Cải tạo, nâng cao chất lượng cam, quýt Chợ Đồn

Chợ Đồn hiện có hơn 536ha cây cam, quýt, tập trung chủ yếu ở các xã Đồng Thắng, Phương Viên, Đại Sảo… So với vụ trước, sản lượng năm nay không cao nhưng được giá.

Chị Nông Thị Khai ở thôn Nà Vằn, xã Đồng Thắng thu hái quýt cuối vụ.
Chị Nông Thị Khai ở thôn Nà Vằn, xã Đồng Thắng thu hái quýt cuối vụ.

Sản lượng giảm

Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, sự bão hòa của nhiều loại hoa quả trên thị trường khiến cho tình hình tiêu thụ cam, quýt mấy năm gần đây gặp nhiều khó khăn trong đó các vựa cam, quýt lớn trong tỉnh như Bạch Thông, Chợ Đồn cũng không ngoại lệ. Toàn huyện hiện có 536ha cam, quýt, trong đó cho thu hoạch là 452ha.

Đến vùng quýt ở Chợ Đồn những ngày cuối năm, nhiều vườn quýt giờ chỉ còn lác đác quả, bà con đã cơ bản thu hái xong những quả to, chín. Qua thăm nắm cho thấy, hầu hết mọi người đều cho rằng quýt năm nay quả không sai nhưng bù lại thì giá cả lại cao hơn vụ trước, bình quân quả loại to giá bán là 7.000 - 8.000 đồng/kg, nhỏ 4.000 đồng/kg.

Chị Nông Thị Khai ở thôn Nà Vằn, xã Đồng Thắng có khoảng 01ha quýt chín. Tranh thủ thời tiết thuận lợi, chị và các thành viên trong gia đình tập trung thu hoạch. Chị Khai cho hay: “Đồi quýt của gia đình tôi trồng đã hơn 10 năm, bình quân mỗi năm thu về khoảng 10 tấn quả, cũng được vài chục triệu đồng. Năm nay thì quả tuy không sai nhưng giá bán khá hơn vụ trước. Tuy nhiên, so với cách đây nhiều năm thì giá bán thấp hơn rất nhiều”. Thu hoạch xong, chị sẽ đốn tỉa cây, bón phân để cây sinh trưởng, phát triển tốt hơn. Điều mà chị trăn trở nhất là cây cam, quýt không có đầu ra ổn định bởi thị trường thường bấp bênh, việc duy trì bền vững cây trồng này là điều cần tính đến.

Nhiều năm đứng ra thu mua cam, quýt của bà con, chị Dương Thị Tuyến, thôn Nà Cọ, xã Đồng Thắng chia sẻ: “Năm nay một phần do thời tiết nên quýt không sai quả. Thời điểm này năm ngoái tôi đã mua của bà con 200 tấn quả nhưng năm nay mới thu được khoảng 100 tấn”. Chị Tuyến là tư thương thu mua số lượng lớn quýt của người dân trong vùng về các tỉnh miền xuôi tiêu thụ, hiện chị vẫn đang duy trì tốt đầu mối tiêu thụ tại các tỉnh Bắc Giang, Bắc Ninh, Tuyên Quang… Được biết, trên địa bàn Đồng Thắng hiện có 3 điểm thu mua cam, quýt.

Theo đánh giá của ngành chuyên môn huyện, sản lượng quýt năm nay thấp hơn năm ngoái, cả vùng ước đạt hơn 3.000 tấn; sản lượng cam đạt hơn 300 tấn. Nguyên nhân, qua nhận định rất có thể do thời tiết mưa nhiều vào đầu năm ảnh hưởng đến việc đậu quả. Bên cạnh đó, người dân chưa chú trọng cải tạo, thâm canh... Đầu ra cây ăn quả hiện chủ yếu vẫn bán tự do, chưa có đơn vị nào cam kết bao tiêu ổn định, lâu dài.

Xu hướng chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp

Mặc dù là cây chủ lực tại địa phương, đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho nhiều hộ dân, nhưng nhiều vùng quýt vài năm nay đã có dấu hiệu suy thoái, già cỗi, cây bị bệnh như: Bệnh vàng lá gân xanh, bệnh đốm đen, sâu đục thân, thối rễ... dẫn đến năng suất kém. Một số hộ thì cho rằng giá cả thị trường thấp nên không mặn mà việc chăm sóc dẫn đến chất lượng quả không cao. Trước thực tế đó, nhiều hộ dân trên địa bàn đã chủ động chuyển đổi sang trồng một số loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn như quýt Đường Canh, cam Xã Đoài hoặc cây lâm nghiệp.

Ông Nông Quốc Huấn- Chủ tịch UBND xã Đồng Thắng cho biết: “Địa phương có 341ha quýt và 53ha cam, nhưng đến nay có hơn 100ha diện tích trồng cam, quýt chuyển đổi sang trồng cây lâm nghiệp như quế, hồi, mỡ... Những diện tích chuyển đổi chủ yếu là vườn quýt già cỗi, cây lâu năm có nguy cơ chết, hoặc vườn thiếu chăm sóc, cải tạo. Thời gian tới, xã tiếp tục vận động người dân thực hiện tốt việc chăm sóc, ứng dụng khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất cây trồng, một số diện tích bị sâu bệnh, thoái hóa có thể chuyển đổi sang các loại cây có thể đem lại giá trị kinh tế cao”.

Cam, quýt ở Chợ Đồn nằm trong vùng chỉ dẫn địa lý, rất thuận lợi để cho sản phẩm cây ăn quả này có thể cạnh tranh, mở rộng phạm vi tiêu thụ. Tuy nhiên, áp lực lớn từ vùng cây ăn quả của các tỉnh lân cận cũng như tác động của dịch bệnh Covid-19 kéo dài khiến việc tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, mặc dù tỉnh đã có những hình thức hỗ trợ như tham gia các hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, kết nối để đưa hàng hóa của tỉnh vào các siêu thị, tham gia sàn thương mại điện tử...

Để cây ăn quả có múi của Chợ Đồn có thể cạnh tranh, mang lại hiệu quả kinh tế cao thì người dân phải chủ động nâng cao năng suất cây trồng bằng việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng quy trình canh tác VietGAP, chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, hoặc chuyển đổi sang các cây có múi có giá trị, phù hợp với điều kiện canh tác như: Cam sành, cam Xã Đoài, cam Đường Canh, bưởi, quýt chum…/.

Thu Trang

Xem thêm