Phát triển kinh tế dưới tán rừng

Bắc Kạn là tỉnh có tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế dưới tán rừng với 428.768ha rừng và đất lâm nghiệp, chiếm trên 88% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh, tuy nhiên tiềm năng, lợi thế lớn của tỉnh ta vẫn chưa được đẩy mạnh, khai thác, phát huy.

Theo số liệu điều tra sơ bộ của Trường Đại học Dược Hà Nội và Công ty CP Phát triển Dược Khoa, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 1.180 loài cây thuốc, thuộc 190 họ thực vật khác nhau. Trong đó có nhiều loại quý hiếm, có giá trị cao như ba kích, hà thủ ô, đẳng sâm, thổ phục linh, kê huyết đằng, bình vôi… Như vậy, với nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng, có giá trị cao nếu được bảo vệ, khai thác bền vững và phát triển hợp lý sẽ góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Từ năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển dược liệu giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Năm 2010, tỉnh cũng đã ban hành quy chế quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu của tỉnh được chú trọng và đạt được những kết quả nhất định. Cụ thể như Đề tài “Nghiên cứu đặc điểm sinh vật học, phân bố và khả năng phát triển cây kim tuyến tại một số huyện của tỉnh Bắc Kạn”, bước đầu đã nghiên cứu thành công phương pháp nuôi cấy mô invitro trong phòng thí nghiệm, hoàn thiện các quy trình nhân nhanh bằng phương pháp nuôi cấy mô, quy trình kỹ thuật giá thể ra cây sau nuôi cấy, kỹ thuật trồng trong nhà lưới. Đề tài cũng đã trồng thử nghiệm cây kim tuyến trong các môi trường nhà lưới, môi trường tự nhiên tại các xã Đôn Phong (Bạch Thông) và Yên Phong (Chợ Đồn). Thành công bước đầu của Đề tài là cơ sở khoa học để tiến tới triển khai các chương trình hỗ trợ phát triển dược liệu trong cộng đồng dân cư.

Lực lượng liên ngành Kiểm lâm, Công an huyện Chợ Mới tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng ở xã Tân Sơn (Chợ Mới).
Lực lượng liên ngành Kiểm lâm, Công an huyện Chợ Mới tuần tra bảo vệ rừng đặc dụng ở xã Tân Sơn (Chợ Mới).

Dự án “Nghiên cứu đánh giá, nhân giống và kỹ thuật trồng gừng đá Bắc Kạn” đã giúp bảo tồn và nhân giống thành công cây gừng đá bằng phương pháp nuôi cây mô tế bào. Dự án đã sản xuất 22.000 cây giống nuôi cấy mô và xây dựng 02ha mô hình trồng gừng đá tại xã Liêm Thủy, huyện Na Rì, trong đó 01ha mô hình trồng gừng đá từ cây giống nuôi cấy mô và 01ha mô hình trồng gừng đá từ củ giống thông thường. Kết quả nghiên cứu cho thấy mô hình trồng thử nghiệm bằng cây giống nuôi cấy mô sinh trưởng phát triển tốt, là cơ sở quan trọng để tỉnh xem xét, khuyến khích mở rộng diện tích trồng gừng đá trong những năm tới.

Dự án “Tăng cường quản lý và chia sẻ lợi ích công bằng cho các chuỗi sản phẩm dược liệu tự nhiên tại Việt Nam” do Tổ chức Traffic International tại Việt Nam hỗ trợ thực hiện tại 04 huyện Chợ Đồn, Ba Bể, Ngân Sơn, Na Rì. Mục tiêu của dự án là bảo tồn các nguồn tài nguyên cây dược liệu trong tự nhiên đã và đang bị khai thác một cách quá mức. Dự án đã giúp nâng cao nhận thức cho người dân, hỗ trợ được một số cộng đồng phát triển kinh tế, tăng thu nhập thông qua việc thu hái một cách bền vững các nguồn tài nguyên dược liệu trong tự nhiên và bước đầu tạo ra sản phẩm trà giảo cổ lam tại xã Xuân Lạc, huyện Chợ Đồn.

Triển khai thực hiện Dự án nghiên cứu phát triển trồng dược liệu. Cụ thể, trồng 08ha dược liệu dưới tán rừng ở xã Bình Văn (Chợ Mới) và Quân Hà (Bạch Thông). Kết quả, cây dong riềng đỏ, đẳng sâm, ban lá đính là loài cây trồng ngắn ngày, cho thu hoạch khá. Riêng cây hà thủ ô phát triển tốt. Lương y Nguyễn Văn Cư- Giám đốc Hợp tác xã Đông Nam Dược (Bạch Thông) cho biết: Hà thủ ô 4 năm tuổi đạt trọng lượng 3 – 4kg/gốc, tỷ lệ thu hoạch vào năm thứ 5 ước đạt 60 đến 70% cây so với lúc trồng, cũng coi là thành công vì là trồng thử nghiệm lần đầu dưới tán rừng.

Bên cạnh các đề tài, dự án khoa học cấp tỉnh, tại các địa phương, chính quyền cơ sở cũng đã chú trọng mở rộng diện tích một số loại dược liệu quý. Cụ thể, năm 2013, huyện Chợ Mới đã quyết định đưa cây đinh lăng vào trồng thí điểm tại các xã Thanh Thịnh và thị trấn Đồng Tâm với diện tích 1,5ha. Kết quả, cây trồng sinh trưởng phát triển tốt, bước đầu đã cho thu hoạch, mang lại nguồn thu nhập khá cho người dân. Tại huyện Chợ Đồn, mô hình trồng và chế biến cây giảo cổ lam, cây trà hoa vàng… cho hiệu quả tốt, nhiều hộ dân đã chủ động gây trồng và mở rộng diện tích hoặc thực hiện các mô hình nuôi ong, thu hái dược liệu…

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Ngoài phát triển cây dược liệu, với yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên trong giai đoạn hiện nay thì các hộ gia đình, cá nhân, hợp tác xã trên địa bàn đã và đang chuyển dịch sang thực hiện các mô hình sản xuất, chăn nuôi dưới tán rừng. Theo đó nhiều mô hình dần được hình thành như chăn nuôi gà thả đồi, nuôi dê, nuôi ong... và chuyển dần từ thu hái tự nhiên sang trồng dưới tán rừng các loài cây đem lại thu nhập như lá dong, sa nhân, bò khai... Tuy nhiên những mô hình, diện tích này còn manh mún, nhỏ lẻ chưa hình thành vùng sản xuất tập trung.

Có thể thấy, các mô hình, dự án phát triển kinh tế dưới tán rừng ở tỉnh ta có sự thành công bước đầu nhưng chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Để hoạt động này đi vào chiều sâu, tỉnh phê duyệt Kế hoạch tổng thể phát triển dược liệu tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến 2035 nhằm phát triển các loại cây dược liệu thích hợp theo hướng khai thác lợi thế cạnh tranh, phát triển chuỗi giá trị và gia tăng giá trị, trên cơ sở định hướng quy hoạch vùng trồng, tổ chức các chủ thể tham gia chuỗi, ứng dụng khoa học công nghệ trên toàn chuỗi sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm có chất lượng, có sức cạnh tranh trên thị trường, đáp ứng nhu cầu trong nước và hướng đến xuất khẩu. Có như vậy, với tiềm năng, lợi thế của rừng Bắc Kạn hiện nay, việc phát triển kinh tế dưới tán rừng sẽ trở thành một ngành kinh tế, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân./.

Phan Quý

Xem thêm