Hội nghị đánh giá kết quả ngành Nông lâm nghiệp năm 2021 và kết quả thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp

Chiều 13/01, UBND tỉnh tổ chức họp đánh giá kết quả sản xuất nông, lâm nghiệp; kết quả thực hiện năm 2021 Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2030. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa chủ trì Hội nghị. Tham dự có lãnh đạo một số sở, ban, ngành của tỉnh.

Ngành nông nghiệp triển khai thực hiện kế hoạch năm 2021 với nhiều khó khăn, thách thức, do tiếp tục chịu tác động của dịch bệnh trên đàn gia súc, đặc biệt là dịch tả lợn châu Phi, bệnh viêm da nổi cục; mặt khác giá vật tư nông nghiệp tăng cao đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp…

Song, nhờ nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, triển khai quyết liệt cơ cấu lại ngành gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng nên sản xuất nông, lâm nghiệp đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào tăng trưởng, phát triển kinh tế chung của tỉnh.

Tổng giá trị gia tăng ngành Nông, lâm nghiệp, thuỷ sản theo giá hiện hành đạt 4.053.381 triệu đồng; theo giá so sánh năm 2010 đạt 2.202.703 triệu đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản năm 2021 đạt 3,6%, đạt 103% kế hoạch.

Công tác phát triển rừng tiếp tục được quan tâm chỉ đạo trồng, chăm sóc, khoanh nuôi tái sinh rừng và nâng cao chất lượng rừng trồng; khuyến cáo các tổ chức, cá nhân trồng rừng gỗ lớn theo hướng thâm canh, chuyển hóa rừng kinh doanh gỗ nhỏ sang gỗ lớn. Diện tích trồng rừng đạt 5.156 ha, diện tích sau nghiệm thu 5.134 ha, đạt 144% kế hoạch.

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu kết luận tại Hội nghị.

Thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2020 - 2025, tầm nhìn đến 2030, Bắc Kạn đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn thực hiện Đề án. Trong năm 2021, cơ quan chuyên môn, UBND các huyện, thành phố đã ban hành một số văn bản thuộc thẩm quyền quản lý và tham mưu cho cấp trên ban hành đầy đủ các loại văn bản chỉ đạo, điều hành, là căn cứ để cơ quan chuyên môn triển khai, thực hiện nội dung của nghị quyết, đề án trong giai đoạn 2020 - 2025.

Thảo luận tại Hội nghị, các đại biểu cho rằng, diện tích đất sản xuất nông nghiệp giảm dần qua các năm nên khó khăn trong việc mở rộng diện tích trồng mới cây ăn quả, cây chè. Hiện nay diện tích đất canh tác phần lớn là nhỏ lẻ, manh mún nên việc xây dựng mô hình gặp nhiều khó khăn. Do đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, vì vậy nguồn lực cơ bản tập trung cho công tác phòng, chống dịch bệnh nên nguồn kinh phí dành cho việc triển khai thực hiện các kế hoạch thực hiện Đề án còn hạn chế… 

Hội nghị đã nhất trí thực hiện một số chỉ tiêu năm 2022, như: Tốc độ tăng trưởng ngành Nông, lâm nghiệp, thủy sản 3,5%; lương thực bình quân đầu người 500kg/người/năm; diện tich trồng cây chất bột 1.351 ha; cây ăn quả 7.508 ha, trong đó cho thu hoạch 5.060 ha; sản lượng thịt hơi các loại 24.900 tấn; sản lượng thủy sản 2.645 tấn; trồng rừng 4.000 ha; có thêm 08 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 02 đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; thêm 20 sản phẩm OCOP đạt 3 sao...

Kết luận Hội nghị, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đánh giá, trong năm 2021, ngành Nông nghiệp đã khắc phục khó khăn, thực hiện tốt các mục tiêu kế hoạch đề ra. Là lĩnh vực duy nhất của tỉnh vượt kế hoạch tăng trưởng với 3,6%, cao hơn mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên vẫn còn những khó khăn, một số sản phẩm lợi thế chưa phát huy được hiệu quả như mong muốn. Thực hiện quyết liệt các mục tiêu nhiệm vụ năm 2022: Tăng cường công tác quản lý giống; thúc đẩy mạnh hơn liên kết sản xuất.

Đối với Đề án cơ cấu lại ngành Nông nghiệp, thực hiện Nghị quyết số 10, thực hiện Đề án, đề nghị Sở NN&PTNT tham mưu kế hoạch cụ thể để thực hiện từng nhiệm vụ trong năm 2022, hoàn thành trước ngày 15/2. Tiếp tục rà soát, đánh giá một cách cụ thể về việc thực hiện phát triển chăn nuôi đàn lợn của Đề án theo hướng gia trại, trang trại. Cần rà soát lại các chính sách trong triển khai thực hiện Đề án, nhất là chính sách phát triển rừng; có thêm chính sách của địa phương, thực hiện bằng nguồn của địa phương. Tăng cường trách nhiệm của cán bộ làm công tác chỉ đạo sản xuất; cần có quy hoạch vùng nguyên liệu, vùng sản xuất, chế biến; tăng cường xúc tiến thương mại; bố trí nguồn lực phù hợp để thực hiện. Các đơn vị tập trung triển khai thực hiện, phấn đấu thực hiện tốt mục tiêu kế hoạch năm 2022 đã đề ra./.

P – Q

Xem thêm