Bảo đảm an toàn hồ, đập thủy lợi

Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 2.000 công trình thủy lợi. Trong đó có 35 hồ chứa nước, còn lại là các đập dâng, hệ thống kênh mương, trạm bơm nhỏ. Qua cuộc rà soát đánh giá độ an toàn của hồ, đập mới đây cho thấy, rất nhiều hồ, đập xuống cấp mất an toàn cần được sửa chữa.

Hồ chứa thủy lợi tại Bắc Kạn phần lớn được xây dựng từ những năm 1960 của thế kỷ trước đến năm 2010, đưa vào sử dụng đến nay đã từ 10-50 năm. Thời điểm trước, điều kiện khảo sát thiết kế, thi công còn hạn chế, xây dựng không đồng bộ, nhiều hồ chứa không có hồ sơ nên không có cơ sở lập quy trình vận hành, điều tiết và lập phương án cắm mốc chỉ giới công trình... theo quy định.

Cùng với sự tác động của thời tiết, nhiều hạng mục công trình bị hư hỏng, xuống cấp, hiện tượng thấm qua thân đập khá phổ biến; cống lấy nước bị hư hỏng, mất an toàn trong vận hành, mất khả năng điều tiết nước, không có hành lang kiểm tra; tràn xả lũ không được gia cố, không đảm bảo thoát lũ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố. Nhiều công trình hồ chứa còn bị lấn chiếm, sử dụng hành lang công trình trái phép, gây khó khăn cho công tác quản lý, vận hành an toàn công trình nhất trong mùa mưa lũ.

Đập dâng sông Cầu nhằm tạo cảnh quan cho TP. Bắc Kạn được bàn giao đưa vào hoạt động từ ngày 19/4/2022.
Đập dâng sông Cầu nhằm tạo cảnh quan cho TP. Bắc Kạn được bàn giao đưa vào hoạt động từ ngày 19/4/2022.

Hầu hết các hồ chứa thiếu thiết bị quan trắc nên kết quả quan trắc bằng mắt thường không được thống kê đầy đủ. Việc đánh giá hiện trạng dựa vào quan sát trực quan nên nhiều hiểm họa tiềm ẩn trong công trình chưa lường hết được. Cùng với đó, thiếu nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp, lắp đặt thiết bị quan trắc, xây dựng bản đồ ngập lụt, cắm mốc chỉ giới. Việc bàn giao công trình chủ yếu chỉ được giao hiện trạng, mặt bằng, không có bản đồ giải phóng mặt bằng dẫn đến khó khăn trong công tác quản lý, vận hành và bảo vệ công trình...

Cuối năm 2020, kết quả kiểm tra hồ, đập cho thấy có 16 hồ, đập xung yếu. Từ nguồn vốn hơn 50 tỷ đồng của Ngân hàng Thế giới (WB), tỉnh đã bố trí nguồn vốn sửa chữa 05 hồ, gồm các hồ Khuổi Khe, Bản Chang, Mạy Đẩy, Khuổi Sung, Cốc Thông. Các hạng mục sửa chữa bao gồm: Đập đất, tràn xả lũ, cống lấy nước, làm đường thi công kết hợp đường quản lý và xây dựng nhà quản lý, góp phần đảm bảo an toàn hồ, đập; cung cấp nguồn nước tưới ổn định cho 6 xã thuộc khu vực hạ du.

Như vậy còn lại 09 hồ chưa được bố trí nguồn vốn, trong đó hư hỏng nặng nhất là hồ Khuổi Cuộn (Chợ Mới). Ngoài ra, số lượng đập bị thấm là 05 đập; đập biến dạng mái, sạt lở, trượt mái thượng, hạ lưu là 06 đập. Nhiều tràn, cống bị hư hỏng nặng như cống hồ Khuổi Quang, hồ Thôm Sâu, hồ Khuổi Thôm, hồ Slọ Pheo…

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Đức- Giám đốc Công ty TNHH MTV Quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn cho biết: Là đơn vị trực tiếp quản lý, khai thác hồ, đập thủy lợi, Công ty phối hợp với cơ quan chức năng kiểm tra, rà soát, đánh giá tình trạng các hồ chứa nước, nhất là các công trình đầu mối quan trọng. Những hạng mục nhỏ lẻ, Công ty đã sửa chữa, khắc phục kịp thời hư hỏng, biểu hiện xuống cấp. Ðồng thời, chuẩn bị vật tư, trang thiết bị, nhiên liệu, vật liệu dự phòng trước, trong mùa mưa lũ. Tuy nhiên, đối với các công trình hồ, đập hư hỏng lớn có nguy cơ mất an toàn, chúng tôi đã đề xuất với UBND tỉnh để bố trí vốn sửa chữa.

Có thể nói, song song với chủ động phương án ứng phó sự cố vỡ hồ, đập như tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống sự cố vỡ hồ, đập; thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán… thì việc cân đối nguồn ngân sách để sửa chữa, nâng cấp hồ, đập là rất cấp thiết nhằm cải thiện việc cung cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu rủi ro về an toàn cho người dân địa phương và an toàn sản xuất ở khu vực hạ lưu./.

Phan Quý

Xem thêm