Hội nghị trực tuyến “Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc”

Sáng 03/12/2021, tại tỉnh Lai Châu, Bộ NN&PTNT và tỉnh Lai Châu tổ chức Hội nghị trực tuyến “Phát triển kinh tế dưới tán rừng các tỉnh trung du miền núi phía Bắc”. Các đồng chí Lê Minh Hoan- Ủy viên TƯ Đảng, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT; Phùng Đức Tiến- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT; Giàng Páo Mỷ- Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lai Châu đồng chủ trì hội nghị.  Tham dự còn có lãnh đạo đại diện 14 tỉnh trung du miền núi phía Bắc; lãnh đạo doanh nghiệp ngành hàng chế biến nông, lâm sản.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Bắc Kạn có đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo đại diện các sở NN&PTNT; Kế hoạch và Đầu tư.

Báo cáo của Tổng cục Lâm nghiệp đã nêu bật vai trò đặc biệt quan trọng của rừng đối với đời sống của con người, rừng không chỉ cung cấp gỗ và lâm sản ngoài gỗ (LSNG) phục vụ cho nhu cầu cuộc sống của hàng triệu đồng bào miền núi, nơi nuôi dưỡng nguồn nước, bảo vệ đất, chống xói mòn, làm sạch môi trường và mang giá trị văn hoá, tinh thần, mà rừng còn tạo ra hoàn cảnh, môi trường, khí hậu vô cùng đặc biệt để bảo vệ, nuôi dưỡng, duy trì và tái tạo ra những LSNG quý, hiếm, giá trị cao, vô cùng đặc biệt hay còn gọi là lâm đặc sản cho cuộc sống của con người như Sâm Việt Nam, Tam thất hoang, Thông đỏ, Nấm linh chi … Do đó, LSNG không chỉ là một bộ phận quan trọng trong hệ sinh thái rừng, nguồn tài nguyên quan trọng đối với sản xuất ở miền núi mà giữa LSNG và môi trường rừng có mối quan hệ hữu cơ, mật thiết với nhau, cùng hỗ trợ nhau duy trì và phát triển. Nếu tận dụng, sử dụng hợp lý môi trường rừng, các hợp phần của hệ sinh thái rừng để phát triển LSNG, rừng vừa tạo ra sản phẩm, mang lại thu nhập kinh tế, đồng thời vẫn duy trì bảo vệ có hiệu quả tài nguyên rừng theo mục đích đặt ra. Nhất là khi tài nguyên gỗ càng ngày càng cạn kiệt và bị hạn chế khai thác, thì việc phát triển tài nguyên LSNG trong môi trường rừng chiếm một vị trí quan trọng trong ngành Lâm nghiệp.

Đến nay, các nhà khoa học đã thống kê được hơn 7.000 loài thực vật cho LSNG, hơn 200 loài thú, 800 loài chim, 250 loài bò sát, 80 loài ếch nhái, hàng nghìn loài cá và loài côn trùng. Trong đó vùng trung du miền núi phía Bắc chiếm tới trên 70% tổng số loài thực vật cho LSNG và trên 90% các loài LSNG quý hiếm của cả nước.

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị.
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tham luận tại Hội nghị.

LSNG gắn liền với cuộc sống của gần 15 triệu đồng bào miền núi sống trong và gần rừng ở trung du miền núi phía Bắc. LSNG là nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh để chăm sóc sức khỏe hàng ngày cho đời sống các hộ gia đình nhất là các hộ nghèo. Hoạt động LSNG đã thu hút hàng triệu lao động, góp phần tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn miền núi, nhất là khu vực có đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống, góp phần ổn định xã hội địa phương. Giai đoạn 2016-2020, giá trị sản xuất LSNG có xu hướng tăng lên, giá trị xuất khẩu hằng năm tăng bình quân khoảng 15%, từ 350 triệu USD (trước năm 2016) và hơn 800 triệu USD (năm 2020). Thực tế, giá trị sản xuất và giá trị xuất khẩu còn lớn hơn nhiều do chưa thống kê đầy đủ các mặt hàng LSNG xuất khẩu qua đường tiểu ngạch.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã tham luận tập trung vào thực trạng phát triển, khai thác tiềm năng lợi thế về rừng; cách làm hay, kinh nghiệm sáng tạo trong phát triển kinh tế dưới tán rừng; từ ý tưởng đến thực hành kinh tế xanh: rừng đa tác dụng; báo cáo phát triển vùng nguyên liệu LSNG phục vụ cho sản xuất; phát triển nguồn tài nguyên LSNG trong môi trường rừng; công nghệ chế biến LSNG; các giải pháp để phát triển LSNG…

