Vườn dâu tây thanh niên ở Ngân Sơn

4 thanh niên khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương đã mạnh dạn góp vốn, thuê đất và trồng dâu tại thôn Bản Đăm, xã Đức Vân (Ngân Sơn). Tuy mới là vụ đầu nhưng vườn dâu đã mở hướng triển vọng cho con đường khởi nghiệp của 04 thanh niên, trở thành địa điểm thu hút khách du lịch đến trải nghiệm, chụp ảnh trong tua du lịch hồ Bản Chang - vườn dâu.

Diện tích 4.000m2 trồng dâu tây lứa đầu của 04 thanh niên đã bắt đầu cho thu hái quả.
Diện tích 4.000m2 trồng dâu tây lứa đầu của 04 thanh niên đã bắt đầu cho thu hái quả.

Dẫn chúng tôi đi thăm vườn dâu rộng 8.000m2, thanh niên Triệu Trần Vĩnh chia sẻ: Vườn dâu này là của 04 người góp vốn, chúng tôi đều học xong lớp 12 và đi nghĩa vụ quân sự, công an trở về. Sau nhiều lần ngồi bàn về làm gì để có thu nhập thì cả 4 người lựa chọn trồng dâu Hana Nhật Bản bởi khí hậu tại địa phương lạnh sâu, thuận đường giao thông nên có thể trồng dâu gắn với du lịch trải nghiệm vì hồ Bản Chang không xa. Để có thành quả bước đầu này cũng nhờ sự hỗ trợ, tư vấn của Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Thành Đạt, xã Hiệp Lực về kỹ thuật, giống, quy trình chăm sóc, vì chúng tôi đều không có chuyên môn, chỉ tự học qua các kênh thông tin trên mạng xã hội.

Vườn dâu được trồng thành 02 đợt, mỗi đợt 4.000m2 để gối vụ. Sau 4 tháng chăm sóc, dâu phát triển khá tốt. Hiện lứa quả đầu tiên đã bắt đầu chín và ngọt hơn sự kỳ vọng. Để giảm sức lao động, tiết kiệm thời gian toàn bộ hệ thống tưới được nhóm thanh niên đầu tư đồng bộ ống dẫn ngầm và phủ ni lông hạn chế cỏ mọc, tạo độ ẩm. Phân bón được sử dụng hoàn toàn sinh học, bình ủ phân lớn kèm lọc rồi dẫn đến từng cây dâu đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nhìn vườn dâu rộng mênh mông, bởi chưa có điều kiện xây dựng nhà kính nên nhóm thanh niên dùng cây uốn cong rồi phủ ni lông theo từng luống để hạn chế sương muối. Những hàng dâu xanh mướt, tươi tốt, xung quanh được phát cỏ sạch sẽ là kết quả của sự đồng lòng, chung ý chí của 4 thanh niên thực hiện mục tiêu khởi nghiệp, có khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.

Anh Vĩnh cho biết thêm: Bởi làm chung nên mỗi ngày chúng tôi phân công công việc rõ ràng để tăng hiệu suất làm việc và mỗi người phụ trách từng quy trình như ủ phân, thời gian bón phân, tưới nước, phát cỏ, quảng bá... Không được học hành bài bản về chuyên ngành trồng trọt nên quá trình chăm sóc dâu ban đầu gặp không ít khó khăn, chủ yếu tự mày mò thông tin trên mạng xã hội, qua hình ảnh, video về cách chăm sóc dâu.

Trồng dâu trên địa bàn huyện Ngân Sơn vẫn là mô hình khá mới, vì vậy 4 thanh niên mở cửa miễn phí vườn dâu cho du khách tham quan, trải nghiệm hái dâu, đồng thời để thu hút khách các thanh niên tự thiết kế, xây dựng các điểm chụp ảnh như xích đu, chòi…

Xác định để phát triển kinh tế mang tính bền vững, đa dạng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, trong năm 2022 bốn thanh niên sẽ kết hợp với tổ trồng rau trên địa bàn xã thành lập hợp tác xã và đăng ký sản phẩm dâu tây thành sản phẩm OCOP của địa phương. Sau đợt dâu đầu tiên có kết quả, nếu sản lượng đạt thì dự kiến trong năm tới nhóm thanh niên xây dựng ý tưởng vay vốn làm nhà kính và mở rộng diện tích trồng dâu tây, bởi quỹ đất xung quanh còn khá nhiều mà người dân nơi đây chỉ trồng lúa một vụ rất thuận lợi cho việc thuê đất. Đồng thời, ươm giống để bán cho khách hàng có nhu cầu.

Điều khó đối với các thanh niên làm chủ vườn dâu là thiếu nguồn vốn, kỹ thuật chăm sóc cây trồng. Anh Lý Văn Vũ chia sẻ: Khởi nghiệp trồng dâu chúng tôi mỗi người góp 100 triệu đồng để đầu tư cây giống, phân bón, vật tư, thuê nhân công. Chúng tôi mong muốn được các cấp ngành chuyên môn hướng dẫn kỹ thuật; định hướng quảng bá sản phẩm bởi kênh quảng cáo duy nhất bọn em đang sử dụng là mạng facebook; tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để đầu tư xây dựng nhà kính…/.

Hà Nhung

Xem thêm