Pác Nặm từng bước chuyển đổi hoạt động mô hình quản lý chợ

Các chợ trên địa bàn huyện Pác Nặm hầu hết được đầu tư xây dựng từ nguồn ngân sách nhà nước. Qua nhiều năm khai thác sử dụng, đến nay một số chợ đã xuống cấp, thiếu kinh phí sửa chữa nâng cấp đặc biệt là chợ trâu, bò Nghiên Loan. Việc đầu tư, nâng cấp và chuyển đổi mô hình hoạt động của chợ đang được huyện Pác Nặm chú trọng thực hiện nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương.

Hiện nay, các chợ trên địa bàn huyện Pác Nặm đều là chợ hạng III, được đầu tư xây dựng kiên cố từ nguồn ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, một số chợ đã xuống cấp do qua nhiều năm khai thác sử dụng, kinh phí địa phương hạn hẹp, không bố trí được vốn đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời. UBND huyện đã triển khai thực hiện cải tạo, nâng cấp chợ trung tâm huyện để đạt chợ hạng II, đây là chợ đầu mối trung tâm của huyện có một phần các hộ kinh doanh hoạt động thường ngày, đến phiên thì hoạt động đông đúc hơn.

Các chợ khác được tổ chức họp theo phiên (5 ngày/phiên) đảm bảo cho các tư thương, hộ kinh doanh luân phiên đưa hàng hóa đến để trao đổi, mua bán. Hàng hóa tại các chợ trên địa bàn huyện cơ bản phong phú, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ Nhân dân. Các mặt hàng của địa phương chủ yếu là sản phẩm nông, lâm nghiệp và chăn nuôi, còn các mặt hàng khác chủ yếu được cung cấp từ thương lái, đại lý phân phối ở tỉnh và các tỉnh lân cận.

Chợ trâu, bò Nghiên Loan là chợ gia súc lớn nhất trong khu vực và tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Chợ trâu, bò  Nghiên Loan là chợ gia súc lớn nhất trong khu vực và tạo nguồn thu ngân sách cho địa phương.

Trên địa bàn huyện Pác Nặm có 02 chợ gia súc là chợ Công Bằng và chợ Nghiên Loan. Tuy nhiên, trong thời gian vừa qua, chợ trâu, bò xã Công Bằng hoạt động cầm chừng và có nguy cơ không còn hoạt động do các thương lái tập trung trâu, bò về chợ xã Nghiên Loan. Chợ trâu, bò xã Nghiên Loan được hình thành tự phát năm 1998 xuất phát từ nhu cầu mua bán trâu, bò của người dân địa phương với những thương lái đến từ tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Hà Giang và một số tỉnh miền xuôi như Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương...

Năm 2007 chợ Nghiên Loan tiếp tục được đầu tư xây dựng từ nguồn vốn Chương trình 135 bao gồm các hạng mục đình chợ, đường vào chợ. Năm 2014, chợ được đầu tư mở rộng, san nền khu vực dành riêng cho buôn bán trâu. Diện tích chợ hiện là 1,1ha; mỗi tháng 5 phiên và mỗi phiên diễn ra từ ngày hôm trước đến hết ngày hôm sau (họp chợ 3 ngày liên tiếp). Số lượng trâu, bò trao đổi tại chợ trung bình khoảng 800 - 1.000 con/phiên, cao điểm 1.300 - 1.500 con/phiên.

Chợ trâu, bò xã Nghiên Loan là một trong những chợ trâu, bò lớn nhất của khu vực này, diện tích không đáp ứng được yêu cầu. Các tư thương buôn bán đã tự ý tập kết trao đổi trâu, bò, xe vận chuyển ngay trên ĐT.258B làm ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường và công tác kiểm soát dịch bệnh. Chợ luôn quá tải lượng trâu, bò từ các tỉnh, thành phố khác đến ngày một tăng cao, các phương tiện vận tải, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, sân bãi, tập kết, chuyên chở... để giao thương, trao đổi mua bán đều không đáp ứng với thực tế cấp thiết hiện nay. Thời gian qua, do tình hình dịch bệnh viêm da nổi cục và dịch Covid-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc kinh doanh, mua bán trên địa bàn huyện, do vậy chợ trâu, bò Nghiên Loan phải ngừng hoạt động…

Trong công tác quản lý hiện nay, huyện Pác Nặm thực hiện quản lý chung và  thành lập 01 đơn vị sự nghiệp là Ban quản lý chợ và bến xe huyện để tổ chức quản lý đối với chợ trung tâm huyện. Đối với chợ xã, UBND huyện giao cho UBND xã tổ chức thành lập Ban quản lý hoặc Tổ quản lý theo hình thức kiêm nhiệm hoặc hợp đồng lao động để tổ chức quản lý, vận hành.

Huyện Pác Nặm đã thực hiện Đề án chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn theo Quyết định số 2332/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 của UBND tỉnh và Quyết định số 15/QĐ-UBND ngày 24/6/2016 của UBND tỉnh ban hành Quy chế chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; Quyết định số 555/QĐ-UBND ngày 27/4/2017 của UBND tỉnh về phê duyệt kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ năm 2017 và giai đoạn 2018 - 2020 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn.

Năm 2018, huyện Pác Nặm chuyển đổi 03 chợ; năm 2019 - 2020, chuyển đổi 03 chợ. Cơ chế quản lý tài chính đối với các chợ như: Đối với các hộ kinh doanh thường xuyên, cố định lập sổ bộ, liệt kê danh sách các hộ kinh doanh để theo dõi công tác thu phí dịch vụ hằng tháng, mức thu theo diện tích bán hàng thực tế của các hộ kinh doanh. Đối với cá hộ kinh doanh vãng lai không thường xuyên, không ổn định, hằng ngày đơn vị tổ chức thu theo vé dịch vụ có mệnh giá. Việc thu dịch vụ sử dụng diện tích bán hàng tại các chợ trên địa bàn và căn cứ thu, mức thu giá dịch vụ, kết quả thu, tỷ lệ trích nộp ngân sách nhà nước.

Trong quá trình chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác và kinh doanh chợ tại huyện Pác Nặm còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là trong công tác định giá tài sản chợ, chuyển giao tài sản chợ, đấu thầu lựa chọn đơn vị quản lý, khai thác và kinh doanh chợ. Bên cạnh đó, việc cấp giấy CNQSDĐ, hồ sơ xây dựng chợ bị thất lạc, các chợ trên địa bàn huyện hoạt động theo phiên nên thời gian hoạt động ngắn, số lượng tiểu thương đến trao đổi hàng hóa vào các phiên chợ nhỏ lẻ, giao thương hạn chế…

Đồng chí Ma Văn Tuấn- Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Một số chợ chưa có kinh phí sửa chữa nâng cấp những hạng mục phụ trợ đã xuống cấp như: Hệ thống PCCC; nhà vệ sinh công cộng; hệ thống điện, nước chưa có... Do đó, huyện đề nghị cấp trên tiếp tục có chủ trương đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi mô hình quản lý chợ theo văn bản của UBND tỉnh đã ban hành, đồng thời hỗ trợ, phân bổ kinh phí nâng cấp, mở rộng, cải tạo một số hạng mục hạ tầng của một số chợ đã xuống cấp và xem xét chỉnh sửa, điều chỉnh mức thu phí tại chợ theo quyết định của tỉnh./.

Nguyễn Nghĩa

Xem thêm