởi xanh ngát. Trang trại của ông có vị trí xa khu dân cư, cách trung tâm xã chừng 7km, thuộc địa phận thôn Khuổi Nạc. Được biết, trước đây khu vực này cỏ dại mọc um tùm, mặc dù là đất của các hộ dân trong vùng nhưng thường bỏ hoang, chưa ai đầu tư trồng trọt để phát triển kinh tế. Ông Bắc là người tiên phong đưa cây ăn quả về trồng tại vùng đất này.

Ông Nguyễn Văn Bắc chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả với người dân trong vùng.

Ông Nguyễn Văn Bắc chia sẻ kinh nghiệm trồng cây ăn quả với người dân trong vùng.

Kể về mối lương duyên với mảnh đất Đổng Xá, ông Nguyễn Văn Bắc tâm sự: Trước đây, gia đình tôi sống ở huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên. Sau khi toàn bộ đất đai của gia đình nằm trong quy hoạch làm khu công nghiệp, tôi đã đi nhiều nơi tìm hiểu để mua đất sản xuất làm trang trại phát triển kinh tế. Năm 2015, qua giới thiệu từ bạn bè, tôi biết đến khu vực sản xuất hiện tại. Qua tìm hiểu, nghiên cứu, tôi thấy điều kiện khí hậu và chất đất ở đây phù hợp trồng cây ăn quả. Do đó, tôi quyết định rời quê hương, dồn toàn bộ vốn liếng lên đây lập nghiệp. Tôi mua tổng diện tích 23ha đất của người dân, mỗi năm tôi cải tạo 3-4ha. Đến nay, tôi đã trồng được hơn 13ha cây ăn quả, gồm hai loại chính là bưởi Diễn và cam Vinh, diện tích cây lâu năm nhất hơn 5 năm tuổi.

Theo ông Bắc, xã Đổng Xá có đất đai màu mỡ, mạch nước ngầm từ các khe nhiều, độ ẩm thích hợp nên rất phù hợp trồng cây ăn quả, đặc biệt là cây có múi. Vị trí địa lý ở đây cũng khá thuận lợi trong việc vận chuyển sản phẩm đi các tỉnh Thái Nguyên, Lạng Sơn tiêu thụ… Ông cho rằng đầu tư vào nông nghiệp là sự đầu tư bền vững nhất, nếu chịu khó chăm sóc thì càng về lâu dài hiệu quả kinh tế càng cao. Do đó, ông đã bắt tay vào đầu tư và xây dựng trang trại như hôm nay.

Chia sẻ về kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả, ông Bắc cho biết: Trước khi quyết định trồng cây ăn quả, tôi đã đi nhiều nơi học hỏi kinh nghiệm về cách chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Tôi đến tận nơi tìm hiểu rồi lựa chọn mua cây giống ở một vườn ươm tỉnh Hưng Yên và thuê kỹ sư đến tận vườn hướng dẫn kỹ thuật trồng. Để chất lượng quả ngon, tôi chủ yếu sử dụng phân hữu cơ hoai mục bón cho cây, bón mỗi năm 3 lần vào thời kỳ cây chuẩn bị ra hoa, khi quả nhỏ và sau khi thu hoạch. Người trồng cần thường xuyên cắt tỉa, tạo tán, loại bỏ cành vượt, cành sâu bệnh để cây tiếp nhận tốt ánh sáng, phát triển nhanh... Nhờ đầu tư đúng hướng và áp dụng kỹ thuật chăm sóc bài bản, vườn cây đã cho gia đình ông quả ngọt sau 3 năm trồng. Chất lượng quả vườn nhà ông Bắc được nhiều người đánh giá cao về độ ngọt, mẫu mã đẹp không kém gì những nhà vườn ở tỉnh Hưng Yên, Phú Thọ nên đầu ra thuận lợi và bán được giá. Hằng năm vào vụ thu hoạch, thương lái đến thu mua tại vườn.

Năm 2020, gia đình ông thu hoạch được hơn 10 tấn quả. Cây trồng nhiều độ tuổi nên năng suất cũng tăng lên theo từng năm. Năm 2021, gia đình ông bán ra thị trường hơn 20 tấn quả, giá bán tại vườn là 20.000 đồng/kg cam, 10.000 đồng/quả bưởi, gia đình ông thu về khoảng 300 triệu đồng (chưa trừ chi phí đầu tư). Tuy mới thu được số tiền nhỏ, chưa thấm vào đâu so với khoản vốn mà ông bỏ ra, nhưng đây chính là thành công bước đầu khẳng định quyết tâm đầu tư trồng cây ăn quả ở vùng đất này là sự lựa chọn đúng đắn. Ông Bắc nhận định, năm nay, vườn cây ra nhiều hoa, tỷ lệ đậu quả khá cao, ước tính năng suất sẽ tăng gấp đôi so với vụ năm ngoái. Đây động lực để ông tiếp tục mở rộng diện tích trồng trong thời gian tới, vừa làm giàu cho gia đình, vừa đóng góp cho vùng quê nghèo Đổng Xá.

Trang trại trồng cây ăn quả của ông Bắc không chỉ nổi tiếng trong vùng, được nhiều người tìm đến học tập mà còn tạo việc làm thời vụ cho nhiều lao động địa phương. Vừa chăm sóc diện tích đã có, vừa tiếp tục mở rộng đầu tư nên trang trại của ông thường thuê từ 4-6 nhân công lao động tại vườn.

Ông Lô Văn Hảo, người dân trong vùng chia sẻ: Ông đã sinh sống ở Đổng Xá hơn 60 năm nhưng chưa thấy ai xây dựng được trạng trại trồng cây ăn quả quy mô lớn như ông Bắc và không nghĩ rằng trồng cây có múi ở đây cho quả ngon như vậy. Được làm thuê tại trang trại của ông Bắc, biết kỹ thuật trồng, ông đã mua 200 cây cam, bưởi về trồng tại vườn và đang phát triển rất tốt. Tới đây ông sẽ tiếp tục trồng thêm trên những diện tích đất trồng ngô kém hiệu quả.

Đồng chí Nông Văn Quý- Phó Chủ tịch UBND xã Đổng Xá cho biết: Từ khi chuyển đến Đổng Xá xây dựng mô hình trang trại, ông Nguyễn Văn Bắc luôn chấp hành tốt các quy định của pháp luật. Mô hình trồng cây ăn quả của ông hiện là mô hình quy mô lớn nhất và hiệu quả kinh tế cao nhất trên địa bàn xã, nhiều hộ dân đã học hỏi và làm theo. Thực hiện Đề án “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP), xã đang xây dựng sản phẩm bưởi Diễn của ông Bắc làm sản phẩm OCOP của địa phương. Để thúc đẩy phát triển sản xuất, xã sẽ vận động các hộ dân mở rộng diện tích trồng cây ăn quả này, nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương, phát triển các sản phẩm có chất lượng, góp phần nâng cao thu nhập và giảm nghèo bền vững./.

Đồng Lai