Bắc Kạn đẩy mạnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo:

Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo hiệu quả, bền vững (Bài 2)

Để công nghiệp chế biến, chế tạo trở thành ngành công nghiệp chủ lực, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, tỉnh Bắc Kạn đề ra phương hướng phát triển công nghiệp kết hợp với đầu tư kết cấu hạ tầng, vùng nguyên liệu và nguồn nhân lực; xây dựng đồng bộ hạ tầng khu, cụm công nghiệp.

Các sản phẩm từ nghệ của Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà Bắc Kạn sản xuất, đang vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.
Các sản phẩm từ nghệ của Công ty Cổ phần Curcumin Bắc Hà Bắc Kạn sản xuất, đang vươn ra thị trường trong nước và quốc tế.

Định hướng và mục tiêu phát triển

Dựa trên quan điểm phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo theo Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 16-NQ/TU ngày 12/8/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển công nghiệp tỉnh Bắc Kạn giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Tỉnh phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở tiềm năng, lợi thế. Từng bước tăng tỷ trọng các ngành sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng cao và xuất khẩu. Phát triển các ngành công nghiệp chủ lực, như: Chế biến gỗ, lâm sản; sản xuất, chế biến thực phẩm, đồ uống; sản xuất kim loại và các sản phẩm từ kim loại...

Mục tiêu đến năm 2025 GRDP khu vực công nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng bình quân đạt trên 13%/năm; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng bình quân 17,61%/năm. Đến năm 2025, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 50% toàn ngành công nghiệp và tỷ trọng ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong GRDP của tỉnh đạt khoảng 5%. Tập trung phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn của tỉnh, như: Chế biến gỗ và lâm sản, sản xuất ván công nghiệp chất lượng cao, các sản phẩm gỗ nội thất; sản xuất  chì - kẽm kim loại, đồng kim loại, hóa chất… và các sản phẩm từ kim loại chì, kẽm, miến dong, cucurrmin nghệ, đồ uống (nước hoa quả, nước mía, rượu hoa quả…), dược liệu, chè Shan tuyết; sản xuất đá thạch anh nhân tạo, cát nhân tạo. 

Tỉnh phấn đấu hình thành và phát triển được một số sản phẩm công nghiệp chủ lực. Tạo việc làm cho hơn 10.000 lao động trong khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo trên cơ sở phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế của tỉnh và trở thành động lực phát triển ngành công nghiệp, các ngành kinh tế của tỉnh. Đến năm 2030, cơ cấu ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 70% toàn ngành công nghiệp và tỷ trọng ngành công nghiệp, chế biến chế tạo trong GRDP của tỉnh trên 10%.

Đưa ra những giải pháp phù hợp

Đến nay tỉnh đã chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư đẩy nhanh thực hiện các thủ tục đầu tư, triển khai xây dựng hạ tầng kỹ thuật Khu công nghiệp Thanh Bình giai đoạn II, các cụm công nghiệp: Cẩm Giàng, Quảng Chu, Huyền Tụng; đảm bảo kinh phí từ nguồn ngân sách để đầu tư xây dựng hoàn thiện các cụm công nghiệp: Vằng Mười, Nam Bằng Lũng, Chu Hương và xem xét đầu tư bổ sung một số cụm công nghiệp khác khi các nhà đầu tư có nhu cầu về mặt bằng xây dựng dự án công nghiệp.

Bắc Kạn đặt ra mục tiêu đến năm 2025 công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng bình quân 17,61%/năm (GRDP theo giá so sánh 2010 khoảng 401 tỷ đồng).
Bắc Kạn đặt ra mục tiêu đến năm 2025 công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng bình quân 17,61%/năm (GRDP theo giá so sánh 2010 khoảng 401 tỷ đồng).

Đồng chí Đinh Quang Tuyên- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh cho biết: Trong giai đoạn tới tỉnh tiếp tục quy hoạch, định hướng phát triển ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: Xây dựng Phương án phát triển ngành công nghiệp, khu và cụm công nghiệp tỉnh Bắc Kạn thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và phương án phát triển các ngành, lĩnh vực có liên quan đảm bảo thống nhất, đồng bộ. Trong đó, định hướng vùng nguyên liệu gắn với hoạt động chế biến; phát triển hạ tầng kỹ thuật, cụm công nghiệp phục vụ phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản, sản xuất kim loại; phát triển tiểu thủ công nghiệp gắn với làng nghề và du lịch dịch vụ. Rà soát, đề xuất Bộ Công thương và các bộ, ngành có liên quan tập trung vùng nguyên liệu và quy hoạch hoạt động sản xuất kim loại chì, kẽm tỉnh Bắc Kạn tương xứng với tiềm năng và là trung tâm sản xuất kim loại chì, kẽm của cả nước.

Đẩy mạnh việc rà soát, điều chỉnh bổ sung các cơ chế, chính sách đã được tỉnh ban hành theo hướng rõ đối tượng, rõ nguồn lực thực hiện, bảo đảm các chính sách ban hành phát huy được hiệu quả, tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Trong đó, tập trung các chính sách trong lĩnh vực công nghiệp như: Chính sách khuyến khích, hỗ trợ đầu tư vào khu, cụm công nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và xúc tiến thương mại; chính sách về phát triển vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất.

Đề xuất các chính sách ưu tiên, hỗ trợ phát triển các sản phẩm công nghiệp chủ lực, mũi nhọn phù hợp với thực tế của địa phương về: Hỗ trợ công tác đền bù, giải phóng mặt bằng; miễn, giảm tiền sử dụng đất; tiếp cận, hỗ trợ tín dụng; hỗ trợ chi phí để xây dựng công trình xử lý môi trường; hỗ trợ đào tạo lao động và đầu tư, chuyển giao công nghệ. Tiếp tục tập trung nguồn lực xã hội hóa và hỗ trợ một phần ngân sách để đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu, cụm công nghiệp để có mặt bằng sạch, hạ tầng kỹ thuật đồng bộ thu hút đầu tư các dự án công nghiệp chế biến, chế tạo. Chủ động rà soát, đánh giá và đề xuất kịp thời điều chỉnh quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, định hướng phát triển các ngành phù hợp với thực tế, xu thế phát triển.

Với những giải pháp cụ thể về công nghiệp nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng, tỉnh Bắc Kạn kỳ vọng sẽ thu hút được các nhà đầu tư tiềm lực mạnh, uy tín, giàu kinh nghiệm; tạo nguồn lực mạnh mẽ để thúc đẩy địa phương phát triển trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, hướng đến nền kinh tế bền vững./. (Hết).

Bích Ngọc

Xem thêm