Hội thảo đề xuất giải pháp phát triển vùng cây cam, quýt huyện Bạch Thông

Chiều 11/11, huyện Bạch Thông tổ chức Hội thảo đánh giá, đề xuất giải pháp phát triển vùng cây cam, quýt với sự tham dự của các chuyên gia, nhà khoa học đến từ Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam, các sở, ngành chuyên môn của tỉnh, lãnh đạo một số địa phương vùng trọng điểm cam, quýt.

Hội thảo thu được nhiều tham vấn có giá trị từ các đại biểu.
Hội thảo thu được nhiều tham vấn có giá trị từ các đại biểu.

Đề dẫn tại Hội thảo, lãnh đạo huyện Bạch Thông khẳng định giá trị kinh tế, xã hội của cây cam, quýt đối với người dân các địa phương trong huyện. Toàn huyện hiện có 1.405ha quýt, 340ha cam, sản lượng khoảng 14.000 - 16.000 tấn. Tuy nhiên, đến nay nhiều diện tích quýt của huyện Bạch Thông đã bị thoái hóa, cho năng suất thấp, đòi hỏi có giải pháp khắc phục để phát triển bền vững.

Các ý kiến tại Hội thảo đều đánh cao tiềm năng, giá trị phát triển cây ăn quả tại Bạch Thông, chủ lực là cây cam, quýt Quang Thuận. Đặc biệt theo phân tích của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, cây quýt Quang Thuận có những đặc điểm, giá trị riêng biệt với những lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng. Nhưng đến nay nhiều diện tích quýt Quang Thuận đã đến cuối chu kỳ sinh trưởng nên ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Vấn đề phá vỡ quy hoạch và nguy cơ mai một dòng quýt bản địa cũng được các đại biểu phân tích làm rõ.

Nhiều giải pháp được nêu ra nhằm phát triển bền vững vùng cam, quýt của Bạch Thông, trong đó có nhóm giải pháp về quản lý nhà nước mà cụ thể là công tác quy hoạch vùng; nhóm giải pháp về cơ chế, chính sách; nhóm giải pháp về quảng bá nông sản gắn với chuyển đổi số; đặc biệt là nhóm giải pháp về kỹ thuật bao gồm phục tráng giống bản địa, thâm canh, tái canh, bảo quản sản phẩm… Bên cạnh đó, một số đại biểu đề xuất huyện Bạch Thông nên phát triển song hành diện tích cam, nhất là cây cam sành vì loại cây trồng này có nhiều ưu thế và dư địa phát triển.

Các ý kiến, đề xuất, thảo luận tại Hội thảo được huyện Bạch Thông lắng nghe, tiếp thu làm cơ sở để tìm giải pháp phát triển bền vững vùng cây ăn quả có múi. Lãnh đạo huyện Bạch Thông mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, hỗ trợ nhiều hơn từ các chuyên gia, nhà khoa học và cấp, ngành chức năng của tỉnh./.

Xuân Nghiệp

Xem thêm