Ngân Sơn phát triển kinh tế rừng trồng gắn với chế biến gỗ

Để khuyến khích, đẩy mạnh phát triển kinh tế lâm nghiệp, nhất là chế biến gỗ rừng trồng, huyện Ngân Sơn đã triển khai nhiều giải pháp, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất phát triển, tạo việc làm ổn định, tăng thu nhập cho lao động địa phương.

Hoạt động sản xuất gỗ bóc tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.
Hoạt động sản xuất gỗ bóc tạo việc làm ổn định cho nhiều lao động địa phương.

Tranh thủ mùa khô và dịp cuối năm, người dân trên địa bàn huyện tập trung khai thác gỗ rừng trồng nên trữ lượng gỗ chở về xưởng nhiều hơn, hoạt động sản xuất chế biến cũng trở nên tấp nập, nhộn nhịp. Ông Bàn Văn Lập- Chủ Cơ sở chế biến gỗ bóc tại xã Vân Tùng cho biết: Cơ sở sản xuất ván bóc và gỗ xẻ, hầu hết lượng gỗ chế biến tại xưởng được thu mua từ các rừng trồng đến tuổi khai thác của bà con trong huyện. Quy mô, công suất xưởng lớn nên lượng việc cơ bản nhiều, giải quyết việc làm ổn định cho khoảng 8 - 10 lao động địa phương, chưa kể lao động thời vụ có lúc lên đến 20 người, bình quân thu nhập công nhân từ 250.000 đồng/ngày trở lên. Tuy nhiên, việc làm cho người lao động phụ thuộc nhiều vào thị trường tiêu thụ, nguyên liệu và yếu tố thời tiết. Để đảm bảo an toàn trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 phức tạp, công nhân làm việc tại xưởng được yêu cầu hạn chế đi lại khi tan ca.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Ngân Sơn có 23 cơ sở chế biến gỗ bóc, tập trung nhiều ở xã Đức Vân, Vân Tùng, thị trấn Nà Phặc; quy mô sản xuất và máy móc tương đối lớn, hiện đại. Mỗi cơ sở bình quân tạo việc làm cho khoảng 10 lao động, chưa kể người dân xung quanh nhận ván bóc về phơi, công việc không quá vất vả, có thêm thu nhập mà có thể tranh thủ làm việc gia đình.

Đồng chí Bùi Đức Hạnh- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Ngân Sơn cho biết: Các xưởng chế biến gỗ bóc trên địa bàn huyện đã và đang phát huy hiệu quả, không chỉ tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương mà còn tăng giá trị kinh tế rừng trồng. Hằng năm, đội liên ngành phối hợp với chính quyền địa phương thường xuyên tổ chức kiểm tra các xưởng chế biến lâm sản về nguồn gốc các loại gỗ, thuế…, yêu cầu các cơ sở thực hiện đầy đủ những quy định về an toàn lao động, bảo vệ môi trường. Riêng trong năm 2021, Hạt Kiểm lâm huyện đã theo dõi, giám sát, thống kê việc khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ trên địa bàn huyện được hơn 38.000m3 gỗ rừng trồng và gỗ tự nhiên mọc xen rừng trồng.

Huyện Ngân Sơn hiện có hơn 10.000ha rừng trồng, trong đó có khoảng 30% diện tích đang đến tuổi khai thác, chủ yếu là thông, mỡ. Xác định phát triển kinh tế rừng là một trong những thế mạnh của địa phương, góp phần giảm nghèo bền vững, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Ngân Sơn nhiệm kỳ 2020 – 2025 đặt ra mục tiêu trồng rừng mỗi năm 350ha trở lên, tỷ lệ che phủ rừng đạt 67%, diện tích trồng rừng cây gỗ lớn 220ha/năm. Đây là nguồn nguyên liệu dồi dào cho các cơ sở chế biến lâm sản trên địa bàn hoạt động sản xuất ổn định, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho lao động địa phương. Huyện định hướng phát triển sản xuất lâm nghiệp theo hướng bền vững, hiệu quả; thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác, bảo vệ rừng, khuyến khích, kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến lâm sản, khuyến khích thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác để hỗ trợ người dân dịch vụ đầu vào, đầu ra cho sản phẩm rừng trồng; phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ một số diện tích rừng trồng được cấp chứng chỉ FSC…

Với diện tích đất lâm nghiệp lớn cùng với những định hướng đúng đắn trong phát triển kinh tế đồi rừng gắn với chế biến tại chỗ đang là giải pháp phát triển kinh tế mang tính bền vững của huyện Ngân Sơn. Qua đó vừa tận dụng được nguồn nguyên liệu tại chỗ, vừa giải được bài toán về lao động, việc làm, góp phần giúp địa phương thực hiện có hiệu quả các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới./.

Hà Nhung

Xem thêm