Phát biểu tham luận tại Hội nghị, đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn nêu: Bắc Kạn là tỉnh miền núi có diện tích rừng và đất lâm nghiệp 428.768 ha, chiếm trên 88% diện tích tự nhiên của toàn tỉnh, đất đai chủ yếu là đất Feralit giàu mùn; độ che phủ rừng của Bắc Kạn là 73,4% phù hợp cho việc phát triển các loài cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Bắc Kạn hiện có khoảng 1.180 loài cây thuốc, thuộc 190 họ thực vật khác nhau. Trong đó có nhiều loại quý hiếm, có giá trị cao như Ba kích, Hà thủ ô, Đẳng sâm, Thổ phục linh, Kê huyết đằng, Bình vôi…Như vậy với nguồn tài nguyên dược liệu phong phú, đa dạng có giá trị cao nếu được bảo vệ, khai thác bền vững và phát triển hợp lý sẽ góp phần đáng kể cho phát triển kinh tế của tỉnh.

Từ năm 2009, UBND tỉnh đã phê duyệt Chương trình phát triển dược liệu giai đoạn 2010 - 2015, tầm nhìn đến năm 2020. Đồng thời, ban hành quy chế quản lý khai thác, kinh doanh và sử dụng nguồn tài nguyên cây thuốc trên địa bàn tỉnh. Trong những năm qua, công tác bảo tồn và phát triển cây dược liệu của tỉnh được chú trọng và đạt được những kết quả nhất định, cụ thể: Nhiều đề tài, dự án trồng và phát triển thử nghiệm đối với một số cây dược liệu có giá trị cao đã được triển khai thực hiện.

Bên cạnh những kết quả đạt được, hiện nay việc phát triển kinh tế dưới tán rừng ở Bắc Kạn cũng còn gặp một số khó khăn sau: Chính sách về phát triển lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng chưa được triển khai đồng bộ và triệt để. Việc nghiên cứu khoa học chưa áp dụng nhiều vào thực tiễn, chưa thương mại hóa thành sản phẩm lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng từ các công trình nghiên cứu; chưa có quy hoạch tổng thể để bảo tồn, phát triển cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng bền vững; nuôi trồng, khai thác, sản xuất còn manh mún, tự phát, có nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên. Hiện nay đang trong thời gian đóng cửa rừng tự nhiên, chưa có đánh giá tác động, ảnh hưởng của trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng. Chưa có quy trình hướng dẫn cụ thể để triển khai thực hiện. Bên cạnh đó còn khó khăn nữa là chưa có thị trường ổn định để đảm bảo đầu ra trên địa bàn tỉnh, chính vì vậy nhiều hộ gia đình, cá nhân, tổ chức tham gia trồng lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng nhưng gặp khó khăn trong việc bán sau thu hái.

Tại Hội nghị này, tỉnh Bắc Kạn đề xuất giải pháp và đưa ra một số kiến nghị như: Đổi mới tổ chức, quản lý ngành, tăng cường năng lực quản lý nhà nước về lâm nghiệp từ Trung ương đến địa phương, cải cách hành chính và đổi mới chính sách phù hợp, kịp thời đảm bảo cho người dân ở trong và gần rừng thu nhập ổn định từ diện tích đất lâm nghiệp của mình; khẩn trương hoàn thành việc qui hoạch lâm nghiệp cấp quốc gia. Lập phương án kế hoạch sử dụng đất lâm nghiệp chi tiết, cụ thể đến cơ sở theo chức năng của từng loại rừng. Rà soát thực hiện việc giao đất gắn với giao rừng để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài để mọi người dân sống gần rừng có đất sản xuất, đảm bảo cuộc sống. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT ban hành hướng dẫn cụ thể đối với việc thực hiện các mô hình phát triển kinh tế dưới tán rừng tự nhiên để làm cơ sở triển khai thực hiện.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan đánh giá cao các ý kiến tham luận tại hội nghị. Đồng thời đề nghị, các tỉnh trong vùng tiếp tục làm tốt công tác trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng. Cần kết hợp du lịch sinh thái với tiêu thụ sản phẩm dưới tán rừng; nâng cao năng lực cộng đồng nông thôn; khai thác tiềm năng kinh tế dưới tán rừng. Phát triển ngành Lâm nghiệp bền vững trên cơ sở quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên rừng; phát triển và sử dụng rừng theo hướng đa chức năng, đa giá trị. Nâng cao giá trị các sản phẩm của rừng theo chuỗi; tích hợp giá trị của rừng với các giá trị về văn hóa./.

Phan Quý

Xem thêm