Hội nghị trực tuyến triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022 các tỉnh phía Bắc

Sáng 09/11, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội nghị trực tuyến “Đánh giá kết quả sản xuất năm 2021; triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021-2022 các tỉnh phía Bắc”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh chủ trì Hội nghị. Tham dự tại điểm cầu Bắc Kạn có đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo Sở NN&PTNT.

Theo báo cáo của Bộ, mặc dù năm 2021 chịu ảnh hưởng rất lớn của dịch Covid-19 và điều kiện thời tiết bất thuận, tuy nhiên, sản xuất lúa tại các tỉnh phía Bắc vẫn đạt thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị.

Năm 2021 toàn miền Bắc gieo cấy ước đạt 2.304 nghìn héc-ta (giảm khoảng 19 nghìn héc-ta so với năm 2020). Năng suất lúa trung bình cả năm của các tỉnh phía Bắc ước đạt 58,2 tạ/héc-ta (tăng 1,5 tạ/héc-ta so với năm 2020). Sản lượng lúa năm 2021 các tỉnh phía Bắc ước đạt 13,418 triệu tấn (tăng 233 nghìn tấn so với năm 2020). Sản xuất rau màu các tỉnh phía Bắc đạt khoảng 985 nghìn héc-ta, tăng 9 nghìn héc-ta so với cùng kỳ.

Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.
Đồng chí Đỗ Thị Minh Hoa- Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị.

Triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022, toàn miền Bắc dự kiến gieo cấy 1,081 triệu héc-ta, giảm khoảng 6 nghìn héc-ta so với lúa vụ Đông Xuân 2020 - 2021; năng suất trung bình ước đạt 64,4 tạ/héc-ta, sản lượng ước đạt khoảng 6,965 triệu tấn, giảm khoảng 18,2 nghìn tấn so với cùng kỳ.

Tại Hội nghị, các địa phương đã thảo luận kinh nghiệm trong triển khai thực hiện sản xuất và đưa ra một số giải pháp trong kế hoạch sản xuất thời gian tới, nhất là trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đỗ Thị Minh Hoa cho biết: Bắc Kạn xác định nông nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của giai đoạn 2021 - 2025, nên ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ tỉnh đã ban hành 02 nghị quyết về sản xuất nông nghiệp.

Trong năm 2021, Bắc Kạn đã tập trung phát triển sản xuất nông nghiệp, khai thác tính đặc hữu của sản phẩm gắn với chế biến để nâng cao chất lượng. Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 ảnh hưởng đến việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản và thị trường lao động... Tuy nhiên được sự hỗ trợ của các cấp, ngành, đơn vị, doanh nghiệp nên đến nay kết quả sản xuất nông nghiệp vẫn đạt khá. Tỉnh chuẩn bị bước vào vụ thu hoạch cam, quýt và bắt tay vào triển khai sản xuất vụ Đông Xuân 2021 - 2022.

Với lợi thế về rừng, Bắc Kạn hiện có tỷ lệ che phủ rừng cao nhất cả nước với 73,4%, tuy nhiên 2/3 diện tích là rừng tự nhiên. Để thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ rừng, Bắc Kạn đề nghị Bộ NN&PTNT quan tâm, sớm tham mưu cho Chính phủ có chính sách phát huy dịch vụ môi trường rừng, giúp người dân tham gia bảo vệ rừng đảm bảo cuộc sống; chính sách cho phép tỉnh chuyển đổi đất rừng phòng hộ, đặc dụng để kịp thời phát triển kinh tế - xã hội. Có chính sách và định hướng phát triển vùng dược liệu của các tỉnh miền núi, trong đó có tỉnh Bắc Kạn; dành nguồn lực phát triển nông nghiệp hữu cơ gắn với du lịch. Sớm tham mưu cho Chính phủ ban hành Chương trình phát triển nông thôn mới, Bộ tiêu chí nông thôn mới và các văn bản liên quan giai đoạn 2021 - 2025.

Thứ trưởng Lê Quốc Doanh đánh giá Bắc Kạn là tỉnh có lợi thế để phát triển nông nghiệp, có nhiều sản phẩm đặc hữu, sản phẩm OCOP, đảm bảo ATTP, có độ che phủ rừng cao. Ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Bắc Kạn, Bộ NN&PTNT cho biết đang trình một số nội dung cho Chính phủ để ban hành trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh biểu dương và ghi nhận sự nỗ lực vượt khó, chủ động thực hiện kế hoạch sản xuất của các địa phương, dẫn tới kết quả sản xuất nông nghiệp năm 2021 đạt thắng lợi cả về năng suất, sản lượng và giá trị. Đối với vụ Đông Xuân 2021 – 2022, Thứ trưởng chỉ đạo: Các địa phương chủ động làm đất sớm, gieo cấy đúng thời vụ, xung quanh tiết lập xuân; làm mạ nền dày để tránh chết rét; áp dụng biện pháp tiên tiến, tăng chăm sóc để giảm phân bón; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác hiệu quả kinh tế cao và bền vững; làm tốt thủy lợi nội đồng, chủ động tưới tiêu, chỉ đạo chặt chẽ dự tính dự báo sâu bệnh hại; tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học kỹ thuật góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất…/.

Phan Quý

Xem thêm