Sản xuất theo chuỗi để nâng cao giá trị sản phẩm

Hiện nay, nhiều HTX trên địa bàn huyện Ba Bể đã chú trọng xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Qua đó giúp tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi, tăng giá trị sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.

HTX Hoàng Huynh (xã Khang Ninh) được biết đến là đơn vị chuyên đi sâu vào chế biến nông sản. 100% các sản phẩm của HTX được phân phối ra thị trường hiện nay đều là những sản phẩm đã qua chế biến. Anh Hoàng Văn Huynh- Giám đốc HTX cho biết: Giá thành của các loại nông sản tươi thường bị chi phối bởi rất nhiều yếu tố như: Sản lượng mùa vụ, nhu cầu thị trường, thương lái ép giá..., khiến sản xuất nông nghiệp không mang tính ổn định. Chính vì lẽ đó, HTX đã chú trọng khâu chế biến, từng bước nâng cao giá trị nông sản của nông dân. Hiện HTX đã đầu tư 5 máy chế biến công suất lớn, có thể đáp ứng những đơn hàng với số lượng nhiều.

HTX Hoàng Huynh xây dựng vùng nguyên liệu cho các sản phẩm chủ lực gồm: Chuối sấy dẻo, trà giảo cổ lam và mác mật khô. Hiện nay, HTX có hơn 20ha cây chuối tây, trồng chủ yếu ở các thôn Nà Kiêng, Nà Mằm, Nà Cọ... Cùng với đó, HTX liên kết với 94 hộ dân trồng chuối trên địa bàn để đảm bảo cung ứng nguyên liệu đầu vào. Năm 2021, HTX trồng mới thêm 8,5ha chuối theo quy trình hữu cơ. Đối với cây giảo cổ lam, 20 hộ thành viên đã tiến hành trồng 1ha. Cùng với đó là tận dụng nguồn giảo cổ lam mọc tự nhiên trong rừng tại các địa phương trong và ngoài huyện, HTX tiến hành thu mua và kiểm tra đầu vào, đảm bảo an toàn, chất lượng. Tổ hợp tác trồng mác mật cũng được thành lập với 15 thành viên, triển khai trồng mới 1.000 cây tại vườn nhà, dự kiến sau 2 năm sẽ cho thu hoạch ổn định. Trung bình mỗi năm, HTX thu mua 7 tấn quả mác mật, 8 tấn chuối tươi và 10 tấn giảo cổ lam để chế biến. Ngoài ra các sản phẩm khác như: Chuối hột; thịt trâu sấy khô; thịt lợn gác bếp... cũng được HTX sản xuất theo nhu cầu thị trường.

Anh Hoàng Văn Huynh- Giám đốc HTX Hoàng Huynh kiểm tra chất lượng cây giảo cổ lam sau khi thu mua về.
Anh Hoàng Văn Huynh- Giám đốc HTX Hoàng Huynh kiểm tra chất lượng cây giảo cổ lam sau khi thu mua về.

Chuỗi sản xuất và chế biến lạp sườn gác bếp của HTX Nhung Lũy (xã Yến Dương) được thực hiện theo quy trình khép kín. Chị Đinh Tuyết Nhung- Giám đốc HTX cho biết: Trang trại chăn nuôi lợn của HTX duy trì số lượng từ 400 con trở lên. Nhờ làm tốt công tác phòng trừ dịch bệnh, phương pháp chăn nuôi theo quy trình hiện đại, đàn lợn khỏe mạnh, cho chất lượng thịt ngon. Từ khâu giết mổ, sơ chế nguyên liệu làm lạp sườn đều được kiểm soát chặt chẽ. Sản phẩm lạp sườn gác bếp của HTX sản xuất theo quy trình khép kín hoàn toàn.

Ngoài sản phẩm lạp sườn gác bếp, HTX còn có nhiều sản phẩm khác như: Chân giò hầm, khâu nhục, xúc xích, thịt treo gác bếp... được sản xuất quanh năm. Vào mùa cao điểm, mỗi ngày HTX sử dụng khoảng 500kg lợn hơi để phục vụ chế biến. 8 thành viên trong nhóm nuôi lợn hiện có thu nhập trung bình khoảng 4,5 triệu đồng/người/tháng sau khi trừ chi phí.

Xác định liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu và là hướng đi bền vững, ổn định, hiện nay các tổ hợp tác, HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện Ba Bể đã chú trọng phát triển sản xuất theo chuỗi, nhất là đối với các sản phẩm đặc trưng, lợi thế. Theo đó, HTX vừa quản lý chất lượng và làm đầu mối thu mua có lợi nhuận. Nông dân bán nông sản với giá cao hơn so với cách sản xuất trước đây. Khi liên kết sản xuất với nông dân, các đơn vị chủ động được nguồn cung sản phẩm nông nghiệp với giá cả ổn định.

Từ năm 2016 đến nay, trên địa bàn huyện Ba Bể có 15 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, tiêu biểu như: Bí xanh thơm của HTX Thanh Đức (Địa Linh); rau bò khai, bí xanh thơm của HTX Sang Hà (Thượng Giáo); hồng không hạt của HTX Đồng Lợi (Quảng Khê); chè khô của HTX chè Mỹ Phương (xã Mỹ Phương); gạo Nếp Tài, mướp đắng rừng, măng khô của HTX Yến Dương (xã Yến Dương)... Các khâu từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ những sản phẩm này đều được kiểm soát, an toàn cho sức khỏe người dùng, có truy xuất nguồn gốc. Các đơn vị chế biến đã tích cực đầu tư xây dựng nhà xưởng, máy móc hiện đại, góp phần nâng cao sản lượng, chất lượng sản phẩm sau chế biến.

Chính quyền địa phương chủ động tham gia với vai trò là cầu nối để các HTX và người dân thực hiện liên kết, bao tiêu sản phẩm, nhằm bảo đảm lợi ích hài hòa cũng như quyền lợi chính đáng của mỗi bên. Một số cây trồng chủ lực của huyện đã được quan tâm phát triển diện tích theo quy hoạch vùng, tăng cường áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đổi mới phương thức canh tác. Đến nay, toàn huyện có trên 700ha chè đang cho thu hoạch; gần 200ha cam, quýt; hơn 320ha hồng không hạt; 275ha mận; 500ha chuối; hơn 100ha bí xanh thơm mỗi vụ.

Đồng chí Ma Thị Cử- Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Bể nhận định: Giá trị sản phẩm trong chuỗi liên kết sau thu mua, chế biến và phân phối ra thị trường được nâng lên rõ rệt. Những sản phẩm mang tính đặc trưng bản địa khi đưa ra thị trường được người tiêu dùng đón nhận tích cực. Một số sản phẩm mang lại thành công ngay từ bước đầu cho các đơn vị chế biến như: sản phẩm trà bí thơm; thịt trâu gác bếp; rau bồ khai... Địa phương sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá và tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo thuận lợi cho tiêu thụ nông sản./.

Thu Hường

Xem thêm