Chuẩn bị các điều kiện sản xuất vụ xuân

Với mục tiêu thực hiện hiệu quả kế hoạch sản xuất nông, lâm nghiệp năm 2022, ngay từ cuối năm 2021, UBND tỉnh Bắc Kạn đã chỉ đạo các cấp, ngành chức năng chủ động chuẩn bị các điều kiện để tập trung sản xuất vụ xuân.

Máy cày dịch vụ làm đất trên cánh đồng Bản Cáu, xã Đồng Thắng (Chợ Đồn).
Máy cày dịch vụ làm đất trên cánh đồng Bản Cáu, xã Đồng Thắng (Chợ Đồn).

Theo kế hoạch, vụ xuân năm 2022, toàn tỉnh phấn đấu gieo cấy 16.984ha lúa và ngô, trong đó ưu tiên phát triển các giống chất lượng cao phù hợp với điều kiện sinh thái và trình độ canh tác của người dân trong tỉnh; diện tích gieo trồng cây chất bột 1.351ha; diện tích trồng rau, đậu các loại  1.922ha; diện tích cây công nghiệp ngắn ngày như đậu tương, cây lạc, cây thuốc lá, gừng, cây nghệ, cây mía 1.769ha… Góp phần đảm bảo đạt mục tiêu về tổng sản lượng lương thực có hạt năm 2022 là 178.024 tấn; đưa tốc độ tăng trưởng GDP ngành nông, lâm nghiệp năm 2022 đạt 3,5%.

Trên cơ sở Phương án sản xuất vụ xuân năm 2022 của UBND tỉnh, Sở NN&PTNT đã đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn tập trung triển khai thực hiện tốt một số nội dung như: Khuyến cáo bà con nông dân tuân thủ đúng thời vụ và cơ cấu giống gieo trồng. Đối với cây lúa, thời gian gieo mạ xung quanh tiết lập xuân, lưu ý áp dụng biện pháp làm mạ có che phủ nilon để chống rét; phấn đấu cấy tập trung trong tháng 2, đầu tháng 3, kết thúc gieo cấy trước ngày 15/3/2022.

Bố trí các nhóm giống lúa có cùng thời gian sinh trưởng theo từng vùng sản xuất để thuận lợi cho chăm sóc, quản lý sâu bệnh và thu hoạch. Cụ thể như các nhóm giống Khang dân 18, Japonica VAAS16 (QJ4), Việt Lai 20, Hà Phát 3, Nhị ưu 838, 27P31, Ly 2099, Sán ưu 63 (Tạp giao 1), Japonica J02... Các địa phương cần chú ý trong việc xác định vùng sản xuất cho phù hợp, không đưa vào sản xuất tại các vùng có điều kiện thời tiết đặc thù thường xuyên có bệnh đạo ôn xuất hiện, gây hại; thường xuyên kiểm tra, khuyến cáo người dân biện pháp phòng trừ; khuyến cáo người dân sản xuất khi có hợp đồng liên kết tiêu thụ.

Đối với cây ngô đất ruộng, soi bãi bắt đầu trồng từ giữa tháng 2, trồng xong trước 15/3; đất đồi bắt đầu trồng từ đầu tháng 3, xong trước 30/4. Sử dụng các giống lai có năng suất cao như: NK4300, CP511, Biosed 9698, AG59, HN68, HN88, NK4300 Bt/GT, NK 7328 để sản xuất ngô sinh khối. Không sử dụng các giống ngô biến đổi gen cho sản xuất hữu cơ. Các loại cây trồng đều được cán bộ chuyên môn hướng dẫn cụ thể, đảm bảo kết thúc gieo trồng trước tháng 3, đồng thời, tăng cường liên kết sản xuất theo quy trình sản xuất an toàn, sản xuất được chứng nhận như VietGAP, hữu cơ.

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra chất lượng nông sản; kiểm tra việc chấp hành pháp luật đối với sản xuất kinh doanh giống cây trồng, vật tư nông nghiệp; hướng dẫn chi tiết về cơ cấu, chủng loại giống để phục vụ sản xuất. Hướng dẫn các địa phương thực hiện các biện pháp kỹ thuật canh tác, quản lý dịch hại trên cây trồng; thực hiện công tác dự tính, dự báo tình hình phát sinh phát triển của sâu, bệnh hại và có phương án phòng, chống dịch kịp thời. Chuẩn bị đầy đủ vật tư, vật lực để thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn. Công ty TNHH MTV quản lý, khai thác công trình thủy lợi Bắc Kạn theo dõi, quản lý đảm bảo nguồn nước sản xuất vụ xuân…

Thời điểm hiện nay, người dân các địa phương đang tập trung chống rét cho vật nuôi và cây trồng vụ đông; đồng thời tích cực cày ải, làm đất gieo mạ để chuẩn bị gieo cấy vụ xuân. Trên cánh đồng thôn Bản Cáu, xã Đồng Thắng (Chợ Đồn), ngay từ đầu giờ chiều hàng loạt máy cày dịch vụ đã hoạt động náo nhiệt. Ông Nguyễn Đức Tung cho biết: “Bây giờ bà con rất ít sử dụng trâu để cày, bừa mà chủ yếu thuê máy làm đất với giá 700.000 đồng/1.000m2. Vụ xuân này nhà tôi gieo trồng hơn 2.000m2 giống lúa  Tạp giao 1. Ưu điểm của giống lúa này năng suất cao và kháng bệnh rất tốt”.

Trao đổi về sản xuất vụ xuân, đồng chí Nguyễn Ngọc Cương- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Sản xuất năm nay có nhiều thuận lợi, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển nông, lâm nghiệp của Trung ương và của tỉnh được triển khai thực hiện có hiệu quả. Các công trình thủy lợi đã và đang được cải tạo, nâng cấp, đảm bảo nước tưới phục vụ cho sản xuất. Cơ giới hóa tiếp tục được áp dụng trong nhiều khâu. Công tác cung ứng giống, vật tư phục vụ sản xuất được đảm bảo. Cùng với đó, công tác chỉ đạo, quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện được chính quyền và các cấp, ngành chủ động, người dân tích cực trong sản xuất. Ngoài ra, các hình thức tổ chức sản xuất như hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại phát triển mạnh, hình thành chuỗi liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm và dịch vụ nông nghiệp.

Bên cạnh đó, sản xuất vụ xuân còn gặp những khó khăn như dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp nhưng chưa có vắc xin phòng bệnh và thuốc điều trị. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất. Giá vật tư nông nghiệp, thức ăn chăn nuôi liên tục tăng cao; các hoạt động giao thương mua, bán sản phẩm nông nghiệp, hoạt động vận chuyển hàng hóa bị hạn chế do áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch. Mức độ đầu tư thâm canh còn thấp, chất lượng sản phẩm nông nghiệp chưa thật sự đáp ứng yêu cầu của thị trường, chưa đảm bảo các điều kiện để phát triển bền vững… Tuy nhiên, với việc chuẩn bị các điều kiện một cách chu đáo, tin rằng công tác gieo trồng vụ xuân của tỉnh sẽ được thực hiện thuận lợi, mang lại kết quả cao./.

Phan Quý

Xem thêm