Sản xuất vụ đông ở Bạch Thông

Sau khi thu hoạch xong diện tích lúa mùa sớm, người dân huyện Bạch Thông tập trung làm đất sản xuất vụ đông với một số loại cây trồng mới nhằm nâng cao thu nhập.

Vụ đông năm 2020, gia đình bà Trương Thị Vỹ, thôn Phiêng Bủng, xã Sỹ Bình trồng 2.500m2 cây nguyên liệu thuốc lá, được mùa được giá nên thu nhập gần 33 triệu đồng, tăng gần 10 triệu so với năm trước đó. Vụ đông năm nay, bà Vỹ quyết định mở rộng diện tích trồng lên 3.000m2 dù nhà thiếu nhân lực lao động. Sau khi thu hoạch lúa mùa, gia đình bà đã cày đất làm luống, chuẩn bị cây giống để trồng theo khung thời vụ được khuyến cáo. Vụ đông nhiều năm qua, gia đình bà Vỹ còn sử dụng quỹ đất trống trồng thêm rau màu khác như: Bắp cải, bí xanh, cà chua, khoai lang... Dù khá vất vả nhưng cho thu nhập khá nên bà Vỹ dành nhiều công sức, thời gian cho vụ sản xuất thứ ba này.

Người dân thôn Còi Có, xã Vũ Muộn trồng cây rau màu vụ đông.
Người dân thôn Còi Có, xã Vũ Muộn trồng rau vụ đông.

Những năm gần đây, nhờ chú trọng phát triển cây rau màu, gia đình bà Bàn Thị Lý, thôn Còi Có, xã Vũ Muộn thu nhập khoảng 20 triệu đồng từ gần 1.000m2 ruộng. Nhận thấy trồng lúa thu nhập không cao nên bà Lý đã chuyển hẳn sang chuyên canh các loại cây rau màu với mùa nào thức ấy. Tháng Giêng, bà trồng bí xanh đến khoảng tháng Bảy sẽ thu hoạch. Tiếp đó, bà chuyển sang trồng rau màu trái vụ, chủ yếu là bắp cải, su hào và rau cải, tuy mất nhiều công chăm sóc nhưng giá bán trái vụ rất cao. Thu hoạch đến đâu, bà lại trồng đợt rau gối vụ để tăng hệ số sử dụng đất cũng như thu nhập. Bà Bàn Thị Lý cho biết: "Năm nay mưa nhiều nên làm đất khá vất vả, diện tích trồng rau màu cũng không nhiều nhưng bù lại giá bán khá cao. Đầu vụ đông, bắp cải bán tại ruộng cũng được 15.000 - 18.000 đồng/kg, còn tự đem ra chợ bán được 25.000 - 30.000 đồng/kg. So với trồng lúa, ngô thì trồng rau màu, nhất là rau màu trái vụ và vụ đông đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn nhưng cũng đòi hỏi người trồng đầu tư nhiều thời gian, công sức".

Đồng chí Đinh Quang Trực- Bí thư Đảng ủy xã Vũ Muộn cho biết: Những năm gần đây, sản xuất vụ đông đã dần được người dân chú trọng và mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ. Thu hoạch xong vụ mùa sớm, xã đã tuyên truyền, vận động bà con chủ động làm đất phục vụ trồng cây nguyên liệu thuốc lá với diện tích khoảng 40ha. Sau trồng thử nghiệm thành công với diện tích 500m2 tại thôn Choóc Vẻn, vụ đông năm nay với sự liên kết của doanh nghiệp, xã sẽ mở rộng trồng củ cải khổng lồ với diện tích khoảng 8ha. Để bảo đảm quy trình kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch, xã lựa chọn những cánh đồng có tầng đất canh tác dày, xốp và vận động người dân đăng ký thực hiện. Cùng với đó, một số cây trồng như cây củ kiệu, cà chua, khoai tây và một số loại rau xanh cũng được địa phương khuyến khích phát triển.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông, diện tích cây rau màu vụ đông của địa phương khoảng 100ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Nguyên Phúc, Tân Tú, Quân Hà, Cẩm Giàng, Sỹ Bình, Vũ Muộn và thị trấn Phủ Thông. Cùng với các loại cây trồng truyền thống thì hai năm qua, huyện tích cực đưa các giống cây trồng mới vào sản xuất như: Rau cải Nhật, củ cải khổng lồ hay củ kiệu, ngô sinh khối. Tuy nhiên, đối với những cây trồng mới sản xuất theo chuỗi liên kết để phát triển bền vững và nâng cao hiệu quả cần tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc, điều hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân.

Bảo đảm kế hoạch sản xuất vụ đông, từ tháng 10, phòng chuyên môn đã tích cực phối hợp với các địa phương tuyên truyền vận động người dân chủ động làm đất trồng cây vụ đông, nhất là ở những xã ít quan tâm đến vụ sản xuất này. Tuy là vụ thứ ba nhưng hiệu quả kinh tế mang lại cho người dân là không nhỏ, nếu canh tác tốt có thể cho thu nhập 100 - 150 triệu đồng/ha.

Dư địa phát triển cây vụ đông ở Bạch Thông vẫn còn nhiều, do vậy, huyện tiếp tục tăng cường tuyên truyền thay đổi nhận thức, tập quán canh tác cho người dân, đẩy mạnh liên kết sản xuất, nhất là về quy trình kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm./.

X.N

Xem thêm