Hiệu quả chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở Na Rì

Nhằm nâng cao giá trị sử dụng đất, phù hợp với điều kiện thực tiễn, vài năm trở lại đây, nông dân huyện Na Rì đã chuyển đổi diện tích đất trồng lúa, ngô sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tăng thu nhập và giảm nghèo.

Diện tích trồng cam của gia đình bà Hoàng Thị Hoa được chuyển đổi từ đất lúa.

Diện tích trồng cam của gia đình bà Hoàng Thị Hoa được chuyển đổi từ đất lúa.

Là hộ tiên phong chuyển đổi cây trồng tại thôn Nà Hin, thị trấn Yến Lạc, hiện gia đình bà Nông Thị Hoa có hơn 600 cây ăn quả, mỗi năm thu nhập hàng trăm triệu đồng. Bà Hoa cho biết: “Nhận thấy trồng lúa trên những chân ruộng một vụ kém hiệu quả, từ năm 2015 gia đình tôi đã chuyển đổi toàn bộ diện tích sang trồng cam Đường Canh. Vườn cam cho thu hoạch 4 năm nay. Riêng năm 2021, gia đình thu hoạch được hơn 10 tấn cam, thu nhập sau khi trừ chi phí đạt 150 triệu đồng. Một vụ cam đã có thể mua hàng chục tấn thóc cho cả gia đình trong vài năm”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Na Rì có hàng trăm hộ gia đình có thu nhập cao từ cây ăn quả. Từ năm 2018, người dân tích cực chuyển đổi đất trồng lúa sang mở rộng diện tích cây ăn quả như: Cam Xã Đoài, cam Đường Canh, quýt, bưởi da xanh, bưởi Diễn, hồng không hạt… Theo thống kê, trong 4 năm qua, toàn huyện chuyển đổi được hơn 190ha đất lúa sang trồng các loại cây khác, một nửa trong số đó là cây ăn quả. Qua đó góp phần nâng tổng diện tích cây ăn quả của toàn huyện lên hơn 800ha. Ngoài ra, bà con cũng chuyển diện tích đất trồng lúa, ngô kém hiệu quả sang trồng các cây trồng hằng năm có giá trị kinh tế cao hơn như: Dong riềng, thạch đen, dược liệu, rau…

Từ năm 2020, nhiều diện tích ruộng ở thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư đã được chuyển đổi sang trồng rau màu. Ông Trần Đức Hỏi- Bí thư Chi bộ thôn chia sẻ: "Năm 2020, bà con trong thôn chuyển đổi khoảng 1ha đất trồng lúa sang trồng rau màu như: Bắp cải, súp lơ, su hào, dưa…, thị trường tiêu thụ thuận lợi giúp bà con có thu nhập khá cao. Nếu trồng lúa thì 1.000m2 ruộng chỉ thu được hơn 5 tạ thóc, quy ra tiền một năm thu được khoảng 10 triệu đồng, nhưng trồng rau hiệu quả cao gấp 3 - 4 lần. Năm 2021, toàn thôn có hơn 2ha rau màu trồng trên đất ruộng".

Việc chuyển đổi từ gieo cấy lúa sang trồng rau ở thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư mang lại hiệu quả cao.

Việc chuyển đổi từ gieo cấy lúa sang trồng rau ở thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư mang lại hiệu quả cao.

Để tạo điều kiện cho người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả, hằng năm, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện thường xuyên tổ chức tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, đào tạo nghề lao động nông thôn. Trong năm 2021, huyện phối hợp tổ chức được 10 lớp tập huấn hỗ trợ bà con về kỹ thuật gieo trồng và sản xuất.

Cùng với đó, huyện chỉ đạo các xã, thị trấn căn cứ vào điều kiện tự nhiên từng vùng để tuyên truyền, định hướng người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, luân canh hoặc thâm canh tăng vụ các cây trồng phù hợp. Đến nay, huyện đã hình thành các vùng sản xuất tập trung như: Trồng dong riềng ở các xã Côn Minh, Cư Lễ, Quang Phong, Trần Phú; trồng dược liệu ở Văn Lang, Văn Minh, Cường Lợi; trồng thạch đen ở Văn Vũ; trồng cây ăn quả ở Liêm Thủy, Kim Lư, thị trấn Yến Lạc… 

Đồng chí Hoàng Thị Thu Nguyệt- Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Rì cho biết: Thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng giá trị gia tăng và phát triển bền vững, Phòng đã tham mưu cho UBND huyện quy hoạch các vùng sản xuất; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp đầu tư, liên kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp. Huyện đã hình thành một số mô hình liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm hiệu quả như: Liên kết trồng cây dong riềng giữa các cơ sở chế biến trên địa bàn xã Côn Minh, Cư Lễ, Văn Lang với người dân; liên kết sản xuất và tiêu thụ cây gừng tại các xã Đổng Xá, Quang Phong, Côn Minh với Công ty TNHH Việt Nam MISAKI; liên kết sản xuất và tiêu thụ cây dược liệu ở xã Văn Lang, Văn Minh, Cường Lợi với HTX Văn Lang HT, HTX Bảo Châu; liên kết sản xuất và tiêu thụ nghệ nếp ở xã Văn Vũ với HTX Nông nghiệp Tân Thành… Thời gian tới huyện sẽ tiếp tục nhân rộng các mô hình hiệu quả đã triển khai, đồng thời tiếp tục lựa chọn những mô hình mới phù hợp./.

Đồng Lai

Xem thêm