Chợ Đồn phát triển kinh tế rừng

Huyện Chợ Đồn có diện tích trồng rừng tương đối lớn, tập trung ở các xã phía Nam. Với sản lượng khai thác lâm sản trung bình đạt hơn 45.000m3/năm, nguồn tài nguyên này đã giúp cho nhiều gia đình thoát nghèo và có cuộc sống ổn định.

Anh Ngô Triệu Khải Huỳnh ở thôn Nà Đẩy, xã Nghĩa Tá là hộ có thu nhập khá từ trồng rừng.
Anh Ngô Triệu Khải Huỳnh ở thôn Nà Đẩy, xã Nghĩa Tá là hộ có thu nhập khá từ trồng rừng.

Khu phía Nam huyện Chợ Đồn gồm các xã: Bình Trung, Nghĩa Tá, Lương Bằng, Yên Phong, Yên Mỹ..., là vùng trọng điểm về phát triển kinh tế rừng của huyện. Những năm gần đây, do nhu cầu sử dụng gỗ rừng tăng, người dân bắt đầu chú trọng đầu tư, khai thác rừng trồng. Cùng với các chương trình, dự án, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, nhiều khu vực từng bỏ không trước đây thì nay đã được phủ xanh bằng các loài cây lâm nghiệp có giá trị.

Đồng chí Hoàng Xuân Trường- Chủ tịch UBND xã Nghĩa Tá cho hay: “Riêng năm nay, toàn xã có khoảng 50 căn nhà được xây mới, tất cả đều từ khai thác, trồng rừng. Ở địa phương, giờ rừng chính là nguồn thu nhập bền vững nhất, giúp các hộ dân cải thiện cuộc sống. Toàn xã hiện có tới 90% hộ dân tham gia trồng rừng”. Đúng như lời Chủ tịch UBND xã, đến Nghĩa Tá vào thời điểm cuối năm, chúng tôi nhận thấy nhiều ngôi nhà xây mới được mọc lên, điều đó cho thấy việc lựa chọn đầu tư vào rừng là hoàn toàn đúng đắn, hiệu quả kinh tế cao.

Với tiềm năng đó, Nghĩa Tá đã đưa phát triển lâm nghiệp là kinh tế chủ đạo trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020-2025. Để thực hiện hiệu quả, xã khuyến khích bà con tập trung phát triển các loại cây chủ lực, tận dụng các diện tích phân tán, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc. Hiện tại Nghĩa Tá đang có xu hướng phát triển mạnh về cây quế với diện tích gần 150ha bởi đây là một trong những cây lâm nghiệp có giá trị kinh tế cao, đầu ra ổn định. Theo tính toán, 1ha quế 15 năm tuổi có thể thu về trên 500 triệu đồng. Nhiều hộ đã chuyển đổi từ trồng keo sang trồng quế. Anh Ngô Triệu Khải Huỳnh ở thôn Nà Đẩy có diện tích rừng 12ha bao gồm keo, mỡ, quế. Sau khi khai thác đồi keo, anh đã tính toán chuyển sang trồng quế, đến nay anh có khoảng 5ha quế. 

Xã Bình Trung cũng có diện tích rừng trồng tương đối lớn, chủ lực vẫn là cây mỡ, quế, keo, bồ đề, đây là nhóm cây được khuyến khích trồng vì phù hợp với điều kiện, khí hậu vùng. Từ khai thác hiệu quả rừng trồng, đời sống nông thôn nhiều nơi ngày càng được nâng lên. Cụ thể như ở thôn Bản Ca, trước đây còn là một thôn nghèo, kinh tế chỉ trông chờ vào ruộng vườn, chăn nuôi nhỏ lẻ, nhà cửa phần lớn là nhà gỗ, giờ đây có rất nhiều nhà xây kiên cố mọc lên, tất cả là nhờ phần lớn vào việc bám đồi, bám rừng.

Nhằm đáp ứng nhu cầu trồng rừng tại các xã phía Nam, nhiều cơ sở vườn ươm được hình thành. Cả khu vực hiện có gần 20 vườn ươm, đáp ứng nguồn cây giống tại chỗ cho người dân và các khu vực lân cận. Song song với đó, tại đây còn hình thành các xưởng sản xuất, chế biến lâm sản, góp phần hiệu quả vào việc tiêu thụ vùng nguyên liệu, tăng thu ngân sách cho địa phương. Mạng lưới giao thông nông thôn trên địa bàn cũng từng bước hoàn thiện, tạo thuận lợi cho phong trào phát triển kinh tế rừng trên địa bàn.

Ông Vũ Văn Thịnh- Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Chợ Đồn cho biết: “Toàn huyện hiện có trên 76.000ha đất có rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm 58.655ha, rừng trồng hơn 17.583ha. Bình quân mỗi năm địa phương trồng rừng mới đạt 500 - 1.000ha. Các xã phía Nam của huyện có rất nhiều ưu thế để đầu tư, phát triển rừng trồng, điều này thể hiện rõ khi nhiều diện tích rừng giao cho dân được khai thác và sử dụng hiệu quả. Cùng với công tác quản lý, bảo vệ, Hạt Kiểm lâm huyện còn thường xuyên phối hợp tuyên truyền, tập huấn nâng cao kiến thức cho các chủ rừng phân biệt các loại rừng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng, chăm sóc để nâng cao giá trị kinh tế rừng một cách hiệu quả, bền vững”./.

Thu Trang

Xem thêm