Sản xuất, kinh doanh hàng nông sản an toàn

Nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm; đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn, tỉnh Bắc Kạn đã triển khai thực hiện Kế hoạch "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2022 - 2025".

Sản xuất hàng thực phẩm nông sản ở Bắc Kạn đang phát triển mạnh, tạo ra nhiều thương hiệu có uy tín trên thị trường, có sức tiêu thụ lớn, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo chuỗi giá trị gia tăng. Các sản phẩm là thực phẩm nông sản được sản xuất, chế biến ngày càng nhiều chủng loại trên địa bàn tỉnh. Cụ thể như miến dong, phở khô, bún khô, Cucumin nghệ, quả cam, quýt, hồng không hạt, gạo Bao thai Chợ Đồn, gạo Japonica, Khẩu Nua Lếch Ngân Sơn… đều đã có thương hiệu và tiêu thụ mạnh. Vấn đề là quản lý chất lượng hàng nông sản như thế nào để đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP).

Vịt bầu cổ xanh ở xã Thanh Mai (Chợ Mới) được chăm sóc theo quy trình ATTP.
Vịt bầu cổ xanh ở xã Thanh Mai (Chợ Mới) được chăm sóc theo quy trình ATTP.

Thực tế cho thấy, việc sử dụng các chất phụ gia trong sản xuất nông sản, thực phẩm đang trở nên phổ biến, gây ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng. Để kiểm soát những mặt hàng thực phẩm nông sản đảm bảo chất lượng, trước hết vì quyền lợi người tiêu dùng, sau đó là bảo vệ nền sản xuất, chế biến hàng nông sản của tỉnh, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch thực hiện "Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2022 - 2025". Mục tiêu là nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân tham gia sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm; đấu tranh, ngăn chặn việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn, loại trừ hoàn toàn hiện tượng phân biệt sản xuất để ăn với để bán. Kịp thời phát hiện, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; đấu tranh, lên án, đề xuất xử lý các hành vi vi phạm. Phát huy vai trò các cấp hội và hội viên Hội Nông dân Việt Nam, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, các cơ quan truyền thông như Báo Bắc Kạn, Đài PT – TH tỉnh, trong tuyên truyền, vận động, thực hiện và giám sát việc bảo đảm an toàn thực phẩm.

Theo đó, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể triển khai thực hiện tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm tuân thủ pháp luật của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn; ngăn chặn việc sản xuất nông sản thực phẩm không an toàn. Đồng thời, thúc đẩy việc áp dụng và nhân rộng các mô hình, quy trình sản xuất tiên tiến; phát triển sản xuất, cung ứng nông sản thực phẩm an toàn theo chuỗi; ngăn chặn tình trạng lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng, hóa chất, kháng sinh và chất cấm trong sản xuất nông sản thực phẩm, làm sạch và bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhân rộng, phát triển, quảng bá các mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản an toàn trên địa bàn tỉnh.

Cụ thể, Hội Nông dân, Hội Phụ nữ tỉnh đã xây dựng kế hoạch, nội dung tập huấn về kiến thức về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn, trong đó chú trọng sản xuất, kinh doanh theo chuỗi với các hình thức hợp tác, liên kết đa dạng; các quy định của Nhà nước về sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn cho các đối tượng là cán bộ hội các cấp. Phối hợp tuyên truyền và vận động các tổ chức, cá nhân ký cam kết và thực hiện sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn

Sở NN&PTNT, Sở Công thương chủ động phổ biến, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện chính sách hỗ trợ xây dựng, kết nối cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn với nhà phân phối, tiêu thụ sản phẩm. Tổ chức hỗ trợ kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm của các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản thực phẩm an toàn. Lực lượng Quản lý thị trường và Sở Y tế tăng cường thanh tra, kiểm tra quản lý thị trường, phòng chống buôn lậu, hàng giả và thực phẩm không an toàn. Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn việc sử dụng hóa chất, phụ gia trong bảo quản, chế biến kinh doanh nông sản thực phẩm, cảnh báo sự cố ngộ độc thực phẩm, giáo dục pháp luật về an toàn thực phẩm.

Về phía người tiêu dùng cũng cần quan tâm nhiều hơn đến chất lượng hàng hóa, đặc biệt chất lượng thực phẩm; chặt chẽ và thận trọng trong lựa chọn sản phẩm, chỉ mua sản phẩm rõ nguồn gốc. Kịp thời phát hiện, cung cấp thông tin, lên án, tẩy chay những cơ sở sản xuất, kinh doanh không bảo đảm ATTP, tạo sức ép đến nhà sản xuất, kinh doanh cũng như nhà quản lý nhằm đảm bảo sự ATTP cho cộng đồng.

Để nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân sản xuất hàng nông sản thực phẩm, ngoài tập huấn, hướng dẫn các quy định của Nhà nước cho nhà sản xuất, cần giám sát chặt chẽ, khắt khe chất lượng nông, lâm, thủy sản, thực phẩm; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi nhất để công nghiệp sản xuất sạch phát triển. Trong đó, chú trọng phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất nông sản thực phẩm bảo đảm an toàn theo đúng tiêu chuẩn được các cơ quan chức năng đánh giá, chứng nhận. Khuyến khích người sản xuất tự công bố chất lượng mặt hàng, đề cao đạo đức trong sản xuất, kinh doanh, với phương châm vì sự an toàn cho người tiêu dùng sẽ đóng vai trò chủ đạo trong quyết định chất lượng, thương hiệu hàng hóa./.

                                                                    Phan Quý

Xem thêm