Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có nhiều chuyển biến

Sau 25 năm xây dựng và phát triển, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, hạ tầng, giao thông, thủy lợi, điện, thông tin liên lạc, nước sạch, trường học, trạm Y tế, các cơ sở dịch vụ... được quan tâm, chú trọng đầu tư. Nhiều dự án trọng điểm đã hoàn thành, đưa vào sử dụng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mạng lưới đô thị ngày càng phát triển gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh
Mạng lưới đô thị ngày càng phát triển gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Mạng lưới giao thông vận tải của tỉnh đã có nhiều chuyển biến rõ nét, đến nay toàn tỉnh phát triển được trên 4.550km đường, gồm 04 tuyến quốc lộ và 01 tuyến BOT Chợ Mới - Thái Nguyên với tổng chiều dài hơn 459,12km; 14 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 480,75km; 01 tuyến đường thủy nội địa địa phương sông Năng - hồ Ba Bể dài 29,3km; 49 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 462km; 3.120km đường xã, thôn, bản; 100% số xã có đường ô tô đến được trung tâm xã.  Lĩnh vực vận tải hàng hoá, hành khách phát triển mạnh mẽ, cơ bản đã đáp ứng nhu cầu đi lại của Nhân dân, tạo thuận lợi cho giao thương, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương.

Hệ thống hạ tầng cung cấp điện của tỉnh luôn được đầu tư, nâng cấp, cơ bản đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và sinh hoạt của người dân, đến nay có 100% số xã có điện lưới quốc gia; tỷ lệ số hộ sử dụng điện lưới quốc gia đạt 97,39%; 4 nhà máy thủy điện đang vận hành phát điện với tổng công suất 15,6MW và 2 công trình thủy điện đang đầu tư. Nhìn chung, với sự phát triển hệ thống lưới điện đã cơ bản đảm bảo cho việc sinh hoạt và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Hệ thống thủy lợi được đầu tư tương đối kiên cố, toàn tỉnh có 2.415 công trình thủy lợi; chiều dài kênh mương là 2.328km, diện tích đất được tưới và tiêu nước chủ động đạt 87%.

Hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh đã có sự biến chuyển mạnh mẽ phù hợp với phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Các loại hình kinh doanh hiện đại ngày càng mở rộng, phát triển đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn. Trên địa bàn tỉnh hiện có tổng số 65 chợ (gồm: 01 chợ hạng 1, 04 chợ hạng 2 và 60 chợ hạng 3); có 01 Trung tâm thương mại VincomPlaza hạng 3 và 02 siêu thị hạng 3 đang hoạt động kinh doanh. Ngoài ra, tại các địa bàn trung tâm thị trấn, thành phố còn hình thành mạng lưới kinh doanh cửa hàng tiện lợi, cửa hàng tự chọn, cửa hàng kinh doanh tổng hợp... Qua đó, góp phần tạo nên diện mạo mới cho thương mại bán lẻ trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao văn minh thương mại và đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân trên địa bàn tỉnh.

Hạ tầng du lịch được Nhà nước và người dân quan tâm đầu tư, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn có 225 cơ sở lưu trú du lịch, trong đó có 25 khách sạn (có 01 khách sạn 3 sao), 200 nhà nghỉ du lịch và nhà ở có phòng cho khách du lịch thuê với tổng số 2.173 phòng, buồng và 3.673 giường; 2.000 nhà hàng ăn uống; hơn 200 cơ sở dịch vụ vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe; có 10 đơn vị, doanh nghiệp tham gia hoạt động kinh doanh du lịch và 03 doanh nghiệp hoạt động kinh doanh lữ hành du lịch.

Hệ thống hạ tầng cho phát triển văn hóa – xã hội được đầu tư gắn với thực hiện các chương trình mục tiêu, chương trình mục tiêu quốc gia. Hệ thống thiết chế văn hóa được đầu tư cơ bản đáp ứng nhu cầu và từng bước phát huy, thúc đẩy phong trào văn hóa - văn nghệ, thể dục thể thao ở cơ sở phát triển, với 01 Nhà văn hóa tỉnh, 01 Nhà thi đấu thể dục - thể thao, 01 nhà rạp, 08 Trung tâm văn hóa, thể thao và truyền thông, 31/108 xã, phường có nhà văn hóa, 1.207/1.310 thôn có nhà văn hóa thôn. Mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản đáp ứng nhu cầu học tập của nhân dân trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ kiên cố hóa trường, lớp học và nhà công vụ cho giáo viên tăng đều qua các năm.

Y tế được đầu tư ở tất cả các cấp với 01 bệnh viện tuyến tỉnh, 8/8 bệnh viện tuyến huyện, thành phố và 108 xã, phường, thị trấn có trạm Y tế (trong đó, dự kiến đến hết năm 2021 có 106 xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế xã). Hệ thống hạ tầng an sinh xã hội được đầu tư, góp phần nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề, tạo việc làm và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn, với 19 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Hạ tầng bưu chính phát triển rộng khắp với 136 điểm phục vụ bưu chính, 100% xã có báo, tạp chí được phát trong ngày đến trụ sở xã; mạng lưới viễn thông đã kết nối thông suốt 3 cấp phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của đơn vị, địa phương, 100% xã, phường, thị trấn được phủ sóng di động 2G/3G/4G, mật độ điện thoại đạt 51 máy/100 dân, mật độ thuê bao internet đạt 62 thuê bao/100 dân.

Toàn tỉnh hiện nay có 09 đô thị, gồm: 01 đô thị loại III là thành phố Bắc Kạn; 08 đô thị loại V, gồm 05 thị trấn huyện lỵ, 01 thị trấn khu vực và 02 trung tâm huyện lỵ, tỷ lệ đô thị hóa đạt 22%. Mạng lưới đô thị ngày càng phát triển gắn với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; các đô thị được đầu tư xây dựng tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, trụ sở cơ quan, các công trình y tế, văn hóa, giáo dục, thương mại, dịch vụ công cộng, công trình thể thao… đáp ứng tiêu chuẩn và chức năng của đô thị là trung tâm tỉnh lỵ, huyện lỵ và thị trấn khu vực; tỷ lệ cấp nước đô thị và khu công nghiệp đạt 90%; tỷ lệ thoát nước đô thị đạt 50%; tỷ lệ xử lý nước thải đô thị đạt 30%; tỷ lệ thu gom và xử lý chất thải rắn sinh hoạt đô thị 90,18%; tỷ lệ chiếu sáng đô thị đạt 90%...

Có thể khẳng định, sau 25 năm tái thành lập tỉnh, với nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, tập trung phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, từng bước nâng cao chất lượng đời sống cho Nhân dân và dần thu hẹp khoảng cách với các tỉnh miền xuôi.../.

Q.Đ

Xem thêm