Thoát nghèo bền vững nhờ chọn hướng đi đúng

Nhờ chú trọng sử dụng vốn vay từ nguồn Ngân hàng CSXH đúng mục đích, lựa chọn hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế... nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Na Rì đã thoát nghèo bền vững.

Tìm hiểu thực tế, chúng tôi cùng cán bộ ngân hàng CSXH huyện Na Rì đến thăm hộ bà Phạm Thị Tuyết, tổ Pò Đon- hộ có quán cơm đông khách của thị trấn Yến Lạc. Bà Tuyết chia sẻ: "Gia đình tôi trước đây rất khó khăn, có người thân nghiện ma túy, 3 đứa con còn nhỏ. Sau khi được địa phương tạo điều kiện cho vay 20 triệu đồng từ nguồn vốn Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) với chương trình vốn vay hộ nghèo, bước đầu tôi mở một quán cơm bình dân nhỏ, sau đó mới gây dựng dần. Khoảng 5 năm sau, gia đình tôi có tiền trả vốn cho ngân hàng, rồi tiếp tục vay 50 triệu đồng từ nguồn chương trình cho vay hộ sản xuất, kinh doanh tiếp tục đầu tư mở rộng cho tới nay. Những năm gần đây, kinh tế gia đình tôi ngày một ổn định và đã thoát nghèo bền vững"...

Ở thôn Hát Luông, xã Kim Lư, gia đình ông Hoàng Đại Minh là hộ điển hình sử dụng nguồn vốn vay của NHCSXH hiệu quả. Không những thoát nghèo, ông còn xây dựng được nhà cửa khang trang, sở hữu vườn cây ăn quả rộng hàng héc-ta. Nhìn khu vườn rộng ngút tầm mắt, cây cam, quýt đang trổ chồi xuân xanh mướt, ai cũng cảm phục nghị lực làm kinh tế của vợ chồng lão nông đã ngoài 70 tuổi.

Ông Minh cho biết: "Trước đây gia đình tôi cũng thuộc diện hộ nghèo, cuộc sống rất khó khăn. Sau đó, tôi được tạo điều kiện vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng CSXH, thuộc chương trình giải quyết việc làm. Tôi đã đầu tư cải tạo khu vườn vốn bao năm chỉ trồng ngô, đỗ hiệu quả kinh tế thấp; tự tìm giống cây ăn quả bưởi da xanh, cam Canh, cam Vinh về trồng, từ đó giá trị kinh tế mỗi năm cao gấp hàng chục lần so với trước kia. Hai năm gần đây, bình quân mỗi năm gia đình thu được khoảng 8 tấn cam Canh, chưa kể các loại quả khác, trừ chi phí thu lãi từ 150 - 160 triệu đồng.

ảnh: Ông Hoàng Đại Minh, thôn Hát Luông, xã Kim Lư thường xuyên nuôi từ 4 - 6 con ngựa bạch được ông thả tự gặm cỏ trong vườn cây ăn quả mà không cần tốn nhân lực đi chăn dắt.
Ông Hoàng Đại Minh, thôn Hát Luông, xã Kim Lư thường xuyên nuôi từ 4 - 6 con ngựa bạch, thả trong vườn cây ăn quả, không tốn nhân lực chăn dắt.

Không chỉ trồng cây ăn quả, để tận dụng nguồn cỏ trong vườn, ông còn thường xuyên nuôi từ 4 - 6 con ngựa bạch. Vườn cây ăn quả chủ yếu do vợ chồng ông chăm sóc, các con cháu đều bận đi làm. Ông Minh cho biết: "Tuổi cao rồi, tính cách sao cho đỡ hao tổn sức mà vẫn hiệu quả kinh tế cao. Làm theo cách này bớt được nhiều công làm cỏ cho cây trồng, ngựa thì tối vẫn vào chuồng nhưng không cần buộc, để sáng ra chúng có thể tự ra gặm cỏ quanh những gốc cây ăn quả, chỉ thi thoảng mới phải cắt cỏ cho ăn thêm. Hai năm gần đây, vợ chồng tôi còn chuyển đổi hàng nghìn mét vuông đất ruộng để trồng cây sả cho Hợp tác xã Hương Ngàn... Từ việc sử dụng nguồn vốn đúng mục đích, có hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình, những năm trở lại đây gia đình tôi đã được thoát nghèo, có cuộc sống ổn định bền vững".

Ông Hoàng Văn Thái- Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Na Rì cho biết: Tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH thực sự là cầu nối giữa Nhà nước và Nhân dân, thông qua việc vay vốn hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh và các đối tượng chính sách khác, tạo thuận lợi cho nhiều hộ phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo bền vững. Năm 2021, toàn huyện có hơn 2.630 lượt hộ được vay vốn phát triển kinh tế với số tiền trên 114,8 tỷ đồng, chủ yếu cho vay các chương trình như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay giải quyết việc làm... giúp nhiều hộ có vốn đầu tư phát triển sản xuất; hỗ trợ cho hàng chục lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; trang trải chi phí học tập cho học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn... góp phần thực hiện các mục tiêu về giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Tổng dư nợ tín dụng đến 31/12/2021 của Phòng giao dịch NHCSXH huyện là hơn 329,2 tỷ đồng/5.929 hộ (chiếm 58,6% hộ dân trên toàn huyện). Trong năm 2021, có 10/17 xã không có nợ quá hạn, tăng 5 xã so với đầu năm; 5/17 xã không có nợ quá hạn và không có lãi tồn đọng, tăng 3 xã so với năm 2020./. 

Tùng Vân

Xem thêm