Ngân Sơn: Nhân rộng mô hình điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

Phong trào "Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" đã khích lệ, động viên các hộ nông dân huyện Ngân Sơn tích cực lao động, vươn lên trong cuộc sống. Qua đó, từng bước hình thành nhiều mô hình điển hình, góp phần giảm nghèo bền vững.

Anh Vi Hoàng Sơn, xã Hiệp Lực phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả.
Anh Vi Hoàng Sơn, xã Hiệp Lực phát triển kinh tế từ trồng cây ăn quả.

Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" được Hội Nông dân huyện Ngân Sơn coi trọng và đưa vào mục tiêu, nhiệm vụ hằng năm. Chỉ đạo các cấp Hội củng cố và đổi mới phương thức lãnh đạo, tăng cường tuyên truyền các chính sách hỗ trợ sản xuất, khuyến công, khuyến nông. Giai đoạn 2019 – 2021, các cấp Hội chủ động phối hợp với các ngành chuyên môn tổ chức 291 buổi tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi cho 12.508 lượt người; 15 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 650 hội viên; hướng dẫn thành lập 01 hợp tác xã và 41 tổ hợp tác; cung ứng và tín chấp trên 15 tấn phân bón cho hội viên; quản lý ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 71 tỷ đồng cho 1.300 hộ vay… Cũng trong giai đoạn này, có hơn 3.000 hộ đăng ký hộ sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; qua bình xét có 505 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, trong đó có 10 lượt hộ đạt cấp tỉnh, 74 lượt hộ đạt cấp huyện, 421 lượt hộ đạt cấp cơ sở.

Qua phong trào đã xuất hiện nhiều mô hình kinh tế hiệu quả, nhiều nông dân dám nghĩ, dám làm, quyết tìm tòi học hỏi, đưa vào thử nghiệm và nhân rộng sản xuất cây trồng, vật nuôi đem lại thu nhập cao, mang tính đặc thù của địa phương. Một số hộ nông dân đã có cách làm sáng tạo, khơi dậy tiềm năng lợi thế, điển hình như mô hình trồng nho hạ đen của bà Triệu Thị Nga ở xã Thượng Quan. Khi nho chín, bà Nga không đem ra thị trường bán, cũng không cung cấp cho thương lái mà quảng bá sản phẩm, mở cửa vườn cho du khách đến tham quan, trải nghiệm và trực tiếp hái quả.

Hay hộ ông Vi Hoàng Sơn, thôn Bó Lếch, xã Hiệp Lực liên tục đạt hộ sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện với mô hình trồng cây ăn quả. Với diện tích 8ha, mỗi năm sản lượng quả đạt hàng trăm tấn, sau khi trừ chi phí, gia đình anh có thu nhập hơn 400 triệu đồng. Năm 2021, anh Sơn mở rộng diện tích trồng cây ăn quả thêm khoảng 4ha, tạo việc làm thời vụ cho 4 lao động địa phương với thu nhập bình quân khoảng 3 triệu đồng/tháng.

Đồng chí Vũ Thị Tuyết- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Ngân Sơn đánh giá: Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững" trên địa bàn huyện có sự tiến bộ về số lượng, quy mô, chất lượng. Phong trào đã góp phần cho mục tiêu giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng đời sống của các hộ hội viên. Cụ thể, năm 2019 có 2.543 hộ hội viên nghèo, chiếm 34,29% và 1.030 hộ cận nghèo thì đến cuối năm 2020 tỷ lệ hộ hội viên nghèo còn 32,47%, hộ cận nghèo 13,38%.

Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả phong trào, giai đoạn 2021 – 2023, Hội Nông dân huyện phấn đấu có từ 30% hộ hội viên nông dân trở lên đăng ký, trong đó có 50% hộ đăng ký đạt tiêu chuẩn sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp; hằng năm 100% cơ sở Hội tổ chức khảo sát thu nhập các hộ đăng ký để bình xét danh hiệu. Tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho 95% hội viên nông dân có nhu cầu. Vận động thành lập mới, hỗ trợ, tư vấn, hướng dẫn hoạt động hiệu quả được ít nhất 01 hợp tác xã, tổ hợp tác trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp. Tổ chức thực hiện tốt các hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân; phối hợp khai thác và quản lý các nguồn vốn vay hỗ trợ hội viên phát triển sản xuất, kinh doanh. Mục tiêu nhằm góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị và khả năng cạnh tranh cao hơn, hình thành vùng sản xuất lớn tập trung.../.

Hà Nhung

Xem thêm