Nhiều nông sản đặc trưng Bắc Kạn trở thành hàng hóa

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, ngày càng có nhiều sản phẩm nông - lâm nghiệp được sản xuất tập trung, trở thành hàng hóa, được người tiêu dùng trong nước và nước ngoài biết đến.

s
Sản phẩm miến dong Tài Hoan được xuất khẩu đi châu Âu

Những năm gần đây, các hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) đã đóng góp tích cực vào lĩnh vực sản xuất và chế biến nông sản. Nắm bắt thị trường, các HTX, DN đã chủ động trong việc xây dựng phương án, kế hoạch sản xuất, kinh doanh phù hợp với điều kiện thực tế, nhu cầu thị trường và định hướng phát triển chiến lược. Nhiều DN, HTX có những sản phẩm được chế biến thành hàng hóa như nghệ nếp, miến dong, mơ, chè, bí xanh thơm mang thương hiệu OCOP.

Từ khi có DN, HTX tham gia vào đầu tư chế biến, chế biến sâu, củ nghệ nếp, nghệ đen Bắc Kạn đã được chế biến tinh thành curcumin, tinh bột nghệ, nhiều loại thực phẩm bổ dưỡng…. Điển hình trong sản xuất chế biến nghệ như Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà, Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành, Công ty cổ phần Nông sản Bắc Kạn... đã xây dựng thương hiệu mang đến cho khách hàng trong và ngoài nước những sản phẩm chất lượng được tinh chế, chiết xuất từ nghệ. 

Những năm gần đây, sau nhiều năm miến dong chỉ tiêu thụ trong nước thì nay HTX Tài Hoan (Na Rì) đã đưa miến dong Bắc Kạn vươn xa sang thị trường châu Âu. Từ việc đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa sản phẩm đã nâng cao uy tín, hình ảnh của miến dong Bắc Kạn. Hiện nay, sản phẩm miến dong Bắc Kạn đã được HTX xuất khẩu nhiều đợt sang Cộng hòa Séc .

Toàn tỉnh hiện có hơn 30 cơ sở chế biến miến dong, trong đó có 17 cơ sở vừa chế biến tinh bột, vừa sản xuất miến, hàng chục cơ sở chuyên sản xuất miến. Mỗi năm toàn tỉnh sản xuất được khoảng 3.000 tấn miến dong.

Với lợi thế thổ nhưỡng và khí hậu, cây chè Bắc Kạn đã có chỗ đứng không chỉ thị trường trong nước mà còn được nhà đầu tư nước ngoài đưa sản phẩm chè ra thị trường quốc tế. Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, chè đang được coi là cây trồng thế mạnh của một số huyện như: Ba Bể, Chợ Đồn và Chợ Mới. Toàn tỉnh có hơn 2.000ha chè, nhiều diện tích đạt chứng nhận hữu cơ, vệ sinh ATTP, VietGAP. Nhà máy chế biến chè tại huyện Chợ Đồn do Công ty TNHH chè Peloyen Đài Loan đầu tư chế biến sản phẩm chè Ô Long xuất khẩu. Cây chè được định hướng phát triển bền vững, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm để sản phẩm trở thành ngành hàng chủ lực của địa phương.

Các DN, HTX đang tập trung đầu tư chế biến hoặc liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, nâng cao chất lượng sản phẩm sau chế biến đủ chất lượng xuất khẩu. Sản phẩm quả mơ vàng Bắc Kạn đã có thương hiệu và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản. Hiện nay toàn tỉnh hiện có 600ha mơ, trong đó diện tích cho thu hoạch hơn 250ha, năng suất trung bình khoảng 57 tạ/ha, sản lượng 1.500 tấn. Cây mơ được trồng hầu hết tại các huyện, thành phố nhưng tập trung chủ yếu tại Chợ Mới, Bạch Thông, Chợ Đồn và thành phố Bắc Kạn.

Thị trường tiêu thụ quả mơ của Bắc Kạn những năm trở lại đây khá ổn định, do trên địa bàn tỉnh có nhà máy chế biến mơ của Công ty TNHH Việt Nam MISAKI với năng lực chế biến đạt 5.000 tấn/năm. Từ 2018 đến nay, có khoảng 2.000 tấn mơ của Bắc Kạn được chế biến và xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

s
Công ty TNHH Việt Nam MISAKI chế biến và xuất khẩu nông sản sang thị trường Nhật Bản

Hiện nay Bắc Kạn có hai loại cây trồng có sản lượng khá lớn là quýt và bí xanh thơm, diện tích quýt hơn 2.300ha, năng suất đạt trên 100 tạ/ha. Quýt Bắc Kạn đã được cấp chứng nhận Chỉ dẫn địa lý, Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt. Sau khi có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm quýt Bắc Kạn từng bước khẳng định giá trị thương hiệu trên thị trường. Hiện nay quýt đã được chế biến sâu thành tinh dầu quýt, rượu quýt. Với sản lượng lớn, quả quýt vẫn còn thị phần cho các nhà đầu tư chế biến.

Bí xanh thơm Bắc Kạn hiện đã được thị trường trong nước biết đến, đặc biệt đã được nhiều KCN đưa vào làm thực phẩm trong các suất ăn chính của người lao động tại các khu công nghiệp. Đây là cây trồng đặc sản bản địa của huyện Ba Bể với chất lượng ngọt, thơm. Ngoài chế biến thành các món ăn, quả bí xanh thơm đã được HTX Yến Dương đi sâu vào chế biến sản phẩm trà bí thơm Ba Bể được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng.

Hiện nay sản phẩm gỗ rừng trồng Bắc Kạn đã được các DN, HTX chế biến sâu, hầu hết được xuất khẩu, với diện tích hơn 306.000ha đất được quy hoạch rừng sản xuất, trong đó đất có rừng hơn 269.000ha. Sản lượng khai thác hằng năm ước đạt 260.000m3. Trên địa bàn tỉnh hiện có hơn 300 cơ sở chế biến gỗ, trong đó có hàng chục nhà máy chế biến gỗ quy mô lớn được cấp Quyết định chủ trương đầu tư/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động sản xuất ván dán, đũa gỗ.

Đối với sản lượng và diện tích cây trồng nói trên, đến nay cơ bản sản phẩm được tiêu thụ ổn định, trong đó có vai trò quan trọng của các DN, HTX. Họ đã thúc đẩy và tạo đà phát triển các mặt hàng này, từng bước tạo thương hiệu, nâng cao chất lượng, mở rộng thị trường. Người dân, DN, HTX và Nhà nước đang đưa các nông sản của tỉnh phát triển lên tầng cao mới, hướng tới xuất khẩu với quy mô lớn, ổn định./.

Trần Tuyến

Xem thêm