Đẩy mạnh chăn nuôi theo phương pháp an toàn sinh học

Trong năm qua, công tác phát triển chăn nuôi tại Bắc Kạn gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh gây ra, ngoại trừ đàn gia cầm vượt chỉ tiêu kế hoạch, còn lại các vật nuôi khác chưa đạt kế hoạch đề ra.

Anh Khang (bên trái) giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn với đoàn cán bộ của TW, của tỉnh, huyện nhưng không ai được vào thăm trực tiếp khu chăn nuôi để bảo đảm phòng dịch.
Anh Khang (bên trái) giới thiệu mô hình chăn nuôi lợn với đoàn cán bộ của TW, của tỉnh, huyện nhưng không ai được vào thăm trực tiếp khu chăn nuôi để bảo đảm phòng dịch.

Đến nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò đã xảy ra tại 1.111 hộ, 329 thôn, 73 xã, 8 huyện, thành phố làm 2.787 con trâu, bò mắc bệnh; trong đó 203 con chết với trọng lượng tiêu hủy 32.085kg.

Bệnh dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) đã xảy ra tại 1.668 hộ, 406 thôn, 87 xã của 8 huyện, thành phố làm 7.794 con mắc bệnh với trọng lượng tiêu hủy 363.969kg. Có 10 xã hiện đã mắc lại lần 2 gồm: Nông Thượng (thành phố Bắc Kạn), Đồng Thắng, Xuân Lạc (Chợ Đồn), Nông Hạ, Thanh Vận (Chợ Mới), Sỹ Bình (Bạch Thông), Cư Lễ, thị trấn Yến Lạc (Na Rì), Địa Linh, Yến Dương (Ba Bể).

Đến thời điểm này, bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò đã được khống chế. Tuy nhiên, bệnh DTLCP lại có chiều hướng lây lan phức tạp. Đồng chí Đỗ Xuân Việt- Chi cục Trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Do có vắc xin tiêm phòng dập dịch, đồng thời người dân đã có ý thức chủ động phòng dịch nên bệnh VDNC trâu, bò đã được khống chế. Khó khăn nhất là bệnh DTLCP chưa có vắc xin phòng chống dịch, ngoài ra, phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ nông hộ không đảm bảo ngăn dịch nên đàn lợn không đảm bảo an toàn. Do vậy, khuyến cáo người dân khi tái đàn lợn phải chăn nuôi theo phương thức an toàn sinh học.

Có nghĩa là, các cơ sở chăn nuôi tái đàn cần ý thức phòng bệnh, trang bị đầy đủ các trang thiết bị, dụng cụ chăn nuôi đảm bảo được các yêu cầu về an toàn sinh học trong chăn nuôi, chủ động kiểm soát về con giống và nguồn thức ăn. Người chăn nuôi lợn phải thực hiện vệ sinh chuồng trại hằng ngày, quét dọn thu gom rác và chất thải; rửa sạch chuồng trại, dụng cụ bảo hộ lao động bằng nước với xà phòng hoặc chất tẩy rửa; định kỳ 1 lần/tuần tổng vệ sinh toàn bộ khu vực chăn nuôi. Sát trùng trong và ngoài chuồng nuôi, các thiết bị dụng cụ bảo hộ lao động trước khi đưa vào trại và sau khi sử dụng; sát trùng người và phương tiện vận chuyển; xử lý phân và chất thải bằng biogas, chôn, đốt; tiêu huỷ xác lợn chết và sản phẩm từ lợn theo đúng hướng dẫn của cơ quan thú y. Cách ly, kiểm soát ra vào cơ sở chăn nuôi; không nuôi các động vật khác như lợn rừng, gà, vịt, chó, mèo trong khu vực chăn nuôi lợn; không cho khách tham quan chuồng trại. Sử dụng quần áo bảo hộ riêng cho khu vực chăn nuôi, diệt chuột và côn trùng gây hại, cung cấp nước sạch cho lợn; không cho lợn ăn thức ăn thừa của người khi chưa được nấu chín…

Thực tế hiện nay, để thích ứng với tình hình dịch bệnh, đã có nhiều tổ chức, hộ gia đình thực hiện phương thức chăn nuôi từ nhỏ lẻ, phân tán sang phát triển chăn nuôi quy mô nhỏ, vừa và lớn, áp dụng quy trình an toàn sinh học. Theo đó, trong năm 2021 đã phát triển được 11 trang trại, nâng tổng số toàn tỉnh lên 31 trang trại và 37 HTX chăn nuôi.

Anh Hoàng Văn Khang ở thôn Đồng Tâm, xã Kim Lư (Na Rì) chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi nuôi lợn không đảm bảo vệ sinh nên bị dịch chết hết. Đầu năm 2021, tôi tái đàn theo hướng dẫn của cán bộ thú y, chuồng trại làm biệt lập, cách xa khu dân cư, liên tục phun thuốc trừ côn trùng, chuột, gián; việc chăn nuôi chỉ một người thực hiện nên đã ngăn được DTLCP; hiệu quả là vừa được xuất chuồng 01 lứa lợn thịt và 01 lứa lợn con”.

Có thể thấy, trước tình hình dịch bệnh trên đàn vật nuôi khó lường, khó kiểm soát như hiện nay, các hộ chăn nuôi cần chủ động hơn nữa trong việc thực hiện khuyến cáo của ngành chăn nuôi, thú y nhằm đảm bảo an toàn dịch bệnh, tiến tới phát triển chăn nuôi an toàn, bền vững./.

Phan Quý

Xem thêm