“Bệ đỡ” thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp ở huyện Ba Bể

Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 17/7/2019 của HĐND tỉnh ban hành và đi vào cuộc sống đã trở thành “bệ đỡ” thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Ba Bể nói riêng.

Nhờ chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 08 HTX thủy sản Sông Năng đã có cơ hội mở rộng phát triển chăn nuôi thủy sản.
Nhờ chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 08 HTX thủy sản Sông Năng đã có cơ hội mở rộng phát triển chăn nuôi thủy sản.

Nghị quyết đi vào cuộc sống

Năm 2019, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn. Trong đó có chính sách hỗ trợ liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và hỗ trợ phát triển sản xuất hàng hóa. Để Nghị quyết đi vào đời sống, tỉnh ta đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng phối hợp với UBND các huyện và chủ đầu tư dự án cấp tỉnh tổ chức xây dựng, thẩm định, phê duyệt các dự án theo quy định, đồng thời tổ chức triển khai thực hiện.

Tại huyện Ba Bể, hằng năm huyện ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các xã, thị trấn, hợp tác xã trên địa bàn đăng ký danh mục, kinh phí thực hiện dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm để xem xét tính khả thi, hiệu quả của dự án trình UBND tỉnh lựa chọn để hỗ trợ. Năm 2020, huyện Ba Bể được phê duyệt 01 danh mục dự án đó là Dự án liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ của HTX Nhung Lũy (Yến Dương). Theo đó, HTX Nhung Lũy được hỗ trợ 420 triệu đồng để mua sắm máy móc và giống lợn thịt. Năm 2021 HTX tiếp tục được cấp kinh phí bổ sung hỗ trợ hơn 659 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng sơ chế, chế biến, đóng gói và mua giống lợn thịt.

Nhờ chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện nên HTX Nhung Lũy đã mở rộng được quy mô sản xuất kinh doanh. Năm 2021 HTX xuất bán ra thị trường 60 tấn lợn thương phẩm, chế biến được 5 tấn sản phẩm từ thịt lợn như lạp sườn, thịt lợn gác bếp, liên kết tiêu thụ được 1.500 tấn bí xanh thơm. HTX đã chủ động, linh hoạt trong ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm, vì vậy tạo việc làm ổn định cho thành viên, doanh thu tăng dần qua các năm. Được biết, năm 2020 doanh thu của HTX đạt 9,1 tỷ đồng; năm 2021 đạt 12 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 20% doanh thu.

Chị Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HTX Nhung Lũy cho biết: Nhờ các chính sách hỗ trợ từ Nghị quyết 08/NQ-HĐND của HĐND tỉnh đã giúp cho HTX đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định để sản xuất ra các sản phẩm từ thịt lợn như lạp sườn, thịt treo gác bếp, thịt lợn sấy khô cung ứng cho các đối tác tiêu thụ theo hợp đồng ký kết, góp phần tăng lợi nhuận cho các thành viên của HTX.

Năm 2021, huyện Ba Bể được phê duyệt thêm 02 dự án gồm: Dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ bò sinh sản của HTX Phúc Ba (Quảng Khê) và Dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm thủy sản của HTX thủy sản Sông Năng. Theo đó, HTX Phúc Ba được hỗ trợ 300 triệu đồng mua giống bò cái sinh sản, HTX thủy sản Sông Năng được hỗ trợ hơn 496 triệu đồng để mua lồng nuôi và cá giống. Nhờ các chính sách hỗ trợ nên hiện nay HTX Phúc Ba đã xây dựng thành công mô hình chăn nuôi bò sinh sản với quy mô hơn 100 con, HTX thủy sản Sông Năng đã có điều kiện phát triển chăn nuôi với quy mô 10 lồng cá, số lượng khoảng 25 tấn cá các loại.

Cần điều chỉnh phù hợp

Có thể nói, Nghị quyết 08/NQ-HĐND của HĐNĐ tỉnh đã trở thành “bệ đỡ” thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa trên địa bàn huyện Ba Bể. Thông qua một số dự án được triển khai đã mang lại hiệu quả kinh tế, tăng tính liên kết, tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, giúp người dân nâng cao thu nhập. Tuy nhiên trong quá trình đưa nghị quyết vào cuộc sống vẫn còn những nội dung chưa phù hợp cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với điều kiện thực tiễn.

Mới đây, HĐND tỉnh đã tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Nghị quyết 08/NQ-HĐND trên địa bàn các huyện, thành phố, trong đó có huyện Ba Bể. Tại huyện Ba Bể, qua giám sát tại một số HTX cho thấy, hiện nay việc triển khai một số nội dung trong Nghị quyết 08/NQ-HĐND vẫn còn những chỗ chưa phù hợp với điều kiện hoạt động thực tiễn của các địa phương và HTX.

Theo chị Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HTX Nhung Lũy: Đối với dự án liên kết được ngân sách nhà nước hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: Nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp còn thấp so với tổng mức đầu tư nên HTX không đủ nguồn vốn đối ứng. Ngoài ra, HTX mong muốn đưa chính sách cho thuê đất vào Nghị quyết để các HTX có cơ hội mở rộng quy mô nhà xưởng, sản xuất hàng hóa tập trung.

Tại buổi giám sát, huyện Ba Bể cũng kiến nghị đối với mức hỗ trợ giống vật tư là 300 triệu đồng/vụ hoặc chu kỳ sản xuất quy định cho tất cả các dự án về trồng trọt và chăn nuôi như hiện nay là không phù hợp do mức đầu tư cho chăn nuôi có tổng kinh phí lớn hơn so với trồng trọt. Bên cạnh đó, theo Nghị quyết, quy mô dự án được hỗ trợ trong lĩnh vực chăn nuôi phải đáp ứng các tiêu chí như: Quy mô tối thiểu phải có đối với đàn  trâu, bò thịt 200 con; trâu, bò sinh sản 100 con; dê 400 con..., điều này rất khó thực hiện do quy mô quá lớn so với năng lực của các HTX trên địa bàn.

Đồng chí Mã Thị Thương Oanh- Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Bể cho biết: Các chính sách hỗ trợ xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của các HTX nên khi triển khai đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp cho các HTX trên địa bàn xây dựng được nhà xưởng, tạo được vùng nguyên liệu ổn định, mở rộng quy mô sản xuất, giải quyết việc làm cho thành viên và hộ dân liên kết. Tuy nhiên, một số nội dung trong Nghị quyết cần phải xem xét, điều chỉnh cho phù hợp với hoạt động thực tiễn của các HTX và định hướng thị trường hiện nay./

H.Thanh

Xem thêm