Hiệu quả chuỗi liên kết sản xuất ở Na Rì

Nhằm phát huy tốt lợi thế, tiềm năng sản xuất nông nghiệp, huyện Na Rì định hướng sản xuất hàng hóa tập trung theo nhu cầu thị trường, gắn kết chặt chẽ sản xuất với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây giúp người dân xã Trần Phú nâng cao thu nhập.

Mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ khoai tây giúp người dân xã Trần Phú nâng cao thu nhập.

Vụ đông vừa qua, gia đình chị Phan Thị Vui, thôn Khuổi A, xã Trần Phú là một trong số 90 hộ dân được HTX Bình Minh lựa chọn để thực hiện dự án liên kết trồng cây khoai tây. Đây là năm thứ 2, gia đình chị tham gia dự án theo chuỗi liên kết trồng và bao tiêu sản phẩm.

Chị Vui cho biết: “Tham gia dự án, tôi được hỗ trợ kỹ thuật, quy trình chăm sóc, các hộ còn thường xuyên trao đổi kinh nghiệm, nên không còn lúng túng trong việc chăm sóc, xử lý sâu bệnh cho cây khoai tây. Vụ đông năm nay, do thời tiết mưa rét kéo dài, ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây nên năng suất khoai tây không cao như vụ trước, nhưng so với trồng lúa thì hiệu quả kinh tế cao gấp 2 đến 3 lần. Năm nay, gia đình tôi trồng 1.000m2 khoai tây, thu hoạch được hơn 1 tấn, HTX Bình Minh thu mua với giá 6.000 đồng/kg, ước tính gia đình tôi thu về khoảng 5 triệu đồng. Đây là mô hình thâm canh tăng vụ cho hiệu quả kinh tế khá cao, giúp nâng cao thu nhập”.

Năm 2021, huyện Na Rì thực hiện 4 mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, gồm: Trồng cây khoai tây tại xã Trần Phú; trồng dược liệu tại xã Cường Lợi, trồng gừng ở xã Đổng Xá và trồng dong riềng ở xã Côn Minh. Tổng diện tích thực hiện hơn 64ha. Các mô hình liên kết theo chuỗi được phối hợp chặt chẽ với các đơn vị bao tiêu sản phẩm. Cụ thể, cây khoai tây được HTX Bình Minh thu mua với giá 6.000 đồng/kg; cây dược liệu được HTX Văn Lang HT tiêu thụ; dong riềng cung cấp cho HTX Tài Hoan với giá 2.000 đồng/kg củ; cây gừng do Công ty TNHH Việt Nam MISAKI bao tiêu với giá 7.000 đồng/kg. Việc liên kết chặt chẽ từ khâu sản xuất đến bao tiêu sản phẩm đã khiến người dân tin tưởng và hưởng ứng. Năm 2022, huyện tiếp tục thực hiện mô hình liên kết sản xuất và tiêu thụ dong riềng ở xã Côn Minh, trồng gừng ở xã Đổng Xá.

Đồng chí Hoàng Thị Thu Nguyệt- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì cho biết: Năm 2021, từ nguồn vốn sự nghiệp kinh tế huyện, Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Phòng Nông nghiệp đã triển khai hỗ trợ thực hiện các mô hình phát triển sản xuất. Kết quả đánh giá các mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp bà con nông dân nâng cao thu nhập, như: Khoai tây năng suất ước đạt 10 tấn/ha, người dân có thu nhập 60 triệu đồng/ha; gừng năng suất đạt 353 tạ/ha, người dân có thu nhập 240 triệu đồng/ha… Để tiếp tục phát huy giá trị cây trồng, mang lại hiệu quả cao, hướng người dân sản xuất một cách khoa học, huyện tiếp tục thu hút doanh nghiệp liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Đây là định hướng lâu dài để Na Rì từng bước tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.

Huyện Na Rì có diện tích đất sản xuất nông nghiệp lớn. Để phát triển đa dạng các mô hình sản xuất, phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh địa phương, huyện cần có nhiều giải pháp sáng tạo hơn nữa nhằm khuyến khích người dân tham gia. Đồng thời có nhiều hình thức thu hút doanh nghiệp vào đầu tư liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Khi đã hình thành được mô hình liên kết, các HTX, doanh nghiệp cần thực hiện theo đúng hợp đồng cam kết với người dân, thì mới tạo niềm tin trong dân để triển khai các mô hình tiếp theo. Người dân cũng phải mạnh dạn thay đổi tư duy, chú trọng sản xuất để tạo vùng hàng hóa ổn định./.

Đồng Lai

Xem thêm