Trồng lá dong dưới tán rừng ở Yên Mỹ

Xã Yên Mỹ (Chợ Đồn) có diện tích rừng tự nhiên lớn, xen kẽ dưới tán rừng là những cây dong lá tốt tươi. Nhận thấy có thể khai thác bán ra thị trường, mấy năm gần đây, nhiều hộ dân nơi đây đã từng bước nhân rộng và khai thác cây lá dong theo hướng hàng hóa.

Bà Vũ Thị Chiến ở thôn Phiêng Dìa có thêm nguồn thu nhập từ lá dong.
Bà Vũ Thị Chiến ở thôn Phiêng Dìa có thêm nguồn thu nhập từ lá dong.

Trước đây, cây lá dong chủ yếu mọc tự nhiên, phát triển tốt trong điều kiện môi trường râm mát, độ ẩm cao. Vào những dịp Tết truyền thống, lá dong là nguyên liệu không thể thiếu để gói bánh chưng. Một số hộ nhận thấy lá dong có thể bán ra thị trường nên đã khai thác bán để có thêm thu nhập. Hiện nay nhu cầu sử dụng lá dong vào những dịp cuối năm tăng cao càng tạo động lực để người dân tìm hướng phát triển cây trồng này.

Năm 2018, UBND xã Yên Mỹ đã triển khai và vận động mô hình trồng lá dong dưới tán cây keo, với diện tích 2,1ha. Kết quả cho thấy, cây lá dong đẻ nhánh khỏe, một cây có thể đẻ ra hàng chục nhánh, mỗi nhánh cho thu hoạch từ 5 - 6 tàu lá. Đến nay cây lá dong trồng nhiều ở các thôn Phiêng Dìa, Pác Khoang, Nà Lẹng. Một số hộ bước đầu có thu nhập khá từ trồng cây lá dong như: Bà Vũ Thị Chiến ở thôn Phiêng Dìa; ông Đặng Văn Thức, Đặng Văn Diện, thôn Pác Khoang... Hầu hết người dân Yên Mỹ chủ yếu khai thác bán nhiều vào dịp Tết Nguyên đán, 1.000 tờ lá dong có thể bán được gần 300.000 đồng.

Hộ bà Vũ Thị Chiến, thôn Phiêng Dìa đã nhiều năm trồng cây lá dong, hiện 1ha cây lá dong của gia đình cho khai thác liên tục trong năm, mang lại thu nhập khoảng 40 triệu đồng/năm. Bà Chiến cho biết: "Dong là loại cây dễ trồng, sống khỏe, ít sâu hại, không phải mất nhiều công đầu tư, chăm sóc, phát triển rất tốt khi trồng dưới tán rừng có độ ẩm cao, râm mát. Cây lá dong sau khi thu hoạch chỉ cần phát quang là lứa mới tiếp tục sinh trưởng. Ban đầu gia đình tôi chỉ trồng phạm vi nhỏ, sau đó được địa phương hỗ trợ giống, hướng dẫn khoa học kỹ thuật, cùng với đó là thị trường tiêu thụ thuận lợi nên dần dần chúng tôi đã nhân rộng diện tích".

Ông Hoàng Văn Tuy- Phó Chủ tịch UBND xã Yên Mỹ cho biết: "Từ thành công của mô hình trồng thử nghiệm lá dong dưới tán keo, hiện cây trồng này bước đầu được người dân chú trọng, trở thành một nguồn thu nhập của nhiều hộ. Cây lá dong thích hợp trồng ở khe suối, dưới tán cây râm mát, sinh trưởng, phát triển tốt. Do nhiều người ưa thích lá dong ở miền núi nên đã đặt mua, các hộ dân không phải mất công vận chuyển hoặc bán lẻ mà thương lái chủ động liên hệ đặt mua".

Mặc dù chưa thống kê đầy đủ diện tích nhưng để khai thác tiềm năng sẵn có, thời gian tới xã Yên Mỹ tiếp tục khuyến khích người dân phát triển và nhân rộng lá dong dưới tán rừng. Đồng thời tập trung quy hoạch vùng nguyên liệu trồng lá dong, định hướng cho các hộ liên kết thành lập tổ hợp tác để cung ứng thuận lợi sản phẩm ra thị trường./.

T. Trang

Xem thêm