Cần chủ động nguồn cung vật liệu xây dựng trong tỉnh

Theo Quyết định số 1535/QĐ-TTg ngày 15/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Bắc Kạn được giao kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021 - 2025 là 9.439.666 triệu đồng. Nhiều công trình trọng điểm của tỉnh sẽ được đầu tư xây dựng, trong khi các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng hiện không đáp ứng đủ nhu cầu.

Để xây dựng một công trình như thế này cần rất nhiều loại VLXD
Năm 2022, nhiều công trình, dự án xây dựng cơ bản được tỉnh Bắc Kạn triển khai, việc đáp ứng nhu cầu vật liệu trên địa bàn tỉnh là rất cấp thiết.

Ông Nguyễn Ngọc Quất- Trưởng phòng Kinh tế, Sở Xây Dựng cho biết: Hiện nay có 11/13 doanh nghiệp sản xuất gạch được chứng nhận hợp quy sản phẩm theo quy định của chuyên ngành (02 doanh nghiệp hết hạn chứng nhận hợp quy), trong đó có 4 nhà máy gạch nung tuynel và 9 nhà máy sản xuất gạch không nung với công suất thiết kế 195 triệu viên/năm; nhu cầu sử dụng khoảng 429 triệu viên/năm. Như vậy, nếu sản xuất theo công suất thiết kế sẽ không đáp ứng đủ nhu cầu gạch đến năm 2025.

Nguồn cung cấp cát xây dựng cũng không đáp ứng đủ cho nhu cầu sử dụng trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở khai thác không đạt công suất theo thiết kế, không có những mỏ cát, sỏi lớn, nguồn cát của tỉnh chủ yếu được bồi lắng hằng năm dọc theo hai bên lưu vực các sông như: Sông Cầu, sông Năng, sông Na Rì… và các suối nhỏ. Hiện nay có 9 mỏ đang khai thác tại các huyện như: Chợ Mới 02 mỏ, Ba Bể 03 mỏ, Na Rì 02 mỏ, Chợ Đồn và Bạch Thông 01 mỏ. Có 04 điểm mỏ đang lập hồ sơ khai thác; 03 mỏ đang thi công thăm dò; 02 mỏ giấy phép hết hạn đã đóng cửa mỏ (còn triển vọng); 01 mỏ đang tổ chức đấu giá và 01 mỏ chưa cấp phép. Sản lượng khai thác chỉ đáp ứng hơn 38% nhu cầu sử dụng. Do vậy, trong nhiều năm gần đây, cát xây dựng luôn là vấn đề khó khăn về cung ứng cho các dự án, công trình xây dựng. Nguồn cung phần lớn từ các tỉnh như Thái Nguyên, Tuyên Quang…

Đối với đá xây dựng, hiện trên địa bàn tỉnh có 19 mỏ đá đang sản xuất, khai thác với công suất thiết kế 418.600m3/năm; khai thác thực tế năm 2020 đạt 313.002m3, bằng 75% so với thiết kế. Các mỏ này phân bố tại các huyện như: Chợ Đồn, Ba Bể, Bạch Thông, Na Rì và thành phố Bắc Kạn. Qua tính toán, đến năm 2025 nhu cầu sử dụng đá khoảng gần 1.817.000m3/năm. Như vậy, vật liệu đá xây dựng trong thời gian tới cũng không đáp ứng được nhu cầu sử dụng cho các công trình, dự án đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh.

Thép xây dựng và xi măng là loại vật liệu chiếm tỷ trọng khá cao trong công trình xây dựng. Nhiều năm nay, 02 loại vật liệu này nguồn cung cấp đều từ các tỉnh Thái Nguyên, Hải Phòng, Thanh Hóa… Do tỉnh không có nhà máy sản xuất nên trong thời gian tới, 02 loại vật liệu này vẫn phải lấy từ các nhà máy ở các tỉnh khác để phục vụ cho các dự án, công trình trong tỉnh.

Chia sẻ về khó khăn do thiếu VLXD và cự ly vận chuyển xa dẫn đến tăng giá thành, ông Lê Thanh Hải- Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh cho biết: "Số đông hội viên Hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản. Trong năm 2021 vừa qua, giá thép tăng cao làm nhiều doanh nghiệp sau khi trúng thầu đã phải bù lỗ. Mặt khác, việc nguồn cát trong tỉnh thiếu, phải mua từ Hà Nội, Tuyên Quang và Thái Nguyên, quãng đường vận tải xa dẫn đến giá cát đến công trình có nơi tăng gấp đôi. Hai loại vật liệu không sản xuất tại Bắc Kạn là xi măng và thép hoàn toàn phụ thuộc vào giá của nhà sản xuất và giá của doanh nghiệp cung cấp mặt hàng này. Giá các loại VLXD tăng sẽ ảnh hưởng tới các nhà thầu về tính hiệu quả. Trong thời gian tới, chúng tôi kiến nghị về việc được điều chỉnh giá vật liệu đầu vào và giá nhân công theo thực tế cho từng công trình".

Để giải quyết bài toán thiếu VLXD, tỉnh cần quy hoạch phân bổ mỏ vật liệu nếu có tại các huyện cho đồng đều. Nếu đáp ứng cung cầu vật liệu tại các huyện sẽ tạo thuận lợi trong đầu tư cũng như kéo giảm giá thành VLXD. Khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất VLXD bằng các biện pháp về vốn vay ưu đãi, thủ tục hành chính thông thoáng, đẩy nhanh quá trình thẩm định, rút ngắn hồ sơ thủ tục, vừa bảo đảm yêu cầu pháp luật, vừa nhanh chóng thuận lợi cho doanh nghiệp.../.

Trần Tuyến

Xem thêm