Phát huy hiệu quả Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ

Các địa phương trong tỉnh đang tiếp tục thực hiện hiệu quả Dự án Hỗ trợ kinh doanh cho nông hộ (CSSP), trong đó chú trọng xây dựng các mô hình liên kết sản xuất. Từ đó đem lại sự thay đổi về tư duy sản xuất của người dân, góp phần giảm nghèo, nâng cao chất lượng đời sống.

Tại xã Bành Trạch (Ba Bể), từ năm 2019 đến nay có 14 THT được thành lập theo Dự án CSSP, trong đó có 8 tổ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo, 4 tổ chăn nuôi lợn địa phương và 2 tổ trồng củ kiệu. Đồng chí Dương Văn Duy- Phó Chủ tịch UBND xã Bành Trạch cho biết: Xuất phát từ nhu cầu của người dân cũng như phát huy thế mạnh về chăn nuôi, sau khi được hỗ trợ kinh phí và đi vào hoạt động, các thành viên THT đã tích cực chăm sóc đàn vật nuôi, xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng liên kết, từ con giống đến thị trường tiêu thụ, đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

Thôn Pác Châm có 15 hộ tham gia THT chăn nuôi trâu, bò vỗ béo. Ông Ma Văn Vẹ- Tổ trưởng THT cho biết: Năm 2019, các thành viên được hỗ trợ từ Dự án với tổng kinh phí 75 triệu đồng, đối ứng mua con giống, xây dựng chuồng trại. Để đảm bảo nguồn thức ăn, các hộ tận dụng đất đồi, đất soi bãi trồng cỏ voi, ngô. Phân gia súc được xử lý để bón cây, không gây ô nhiễm môi trường. Phương thức chăn nuôi vỗ béo còn giúp quay vòng vốn nhanh, nông dân nhanh chóng thu hồi gốc và lãi để tiếp tục đầu tư. Nhiều hộ thu nhập từ 150 - 200 triệu đồng/năm, điển hình như các hộ: Ma Văn Toan, Từ Văn Dũng, Ma Văn Chuyên, Nguyễn Thị Thục... Ngoài ra, Tổ hợp tác còn liên kết chéo với các THT ở thôn Nà Dụ, Nà Còi, liên kết với HTX Khuổi Nặm trên địa bàn xã nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động.

Các hộ chăn nuôi trâu bò vỗ béo tại xã Bành Trạch đẩy mạnh hoạt động liên kết.
Các hộ chăn nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Bành Trạch đẩy mạnh hoạt động liên kết.

Thời gian qua, Ban Điều phối Dự án CSSP tỉnh và các huyện đã triển khai hỗ trợ thành lập và tổ chức thẩm định các đề xuất tiểu dự án xin tài trợ từ Quỹ CSG cho các THT. Tính đến ngày 17/11/2021, có 194 THT được thành lập, trong đó: Na Rì 40 tổ, Ba Bể 60 tổ, Ngân Sơn 36 tổ, Pác Nặm 58 tổ.

Việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho tổ trưởng THT được đẩy mạnh. Trong 9 tháng năm 2021, có 9 lớp tập huấn được tổ chức với 323 người tham gia. Cơ bản các tổ trưởng THT có thể hướng dẫn cho thành viên cùng lập kế hoạch sản xuất, kinh doanh, xây dựng thương hiệu, quản lý nguồn vốn, theo dõi vốn vay và xây dựng quy chế sử dụng lãi vốn vay quay vòng trong quá trình thực hiện Quỹ Tài trợ cạnh tranh. 

Tại xã Cổ Linh (Pác Nặm), có 51 hộ chăn nuôi vỗ béo trâu, bò thu nhập tăng trung bình 10 triệu đồng/hộ/năm; 21 hộ chăn nuôi lợn thu nhập tăng trung bình 10 triệu đồng/hộ/năm; 11 hộ nuôi gà thu nhập tăng 7 triệu đồng/hộ/năm. Xã Trung Hòa (Ngân Sơn) có 13 hộ chăn nuôi vịt quy mô chăn nuôi từ 200 - 1.200 con/hộ/năm, thu nhập từ 4 - 20 triệu đồng/hộ/năm. Xã Sơn Thành (Na Rì) có 2 THT chăn nuôi gà đã xuất bán 5.000 con, thu nhập bình quân 10 triệu đồng/hộ...

Trong quá trình tổ chức thực hiện Dự án CSSP, các cấp Hội Nông dân đã tích cực rà soát nhu cầu của các thôn, tổng hợp thông tin, đề xuất định hướng các sản phẩm tiềm năng, thế mạnh của địa phương và gắn với phát triển chuỗi giá trị hàng hóa. Ông Lý Hồng Thái- Chủ tịch Hội Nông dân xã Cổ Linh (Pác Nặm) cho biết: Tùy thuộc vào điều kiện tự nhiên và tập quán canh tác mà mỗi thôn có ưu thế riêng về sản xuất nông nghiệp, chúng tôi tư vấn xây dựng mô hình trồng trọt, chăn nuôi phù hợp. Hiện 9/12 thôn của xã đã thành lập 15 nhóm THT. Dự kiến năm 2022 xã thành lập thêm tổ nhóm ở 3 thôn còn lại. Dự án giúp các hộ nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số có điều kiện xây dựng mô hình sản xuất, nâng cao trình độ, kiến thức trồng trọt, chăn nuôi, xây dựng hướng phát triển kinh tế ổn định, nâng cao thu nhập./.

Thu Hường

Xem thêm